Cuộc đảo vai Thaigroup - Thaiholdings và nước cờ của ông Nguyễn Đức Thụy

VietTimes – Chuỗi 17 phiên tăng trần của cổ phiếu THD khiến kế hoạch “đảo vai” mẹ - con giữa Thaiholdings và Thaigroup nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và các nhà đầu tư trên nhiều diễn đàn chứng khoán.
Tòa nhà Thaiholdings (Nguồn: THD)
Tòa nhà Thaiholdings (Nguồn: THD)

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thaiholdings (Mã CK: THD) vừa thông qua nghị quyết về việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 năm 2020.

Theo đó, đại hội dự kiến sẽ xem xét các nội dung điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 3/8/2020.

Thaiholdings là một trong số ít các doanh nghiệp có liên quan tới vị doanh nhân Nguyễn Đức Thụy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sau khi “chào sàn” vào ngày 19/6, cổ phiếu THD đã gây nhiều sự chú ý với chuỗi 17 phiên tăng trần liên tiếp, hiện được giao dịch quanh mức 95.000 đồng/cổ phiếu.

Trước khi lên sàn, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Thaiholdings đã thông qua kế hoạch kinh doanh giàu tham vọng, với doanh thu tăng 4,6 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 7,5 lần.

Đáng chú ý, đại hội cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 6,5 lần, từ mức 539 tỷ đồng lên mức 3.500 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn, Thaiholdings dự kiến sẽ mua tới 96% cổ phần của CTCP Tập đoàn Thaigroup (Thaigroup) và 40% cổ phần của Tổng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành (BHXT).

Tuy nhiên, kế hoạch thâu tóm Thaigroup của Thaiholdings dường như đã có nhiều sự điều chỉnh.

Ngày 22/6/2020, HĐQT Thaiholdings thông qua kế hoạch mua cổ phần của Thaigroup. Trong đó, Thaiholdings dự kiến mua 165 triệu cổ phần, tương đương 66% vốn điều lệ của Thaigroup với giá mua dự kiến không quá 20.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Đối tác chuyển nhượng là các cổ đông của Thaigroup.

Tới ngày 6/7/2020, HĐQT Thaiholdings thông qua nghị quyết về việc sửa đổi bổ sung và triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, Thaiholdings dự kiến phát hành 296,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này dự kiến dùng 2.950 tỷ đồng từ đợt phát hành để mua lại 147,5 triệu cổ phần, tương được 59% vốn điều lệ của Thaigroup. Giá mua tối đa ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt phát hành thêm, quy mô vốn điều lệ của Thaiholdings dự kiến sẽ đạt mức 3.500 tỷ đồng, tức hoàn thành kế hoạch đề ra, song công ty này sẽ chỉ mua 59% vốn của Thaigroup, còn khá xa so với tỷ lệ sở hữu mục tiêu (96%).

Thaigroup và Thaiholdings đều có nhiều mối liên hệ với ông Nguyễn Đức Thụy.
Thaigroup và Thaiholdings đều có nhiều mối liên hệ với ông Nguyễn Đức Thụy.

Thaigroup có gì?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thaigroup từng là công ty mẹ của Thaiholdings. Ban đầu, Thaiholdings được đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 389 tỷ đồng nhưng phần vốn thực góp chỉ ở mức 136,934 tỷ đồng và phải mất nhiều năm sau, các cổ đông mới góp đủ số vốn đăng ký.

Năm 2019, Thaigroup bất ngờ triệt thoái vốn khỏi Thaiholdings, chuyển nhượng lại toàn bộ số cổ phần cho ông Thụy, cùng một số cá nhân có liên quan.

Cuộc “đảo vai” mẹ - con giữa Thaigroup và Thaiholdings, vì vậy, nhận được nhiều ý kiến cho rằng đây là một thương vụ “niêm yết cửa sau” (backdoor listing).

Thông thường, hoạt động này được áp dụng khi chủ thể dự kiến niêm yết ban đầu có nhiều vấn đề về tài chính và pháp lý nên không đáp ứng được các quy định để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tới cuối năm 2019, Thaigroup còn lỗ lũy kế tới 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá tối đa mà Thaiholdings sẵn sàng chi trả để mua cổ phần là 20.000 đồng/cp, Thaigroup đang được định giá lên tới 5.000 tỷ đồng.

Vậy đâu là cơ sở cho mức định giá này (!?).

Năm 2020, Thaigroup dự kiến doanh thu từ việc chuyển nhượng tài sản khoảng 2.800 tỷ đồng, nguồn thu từ hoạt động thương mại đạt 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Thaigroup dự kiến đạt 800 tỷ đồng, giúp công ty này “xóa” lỗ lũy kế.

Thaigroup cho biết đã ký hợp đồng chuyển nhượng Nhà máy xi măng Quảng Nam, dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng trong tháng 8/2020, tổng giá trị hợp đồng lên đến 2.550 tỷ đồng. Thương vụ này dự kiến sẽ đem về cho Thaigroup khoản lợi nhuận gộp khoảng 850 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thaigroup cũng đang chuyển nhượng Cảng Ninh Phúc cho đối tác. Công ty cho biết, dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục đàm phán hợp đồng trong tháng 9/2020, và trong quý 4/2020 sẽ tiến hành chuyển nhượng. Lợi nhuận gộp từ việc chuyển nhượng Cảng Ninh Phúc dự kiến đạt 120 tỷ đồng.

Các hoạt động “book” lợi nhuận của Thaigroup không khỏi gây băn khoăn. Ở một chi tiết đáng chú ý, số hợp đồng bán Nhà máy xi măng Quảng Nam là 01/HĐKT/TGR-XMXT, không loại trừ khả năng nhà máy này được Thaigroup bán cho Xi măng Xuân Thành – thành viên phụ trách mảng xi măng trong chính “hệ sinh thái” của ông Thụy.

Không chỉ riêng Thaigroup, Thaiholdings cũng được “đẩy” nhiều tài sản trước khi lên sàn.

ThaiHoldings có gì?
Được biết, doanh nghiệp này hiện đang nắm 19,52% cổ phần của CTCP Tôn Đản Hà Nội - đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower tại trung tâm Hà Nội (Tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại số 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải) và 17,2% cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (Kim Liên Tourism) – đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên, tọa lạc tại khu “đất vàng” 3,5 ha có vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội.

Gần đây, việc thực hiện kế hoạch đổi đời Khách sạn Kim Liên của ông Thụy tiếp tục ghi nhận những chuyển biến đáng chú ý.

Biểu lễ ký kết hợp đồng giữa ThaiHoldings và CTCP Du lịch Kim Liên (Nguồn: THD)
Biểu lễ ký kết hợp đồng giữa ThaiHoldings và CTCP Du lịch Kim Liên (Nguồn: THD)

Ngày 10/7 vừa qua, Thaiholdings và Kim Liên Tourism đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Tổ hợp công trình thương mại dịch vụ, Khách sạn, Văn phòng và Căn hộ cho thuê tại địa điểm số 5 - 7 Đào Duy Anh, Hà Nội./.