Kỳ vọng sụp đổ
Các nhà đầu tư từng kỳ vọng các nền kinh tế đang phát triển, từ Brazil cho đến Thái Lan, sẽ tỏa sáng trong năm nay khi lãi suất của Mỹ giảm, đồng USD suy yếu và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau 3 năm phong tỏa do đại dịch.
Thế nhưng điều ngược lại đã xảy ra: Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát, đẩy đồng USD tăng lên. Thêm vào đó, đà phục hồi của Trung Quốc mờ nhạt dần trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế nước này đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng chậm hơn. Các nhà đầu tư thất vọng và họ đang bán tháo tài sản trên khắp các nền kinh tế đang phát triển.
Xu hướng này cho thấy những rủi ro vẫn đang rình rập nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, ngay cả khi một số ngân hàng trung ương đã kết thúc chiến dịch chống lạm phát của họ. Các nhà đầu tư dần nhận ra rằng lãi suất của Mỹ có thể sẽ được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn so với họ dự kiến, sự thay đổi tâm lý này đã đưa lãi suất trái phiếu kho bạc lên mức cao nhất trong gần 16 năm trong tháng này.
Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Sáu tuần trước đưa ra quan điểm về việc giữ lãi suất ổn định vào thời điểm hiện tại, ông vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay nếu nền kinh tế Mỹ giảm tốc không đủ để kiềm chế lạm phát giảm.
Chi phí vay mượn ở Mỹ và đồng USD là "xương sống" của thị trường tài chính toàn cầu và những biến động của chúng đều gây ra tác động sâu rộng.
“Mọi người đều hào hứng với các thị trường mới nổi vào đầu năm”, Phillip Wool, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Rayliant Global Advisors, hãng quản lý tài sản thị trường mới nổi trị giá 17 tỉ USD, cho biết. “Rõ ràng là kỳ vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đang gia tăng ở Mỹ hiện nay, vì vậy có thể phải mất một thời gian nữa Fed mới nới lỏng chính sách, đồng USD suy yếu và hoạt động sản xuất phục hồi”.
Chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn ở thị trường mới nổi của MSCI đã giảm 7,3% trong tháng 8, hướng tới tháng tồi tệ nhất trong gần một năm. Đồng peso của Colombia đã giảm 4,7% so với đồng USD, trong khi đồng rupee của Ấn Độ và đồng NDT ở nước ngoài của Trung Quốc giao dịch gần mức thấp kỷ lục.
Ảnh hưởng từ lãi suất cao ở Mỹ
Các thị trường mới nổi đặc biệt nhạy cảm với chính sách của Fed bởi lãi suất ở Mỹ cao hơn khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Theo Allianz Global Investor, lợi suất tăng thêm mà trái phiếu ở các thị trường mới nổi mang lại so với trái phiếu Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.
“Chênh lệch lãi suất càng ít thì người dân càng miễn cưỡng đầu tư vào các thị trường mới nổi”, Sergi Lanau, giám đốc chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu tại Oxford Economics, cho biết.
Lãi suất cao hơn của Mỹ cũng thường thúc đẩy đồng USD, khiến các quốc gia khác tốn tiền hơn khi mua hàng hóa định giá bằng đồng USD hoặc trả các khoản nợ bằng đồng tiền này. Đồng bạc xanh đã tăng trong 6 tuần liên tiếp, nâng mức tăng trong năm lên 2,2%, theo Chỉ số đồng USD của Wall Street Journal.
Tình hình hiện tại sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khó có thể cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế của họ, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại.
Richard House, người đứng đầu bộ phận nợ thị trường mới nổi của Allianz Global Investor, cho biết nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2021 - trước cả khi Fed nâng lãi suất - nhằm nâng cao uy tín của họ với tư cách là những bên chống lạm phát tích cực. Giờ đây, nhiều bên đang chuyển sang hạ lãi suất khi lạm phát giảm, trong đó Chile và Brazil dẫn đầu. Nhưng điều này có nguy cơ càng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản đất nước họ.
“Việc thị trường đánh giá lại tác động của Fed…có thể sẽ hạn chế số lần cắt giảm lãi suất mà các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi có thể đạt được”, Kieran Curtis, người đứng đầu bộ phận nợ bằng nội tệ tại thị trường mới nổi của Abrdn, cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, đợt bán tháo này không báo hiệu sự trở lại của tình trạng hỗn loạn cực độ trên thị trường. Nhưng lãi suất cao hơn của Mỹ sẽ khiến các quốc gia như Kenya hay Ai Cập gặp nhiều khó khăn hơn khi vay vốn ở thị trường nước ngoài. Một số quốc gia đang phát triển đã bị loại khỏi thị trường nợ vào năm ngoái sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát làm gia tăng áp lực giá cả và khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải tăng lãi suất.
“Họ vẫn còn có vấn đề”, ông Lanau nói. “Ở hầu hết những nơi này, người dân không sẵn sàng mua bất kỳ trái phiếu nào” ngoại trừ trái phiếu có mức lãi suất cao một cách không bền vững.
Tác động từ đà tăng trưởng của Trung Quốc
Tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc cũng là điểm gây thất vọng đối với các nhà đầu tư, những người từng kỳ vọng việc Bắc Kinh từ bỏ các chính sách COVID-19 nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu, kim loại và hàng hóa do các thị trường mới nổi khác sản xuất.
Bắc Kinh hiện nay vẫn miễn cưỡng áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ mà họ đã từng sử dụng trong các đợt suy thoái trước đây. Họ đang chịu sức ép bởi vấn đề nợ, thị trường bất động sản đang khủng hoảng và đang cạn kiệt những ý tưởng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Các ngân hàng đầu tư toàn cầu, trong đó có Barclays, ước tính nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 5% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra.
Những khó khăn của Trung Quốc và sự kết thúc của kỷ nguyên tiền tệ nới lỏng có thể khiến nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng với tốc độ đáng kinh ngạc như trong quá khứ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những nền kinh tế này có mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5,2% trong thế kỷ này, nhưng tốc độ dự báo sẽ chậm lại còn 3,9% trong trung hạn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn thấy có lý do để lạc quan. Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại lợi ích cho các quốc gia như Mexico, trong khi đầu tư của chính phủ vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi. Các nước châu Á như Hàn Quốc đã thành công trong việc chuyển dịch thương mại ra khỏi Trung Quốc và hướng tới các thị trường khác như Mỹ và châu Âu.
“Khác biệt giữa hiện tại và hai thập kỷ trước đó là Trung Quốc từng là động lực thúc đẩy các thị trường mới nổi”, Marko Papic, chiến lược gia trưởng của Clocktower Group, một hãng quản lý tài sản có trụ sở tại Santa Monica, California, cho biết. “Nhưng hiện tại, các khoản đầu tư cố định trên khắp thế giới mới là động lực”./.
Vì sao kinh tế Trung Quốc khó vượt Mỹ?
Lợi suất cao đang rót đầy hầu bao của người dân Mỹ?
Nỗi lo Trung Quốc 'xuất khẩu' giảm phát
Theo Wall Street Journal
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu