Trong một phiên điều trần gần đây tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Nga, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đại diện bang New Jersey cho rằng mới đây ông đã gặp gỡ đại sứ các nước khu vực Baltic, những người lo ngại rằng các cuộc tập trận Zapad của Nga vào tháng 9 tới có thể sẽ tăng cường thêm nhiều lính Nga tham gia hơn so với các cuộc tập trận cùng tên vào năm 2009 và 2013.
Tướng Phillip Breedlove của Mỹ, từng là Tư lệnh tối cao của NATO, cho rằng tên của cuộc tập trận, trong tiếng Nga có nghĩa là “phía tây”, kết hợp với con số đồn đoán là 100.000 lính, hoặc có thể gấp đôi số đó, thực sự đáng báo động. Tuy nhiên, tướng Breedlove cũng thận trọng cho rằng điện Kremlin vẫn chưa công khai con số mà họ dự kiến triển khai trong cuộc tập trận tháng 9 tới, và các quan chức Nga được cho là thường lan truyền thông tin sai để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền.
“Nga đã yêu cầu triển khai số lượng toa xe lửa nhiều hơn cuộc tập trận Zapad năm 2013 tới 83 lần”, ông Breedlove phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện, “Do đó quy mô cuộc diễn tập này sẽ lớn hơn trước rất nhiều”.
Nga cho biết đã có 10.000 binh sĩ tham gia trong các cuộc tập trận năm 2013, cuộc tập trận trải rộng khắp nước Nga và có sự tham gia của tất cả các quân binh chủng thuộc quân đội nước này, tuy nhiên các nhà phân tích quốc phòng phương Tây lại cho rằng con số thực sự có thể lên tới gần 70.000 quân.
“Các quốc gia có quyền tập trận. Nhưng tôi nghĩ các quốc gia không có quyền tập trận một cách vô trách nhiệm trên biên giới của nước khác, và dưới các hình thức thể hiện khả năng tấn công. Tôi nghĩ vấn đề của cuộc tập trận này chính là về quy mô và phạm vi, lại trực tiếp trên biên giới, cái tên của cuộc tập trận này cũng định hướng về phương Tây, và sự thật rằng tính khó đoán định của cuộc tập trận khiến nó càng trở nên đáng báo động”, ông Breedlove cảnh báo.
Ông Breedlove đưa ra bình luận này sau khi tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite trả lời các phóng viên sau cuộc thảo luận với tổng thống các nước Latvia và Estonia rằng họ đều hết sức quan ngại, vì “nguy hiểm đang tăng cao”.
“Chúng tôi đều lo lắng về cuộc tập trận Zapad sắp tới trong năm 2017. Cuộc tập trận này sẽ triển khai với một lực lượng tấn công rất lớn (diễn ra ở biên giới nước chúng tôi). Lực lượng này cho thấy Nga đang chuẩn bị rất kỹ càng cho một cuộc chiến với phương Tây”, Reuters trích lời bà Grybauskaite phát biểu tại Riga.
“Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải đàm phán với NATO về việc lên các kế hoạch phòng thủ bổ sung, sử dụng các phương tiện quân sự bổ sung, và về việc thiết lập một quá trình ra quyết định nhanh chóng hơn”, bà Grybauskaite nói.
Bộ trưởng quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis trả lời Reuters rằng liên minh NATO nên chuẩn bị để hạ nhiệt bất kỳ “hành vi khiêu khích” nào trong cuộc tập trận này của Nga.
“Sự hiện diện của số lượng quân lính khổng lồ ngay sát biên giới nước chúng tôi dĩ nhiên sẽ tạo ra một số nguy cơ. Chúng tôi sẽ có các biện pháp đối phó, bao gồm cả các biện pháp phối hợp với các đồng minh, và chúng tôi không cho phép bất kỳ hành vi khiêu khích nào”, ông Koroblis quả quyết.
“Rõ ràng Nga thực sự muốn tái thiết lập sự thống lĩnh và thay đổi hệ thống quốc phòng ở cả châu Âu. Đó là một lời đe dọa đến Trung Âu, đặc biệt là các nước Baltic”, ông Koroblis nhận định.
Các nước Lithuania, Latvia và Estonia đều được cho là sẽ hối thúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, ít nhất là để duy trì cam kết quân sự hiện nay của Mỹ với các đồng minh NATO ở Đông Âu. Khoảng 4.000 lính Mỹ hiện đã được triển khai tới Ba Lan và các nước láng giềng trong vài tháng gần đây, theo lệnh của ông Obama nhằm trả đũa vụ Nga sáp nhập Crimea.
Trong khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các lãnh đạo châu Âu lo lắng vì gọi NATO là “lỗi thời” trước khi ông nhậm chức, ông Mattis vẫn bảo vệ liên minh này trong phiên điều trần xác nhận ở Quốc hội Mỹ rằng “đây có lẽ là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hiện đại, và có thể mãi mãi là như vậy”.
“Trong phiên điều trần, ông Mattis cũng gọi Nga là “mối đe dọa cơ bản” tới Mỹ, nhưng lại đồng tình với quan điểm của ông Trump về cách tiếp cận với Nga của chính quyền mới.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng tôi cũng phải công nhận thực tế và những gì mà Nga đã làm, và ngày càng có ít các khu vực mà chúng ta có thể hợp tác, trong khi ngày càng nhiều các khu vực mà chúng ta phải đối đầu với Nga. Tôi có kỳ vọng rất khiêm tốn về các lĩnh vực hợp tác với ông Putin”, ông Mattis phát biểu.