Đằng sau chuyện nhà đầu tư chiến lược Bitexco âm thầm thoái vốn tại Du lịch Hương Giang...

VietTimes -- Xét trên số lượng cổ phần mà các cổ đông pháp nhân nắm giữ và báo cáo của Ban Kiểm soát, trong bối cảnh công ty Du lịch Hương Giang không thực hiện tăng vốn điều lệ trong thời gian này, nhiều khả năng thương vụ thoái vốn của Bitexco (trong khoảng thời gian từ 31/3 - 25/4/2019) có liên quan đến hoạt động “xử lý cổ phần thế chấp” của cổ đông Crystal Treasure.
Khách sạn Hương Giang - thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Hương Giang - có vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế (Ảnh: Internet)
Khách sạn Hương Giang - thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Hương Giang - có vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế (Ảnh: Internet)

Bitexco “âm thầm” thoái vốn tại Du lịch Hương Giang

Theo báo cáo của Ban kiểm soát của CTCP Du lịch Hương Giang (Du lịch Hương Giang hay Hương Giang Tourist - viết tắt: HGT) dự trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019, danh sách cổ đông chốt ngày 25/4/2019 cho thấy Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 41,74% xuống còn 9,11% vốn điều lệ, tương đương mức giảm 32,63%.

“Tuy nhiên, trong hồ sơ thư ký HĐQT cung cấp thì chỉ có thông báo xử lý cổ phần thế chấp của cổ đông Crystal Treasure, mà không có hồ sơ chuyển nhượng cổ phần ký bởi Bitexco và bên nhận chuyển nhượng, và/hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này cũng chưa được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC” - báo cáo của Ban kiểm soát cho hay.

Ở chiều hướng ngược lại, trước ngày chốt danh sách cổ đông 25/4/2019, HGT liên tiếp công bố hoạt động giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu của công ty của 3 nhà đầu tư tổ chức.

Trong đó, cổ đông ngoại Công ty TNHH Crystal Treasure (Crystal Treasure Limited) đã nhận 751.900 cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 45,5% vốn điều lệ.

Hai pháp nhân trong nước là Công ty TNHH Thạch Anh Trắng và Công ty TNHH Tấn Trường cũng bất ngờ trở thành cổ đông lớn của HGT khi lần lượt nhận chuyển nhượng 1.773.323 cổ phần và 4.000.000 cổ phần, để sở hữu 9,626% và 20% vốn. Trước đó, Công ty TNHH Thạch Anh Trắng chỉ sở hữu 0,76% vốn của HGT.

Đáng chú ý, mục đích của cả 3 giao dịch thỏa thuận kể trên đều được các pháp nhân này cho biết là nhằm "xử lý cổ phần thế chấp theo hợp đồng”.

Trụ sở Công ty TNHH Thạch Anh Trắng. (Ảnh: Xuân Thắng)
Trụ sở Công ty TNHH Thạch Anh Trắng. (Ảnh: Xuân Thắng)

Được biết, Công ty TNHH Thạch Anh Trắng mới được thành lập vào ngày 11/5/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại E16 đường số 5, KP2, Phường Phú Nhuận, Quận 7, Tp. HCM. Quy mô vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Trần Minh Quang (sinh năm 1971) có địa chỉ thường trú ngay tại trụ sở công ty này.

Còn Công ty TNHH Tấn Trường được thành lập từ năm 2001, đăng ký địa chỉ tại số 15B/104 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Minh Tấn.

Trụ sở của Công ty TNHH Tấn Trường nằm cùng hẻm và cách ít số nhà so với địa chỉ mà cổ đông Lê Thị Ngọc Thủy - người đang nắm giữ 7% vốn điều lệ HGT - đăng ký (Ảnh: Xuân Thắng).
Trụ sở của Công ty TNHH Tấn Trường nằm cùng hẻm và cách ít số nhà so với địa chỉ mà cổ đông Lê Thị Ngọc Thủy  - người đang nắm giữ 7% vốn điều lệ HGT - đăng ký (Ảnh: Xuân Thắng).

