Thống kê từ báo cáo tài chính riêng lẻ Quý 1/2021 của hơn 20 ngân hàng TMCP tại Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/3/2021, top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tiền gửi của khách hàng) đạt mức cao nhất vẫn là Vietcombank, MBBank và Techcombank.
Trong đó, Techcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân với tỷ lệ CASA đạt mức 43%, mặc dù giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020. Xếp thứ 2 là MBBank với tỷ lệ CASA đạt mức 33,7%, giảm hơn 3% so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong nhóm 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết, Vietcombank là đại diện duy nhất sở hữu tỷ lệ CASA trên mức 20%. Hai nhà băng còn lại là BIDV và VietinBank có tỷ lệ CASA ở mức thấp hơn, lần lượt là 17,8% và 18% tại cuối Quý 1/2021.
Vietcombank cũng là ngân hàng duy nhất trong nhóm ghi nhận tăng trưởng về CASA với mức tăng 0,5% sau 3 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại cuối Quý 1/2021 của BIDV và Vietinbank giảm lần lượt 0,7% và 3,05% so với đầu năm.
Một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng số dư tiền gửi không kỳ hạn sau 3 tháng đầu năm 2021 có thể kể đến như: Kienlongbank (tăng 66%); MSB (tăng 16,16%); VIB (tăng 7,38%); VPBank (tăng 9,28%); ACB (tăng 2,44%); Sacombank (tăng 3,62%).
Việc tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh kéo theo tỷ lệ CASA tăng: Kienlongbank tăng từ 3,19% lên 4,67%; MSB tăng từ 26,64% lên 29,3%; VPBank tăng từ 15,45% lên 16,97%; ACB tăng từ 21% lên 21,5%.
Ở chiều hướng ngược lại, những ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm gồm: LienVietPostBank (giảm 34,36%); OCB (giảm 14,19%); SeABank (giảm 12,52%); SHB (giảm 12,84%); HDBank (giảm 6,86%); Eximbank (giảm 6,13%); VietBank (giảm 5,43%).
Cuộc đua CASA được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong năm 2021 bởi tiền gửi không kỳ hạn là một phần quan trọng trong việc huy động vốn của các ngân hàng, đồng thời là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất.
Chia sẻ với VietTimes, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset, cho biết tỷ lệ CASA cao cũng đồng nghĩa là chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm xuống, giúp các ngân hàng duy trì và mở rộng biên lợi nhuận (NIM), và linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), nhóm phân tích cho rằng NIM của các ngân hàng sẽ giảm trong Quý 2/2021 do lãi suất giảm, miễn giảm lãi và các khoản vay được tái cấu trúc. Sang Quý 3/2021, NIM phục hồi lên mức cao nhất trong 12 quý liên tiếp.
Theo SSI, nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm, CASA cải thiện và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc./.