"Dấu chấm hết" cho Vinaxuki

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khu đất của Vinaxuki Thanh Hóa bị thu hồi có thể xem là dấu chấm hết cho dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch công ty.
Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hóa (Nguồn: Internet)
Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hóa (Nguồn: Internet)

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi 45,6 ha đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa) - thành viên của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) - tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Đây là phần diện tích đất còn lại thuộc dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, đã được Vinaxuki Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình trên đất như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ…

Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thanh Hóa có thể xem là dấu chấm hết cho dự án đầy tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, với mong muốn sản xuất ra những chiếc ô tô “made in Việt Nam” mang nhãn hiệu Vinaxuki.

Theo tìm hiểu của VietTimes, tháng 10/2010, Vinaxuki Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng (Nhà máy Vinaxuki) với quy mô dự kiến lên tới 92,3 ha, tổng vốn đầu tư 1.360 tỉ đồng.

Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp xe ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn; sản xuất lắp ráp xe ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ô tô các loại.

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Vinaxuki kỳ vọng mỗi năm sẽ sản xuất ra 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, tới năm 2013, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi một phần dự án có diện tích 26 ha, đồng thời thông báo sẽ thu hồi đất theo quy định nếu công ty không tiếp tục đầu tư, tái khởi động lại nhà máy.

Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên cho hay, đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đơn vị tài trợ cho Vinaxuki đã cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng khiến doanh nghiệp phải dừng sản xuất.

Tháng 4/2020, Vietcombank - Chi nhánh Thăng Long đã rao bán phát mại toàn bộ hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm 44,2 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá khởi điểm đã giảm xuống còn 28,2 tỉ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho CTCP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu (Toàn Cầu) thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Toàn Cầu được thành lập vào tháng 10/2019, trụ sở chính đặt tại ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liên, Tp. Hà Nội, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (chi tiết: hoạt động tư vấn đầu tư).

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Hùng (nắm giữ 95% VĐL); Vũ Thanh Bình (nắm giữ 2,5% VĐL); Nguyễn Đình Nam (nắm giữ 2,5% VĐL).

Ông Vũ Văn Hùng còn là người đại diện pháp luật cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính và Thương mại Toàn Cầu - thành lập vào tháng 12/2020, vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng, đóng trụ sở chính tại thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội./.