Theo hãng tin Mỹ, cuộc vận động để lập ông Tập Cận Bình thành "hạt nhân" lãnh đạo cho thấy nỗ lực củng cố quyền lực của ông, trong một năm sẽ có sự sắp xếp các vị trí lãnh đạo cấp cao của đảng CSTQ.
Ông Tập đi tìm thứ mà ông còn thiếu
Việc gọi ông Tập là “hạt nhân” lãnh đạo giúp ông có một địa vị tối cao mà các vị tiền nhiệm Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã được công nhận, nhưng lại không chính thức trao cho ông Hồ Cẩm Đào, tiền nhiệm của ông Tập.
Sự thay đổi chữ nghĩa này có thể báo hiệu một sự thay đổi trong chính trường cấp cao TQ, vốn chú trọng tinh thần lãnh đạo tập thể trong hơn 30 năm qua, nhằm tránh sự tôn sùng cá nhân kiểu Mao.
Sự tôn sùng cá nhân này từng “đổ dầu” vào sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976).
Sự thay đổi từ ngữ khô khan của đảng CSTQ là được cho là rất bất thường. Mao thường được gọi là “người cầm lái vĩ đại”. Khái niệm “hạt nhân” được ông Đặng sử dụng để dựng Giang Trạch Dân (lúc đó ít được biết đến, được ông Đặng cất nhắc khỏi Thượng Hải) làm người kế nhiệm, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Chỉ 12 ngày khi quân đội TQ tràn vào quảng trường Thiên An Môn, đàn áp người biểu tình đòi dân chủ, ông Đặng nói với ủy ban thường vụ Bộ Chính trị: ông và Mao đã là “hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo thứ nhất và thứ nhì, Giang sẽ là “hạt nhân” của lãnh đạo thế hệ ba.
Thuật ngữ “hạt nhân” được dùng để chỉ ông Giang sau khi ông trở thành chủ tịch TQ.
Nhưng theo phân tích của Wendy Zhou, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu báo chí-truyền thông của đại học Hồng Kông, ông Hồ Cẩm Đào không được chính thức công nhận là “hạt nhân”, dù có vài chục tờ báo nhà nước gọi ông Hồ Cẩm Đào như thế.
Trung ương đảng CSTQ thường chỉ gọi ông Hồ Cẩm Đào là “tổng bí thư”, đứng đầu Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị lúc đó gồm 9 người.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy để ông Tập trở thành "hạt nhân" “là tín hiệu của một cuộc chống đối, đấu đá trong nội bộ đảng, vì sắp đến gần cuộc chuyển giao quyền lực giữa kỳ, và ông Tập cảm thấy cần nhấn mạnh những gì mà xem ra ông ấy chưa có”, một nhà sử học và bình luận chính trị ở Bắc Kinh nói. “Trong chính trị TQ, những gì bạn tìm kiếm có thể cho thấy thứ bạn đang thiếu”.
Ông Tập sẽ đưa người của ông vào Thường vụ Bộ Chính trị ?
Một tuyên bố chính thức - có thể ở kỳ họp quốc hội TQ (NPC) ở Bắc Kinh vào tháng 3 tới, hoặc một cuộc họp Bộ Chính trị - sẽ khẳng định vai trò “hạt nhân” của ông Tập, trước kỳ đại hội đảng năm 2017.
Các nhà phân tích nói: kỳ họp sẽ thông qua ý tưởng đưa ông Tập trở thành “hạt nhân”, cho ông quyền định hình vai trò lãnh đạo trong cuộc cải tổ 5 năm/lần từ năm 2017.
Tại kỳ đại hội đảng này, 5/7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng CSTQ sẽ được thay thế.
Joseph Fewsmith, giáo sư khoa chính trị đại học Boston (Mỹ) từng nghiên cứu chính trị cấp cao TQ và là tác giả cuốn sách “Tính logic và những hạn chế của công cuộc cải cách chính trị ở TQ”, nói:
“Nếu tất cả việc này thật sự tập trung vào việc tuyên bố ông Tập là "hạt nhân" lãnh đạo, thì nó cho thấy có thể sẽ có những thay đổi lớn ở đại hội đảng lần thứ 19. Động thái này sẽ khiến kỳ đại hội này mang tính nhạy cảm trong việc cơ cấu vai trò lãnh đạo đảng”.
Việc thiết kế để ông Tập trở thành “hạt nhân” của đảng sẽ cho ông thêm 3 năm quyền lực, qua đó ông sẽ giữ vai trò hàng đầu trong việc vạch kế hoạch kinh tế, tiếp tục ồ ạt cuộc chiến chống tham nhũng vốn đã “hạ gục” Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng công an TQ. Nó cũng cho thấy ông Tập quyết hủy bỏ cơ chế chỉ định các cán bộ cấp cao lâu nay vẫn áp dụng ở TQ.
Trương Minh, giáo sư khoa chính trị đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Với ông Tập, việc chính thức thông qua thuật ngữ “hạt nhân lãnh đạo” sẽ sớm xảy ra, càng sớm càng tốt, vì sự chỉ định này sẽ giúp ông chọn người theo ý thích của ông”.
Lãnh đạo cấp tỉnh bắt đầu ủng hộ ông Tập là “hạt nhân”
Từ khi ông Tập trở thành Tổng bí thư hồi tháng 11.2012, ông luôn tìm cách củng cố quyền lực. Nhưng dùng chữ “hạt nhân” thì chỉ mới gần đây, theo phân tích của Zhou, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu báo chí-truyền thông của đại học Hồng Kông.
Ít nhất 7 bí thư tỉnh ủy - gồm lãnh đạo tỉnh Giang Tô, Tứ Xuyên và Thiên Tân - trong vài tuần qua đã tuyên bố công khai rằng ông Tập là “hạt nhân” của đảng CSTQ và hứa ủng hộ vai trò lãnh đạo của ông.
Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, ông Lý Hồng Trung từng dùng chữ này để mô tả ông Tập, trong một kỳ họp ngày 15.1.2016, bàn về chỉ đạo mới nhất của ông Tập, theo các ghi nhận của Hà Bắc nhật báo.
Ít nhất 6 lãnh đạo cấp tỉnh khác được giới truyền thông nhà nước TQ trích dẫn lời, cũng sử dụng thuật ngữ “hạt nhân lãnh đạo”, trong các cuộc họp của các đoàn quốc hội địa phương chuẩn bị cho kỳ họp NPC.
Ông Tập cũng dùng chữ “hạt nhân lãnh đạo” ở cuộc họp Bộ Chính trị (gồm 25 ủy viên) hôm 29.1. Ông nói: Một trong những quan tâm hàng đầu của lãnh đạo là xây dựng ý thức về vai trò “hạt nhân”, theo Tân Hoa Xã.
Chủ tịch NPC Trương Đức Giang sử dụng từ ngữ này trong một cuộc họp chuẩn bị kỳ họp NPC hôm 2.2, yêu cầu các đại biểu QH “tư duy và hành động phù hợp” với lãnh đạo trung ương dưới quyền ông Tập.
Kiều Mục, giáo sư nghiên cứu truyền thông của đại học Ngoại giao Bắc Kinh, nói: “Quý vị trông thấy 2 lực lượng đang vào cuộc: lãnh đạo cấp tỉnh đang gợi ý sự hướng tới ý đồ của trên, và cỗ máy tuyên truyền đang tạo một động lực. Trung ương cũng đã nói ra rất nhiều ý bóng gió”.
Ông Tập hứa hộ nghèo không bị bỏ rơi
Theo Reuters, ngày 3.2, trước Tết Bính Thân, ông Tập có chuyến thăm các địa phương, kêu gọi tăng cường nỗ lực cải cách kinh tế-quân sự, hai trọng tâm của chính phủ TQ.
Lãnh đạo TQ thường có các chuyến thăm-làm việc trước tết âm lịch, nêu cao các đường lối hoặc những lo toan trong năm mới.
Khi thăm một căn cứ cách mạng ở tỉnh Giang Tây, ông nói các sơ sở sản xuất yếu kém đáng bị đóng cửa, nguồn lực tập trung vào các ngành công nghiệp mới.
Ông chỉ đạo Giang Tây phải tiến hành cải cách, vận dụng các sáng tạo và điều hành để phát triển kinh tế đang đi vào giai đoạn “bình thường mới”, một thuật ngữ mà ông dùng cách đây hai năm, để chỉ sức tăng trưởng kinh tế chậm lại của TQ.
Ông Tập nói: “Cán bộ cần vận dụng các khái niệm phát triển mới”, trong việc quảng bá công cuộc cải cách, kích hoạt mạnh các ngành công nghiệp, nâng cấp các ngành truyền thống và phát triển lĩnh vực dịch vụ hiện đại.
Đảng CSTQ từng trấn an: Kinh tế tăng trưởng không gây bất ổn xã hội dưới hình thức sa thải nhân công hàng loạt, không tác động quá xấu đến sự tăng chất lượng sống có được từ cuộc bùng nổ kinh tế và cải cách trong hơn 30 năm.
Ông nói với nông dân: đảng luôn phục vụ nhân dân “bằng tất cả tấm lòng”.
Theo Bloomberg, Reuters, Một thế giới