Động thái thực hiện thoái vốn của Bitexco tại HGT là khá bất ngờ không chỉ bởi nó được thực hiện một cách “âm thầm” mà còn vì, tính tới ngày 31/3/2019, Bitexco vẫn là một trong hai cổ đông lớn nhất bên cạnh nhà đầu tư Crystal Treasure Limited (hay Crystal Treasure) với tỷ lệ sở hữu của mỗi bên là 41,74%.

Mặt khác, xét trên số lượng cổ phần mà các cổ đông pháp nhân nắm giữ và báo cáo của Ban Kiểm soát, trong bối cảnh HGT không thực hiện tăng vốn điều lệ trong thời gian này, nhiều khả năng thương vụ thoái vốn của Bitexco có liên quan đến hoạt động “xử lý cổ phần thế chấp” của cổ đông Crystal Treasure.

Nguồn lực nào "giúp" Bitexco thâu tóm Du lịch Hương Giang?

Để tìm hiểu rõ hơn về vai trò của Bitexco và Crystal Treasure Limited, cần phải quay lại quãng thời gian HGT tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm 2007 tới nay.

Cụ thể, Bitexco đã trở thành nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện mua vào 1,524 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 7,62%. Cổ đông Nhà nước (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) nắm giữ cổ phần chi phối với 12,572 triệu cổ phần (62,86%). Số cổ phần còn lại tương đương với 27,45% vốn HGT được đem bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 10.700 đồng/cổ phần.

Kết quả, lô cổ phiếu trên đã được mua với giá gấp 3 lần giá khởi điểm, đạt 32.500 đồng/cổ phần, cổ đông Nhà nước thu về số tiền hơn 240 tỷ đồng.

Nhiều năm sau khi cổ phần hóa, tới ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 624/QĐ-UBND lựa chọn Bitexco là nhà đầu tư để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước đang sở hữu tại HGT. Hoạt động này được cụ thể hóa theo hợp đồng số 18/2016/HĐCNV ký ngày 30/3/2016 giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bitexco.

Thực hiện theo hợp đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển nhượng 12.572.000 cổ phần HGT, tương đương 62,86% vốn điều lệ, cho Bitexco. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ là 158.409.520.000 đồng, tương đương với cổ phần HGT được bán với mức giá chỉ 12.600 đồng/cổ phần. Sau thương vụ, Bitexco đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại HGT lên mức 70,48% vốn.

Việc chuyển nhượng không qua đấu giá đã tạo ra nhiều lo ngại trong dư luận, bởi lẽ HGT đang là công ty nắm giữ nhiều khách sạn lớn, sở hữu nhưng khu “đất vàng” có vị trí đắc địa nhất tại địa phương.

Chỉ 3 tháng sau khi được chỉ định mua lại cổ phần từ cổ đông Nhà nước, tháng 10/2016, Bitexco đã bán 5.758.100 cổ phần cho công ty có trụ sở tại HongKong là Kei Sei Limited (nay là Crystal Treasure Limited), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,74%.

Sau đó, Kei Sei Limited cũng chủ động gom mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ nắm giữ từ mức 12,95% lên 45,24%. Tuy nhiên trong năm 2018, cổ đông này đã thoái bớt vốn tại HGT để sở hữu tỷ lệ cổ phần tương đương với Bitexco là 41,74%.

Đáng chú ý, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngay trước thời điểm nhận chuyển nhượng từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 23/6/2016, Bitexco đã mang toàn bộ 1,524 triệu cổ phần đang sở hữu và 12,572 triệu cổ phiếu của HGT đem thế chấp tại Kei Sei Limited (sau này là Crystal Treasure Limited).

Căn cứ vào các giao dịch, không phải không có lý khi một số ý kiến đã đặt vấn đề rằng Bitexco chỉ đóng vai trò trung gian, dùng tiền của đối tác HongKong để thâu tóm HGT. Sau khi thực hiện thương vụ, Bitexco đã “thực hiện nghĩa vụ” khi bán lại một lượng đáng kể cho chính nhà đầu tư ngoại này.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là một giả thuyết, và cần phải có thêm những dữ liệu xác đáng hơn để có thể đưa ra một kết luận chính xác.

CTCP Du lịch Hương Giang sở hữu nhiều khách sạn, khu "đất vàng" có vị trí đắc địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: tuoitre.vn)
CTCP Du lịch Hương Giang sở hữu nhiều khách sạn, khu "đất vàng" có vị trí đắc địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: tuoitre.vn)

Mặt khác, có nhiều dấu hiệu ghi nhận sự hiện diện của Kei Sei Limited tại HGT trước đó nhiều năm.

Cụ thể, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2015 (Niên khóa 2014) diễn ra ngày 23/5/2014, đại diện cổ đông này đã chất vấn Chủ tịch HĐQT HGT về việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán theo cam kết (dự kiến vào năm 2013) và cho rằng ban điều hành công ty đã không thực sự cố gắng.

Ngoài ra, trong quãng thời gian sở hữu lượng lớn cổ phần Du lịch Hương Giang, Bitexco cũng đã được HĐQT thông qua việc chuyển nhượng phần vốn (chiếm 51%) tại CTCP Du lịch Mỹ An căn cứ theo Quyết định số 12/18/QĐ-HĐQT ngày 28/5/2018. Ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco - đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Du lịch Hương Giang từ ngày 9/3/2016 - 7/11/2018. Sau đó, vị trí này đã được thay thế bằng ông Yukio Takahashi.

Năm 2018: Bitexco từng khiếu nại về quyết định của HĐQT Du lịch Hương Giang?

Bên cạnh phản ánh về việc giao dịch của Bitexco, báo cáo kết quả giám sát hoạt động của HĐQT, Thành viên HĐQT trong năm 2018 của Ban Kiểm soát HGT cho thấy, HĐQT đã tổ chức họp 05 lần và đưa ra 17 nghị quyết phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty.

Trong đó, hầu hết các nghị quyết thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT theo quy định tại điều lệ.

Ngoại trừ Quyết định số 16/18/QĐ-HĐQT ngày 07/11/2018 của HĐQT về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Quyết định 01/18 đến 07/18, 10/18, 11/18 tương ứng về việc xếp lương TGĐ, miễn nhiệm, bổ nhiệm vị trí GĐ, thôi cử, cử thành viên tham gia HĐTV tại các cty thành viên chưa có biên bản họp HĐQT đi kèm.

Đặc biệt là Quyết định số 16/18/QĐ-HĐQT ngày 07/11/2018 của HĐQT về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được ban hành mà không được biểu quyết thông qua tại biên bản họp đã dẫn tới việc khiếu nại của cổ đông Bitexco tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, gây ảnh hưởng đến các hoạt động của Du lịch Hương Giang.

Cũng trong báo cáo này, Ban Kiểm soát đã kiến nghị tới cổ đông một số nội dung như:

- Kiến nghị HĐQT xây dựng lộ trình thực hiện việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch Upcom và đệ trình lên ĐHĐCĐ để xin ý kiến thực hiện như Công văn số 6071/UBCK-GSĐC của UBCK ngày 13/9/2018 đã thông báo về việc chậm trễ đăng ký giao dịch.

- Kiến nghị HĐQT & BGĐ cẩn trọng trong công tác lập kế hoạch kinh doanh, sử dụng đúng từ thuật ngữ chuyên ngành khi trình đến ĐHĐCĐ, tránh gây hiểu lầm cho người đọc BCTC về lợi nhuận trước thuế và sau thuế.

- Kiến nghị HĐQT & BGĐ xây dựng & đề xuất mô hình thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Điều 10 NĐ số 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2019, có quy định các công ty niêm yết cần phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ (bộ máy, cơ cấu tổ chức, quy chế, quy trình, phạm vi và chế độ báo cáo theo NĐ có quy định phải tuân theo).

- Kiến nghị HĐQT xem xét và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tại các đơn vị, công ty con. Kiểm tra lại các khoản đầu tư & tiến độ thực hiện công tác xây dựng để có biện pháp giải quyết và kịp tiến độ đề ra.

- Kiến nghị HĐQT triển khai cơ chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các chi nhánh, Người Đại diện phần góp vốn của Du lịch Hương Giang và người được công ty cử tham gia quản lý điều hành tại các Công ty con, đơn vị liên doanh liên kết./.