Không có sự lựa chọn
Đã cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 5/2016, xe container 16… chậm chạp tiến vào trạm thu phí Thường Tín của cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Trên cabin, lái xe Lê Hoàng Kim sốt ruột nhìn hàng xe rồng rắn phía trước. Kim đang điều khiển chiếc xe nặng và dài, thế nên mỗi lần mớm ga, chiếc xe lại chồm lên chực nhao vào đuôi xe đằng trước. Điều ấy làm Kim khó chịu.
30 tuổi, Kim đã có “thâm niên” ôm vô lăng gần chục năm. Anh cho biết, tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ luôn làm các lái xe như anh khó chịu khi đi qua. Lý do vì lưu lượng xe trên tuyến này luôn rất đông, nhiều tai nạn, lái xe rất căng thẳng. Gần đây tuyến đường được nâng cấp thành cao tốc, thì phí đường tăng lên ở mức khá “chát”, hết 180.000 đồng cho mỗi lượt xe container như của Kim, nhưng vẫn không cải thiện tốc độ được nhiều.
Anh giải thích, tiếng là cao tốc quy định cho chạy tốc độ tới 100 km/h, nhưng Kim cũng chỉ dám “nuôi ga” tới tốc độ 70 – 80km là tối đa, nếu xe rỗng. Vì còn phải giữ khoảng cách an toàn với xe đằng trước, và còn vì “cao tốc” chưa được trải lớp nhựa tạo độ nhám hỗ trợ xe bám đường tốt hơn. Do vậy mà chỉ xe khách hoặc xe nhỏ mới dám chạy ở tốc độ cao hơn chút.
“Đi đường này chỉ hơn là không phải chạy chung với xe máy. Chứ về tốc độ không có nhiều khác biệt lắm, đã thế phí lại cao vót. Nếu có đường khác thì chúng em đi ngay, nhưng làm gì có sự lựa chọn nào khác đâu” – Kim tếu táo nhưng đầy thực tế như thế, về lý do chọn đi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ của anh. Sự khó chịu và cả sự lựa chọn "bắt buộc" của Kim, cũng như hàng vạn lái xe khác, chính là điều đang nuôi sống chủ đầu tư dự án tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Tìm hiểu lưu lượng bình quân xe qua lại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ mỗi ngày là điều khó. Vì hiện số liệu này chưa có cơ quan nào công bố, kiểm chứng. Dù rằng, theo lời một cán bộ tại một dự án cao tốc phía Bắc, Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện là tuyến đường có lưu lượng ôtô qua lại lớn nhất khu vực phía Bắc.
Vị này nêu ví dụ, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài trên 100 km mới đi vào khai thác được vài tháng, chưa thu hút được nhiều xe qua lại, nhưng cũng đã có lưu lượng khoảng 15.000 lượt xe/ngày. Trong khi đó, lưu lượng xe qua lại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ít nhất cũng phải gấp 2,5 lần so với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Đông xe cũng đồng nghĩa với khả năng thu phí luôn tốt. Tức là, trong số hơn 80 dự án BOT giao thông vài năm qua, Pháp Vân – Cầu Giẽ luôn là dự án có sức hấp dẫn bậc nhất về khả năng thu phí và hiệu quả kinh tế. Đương nhiên cũng vì thế, nhà đầu tư nào giành được và trụ lại dự án này, hẳn phải là doanh nghiệp có tầm, có thế. Đáng tiếc là suy đoán ấy đã sai bét.
Khi "ông lớn" mới là…kẻ yếu thế
Tháng 11/2013, Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, khi thông báo rút khỏi Dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lý do nhà đầu tư Nhật đưa ra khá mơ hồ và đầy nghi hoặc, đó là lo ngại với những “rủi ro về tài chính” của dự án.
Thực tế, Nexco Central là nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm lập, thi công và khai thác các dự án giao thông. Nexco Central đã theo đuổi dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thành cao tốc từ nhiều năm, và thực tế có khả năng cao nhất sẽ được chỉ định làm chủ đầu tư dự án. Doanh nghiệp này rút khỏi dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vì lý do tài chính, thì liệu có doanh nghiệp trong nước nào dám nhận lấy phần “rủi ro” ấy ?
Việc Nexco Central rút khỏi dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hóa ra lại không gây nhiều phiền phức cho Bộ GTVT. Thậm chí dường như đã có sự dự liệu, chuẩn bị trước cho kết quả này
Chỉ 8 tháng sau đó, tháng 7/2014, Bộ GTVT đã hoàn thành việc đàm phán và quyết định chỉ định nhà thầu mới toanh cho dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Lần này là một liên danh của các doanh nghiệp nội
Đó là liên danh bao gồm Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (Công ty CP Minh Phát), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1), và Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty CP Phương Thành).
Trong số 3 doanh nghiệp này, chỉ duy nhất CIENCO 1 được xem là có tiềm lực thực sự, khi đang là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ GTVT về thi công cầu đường.
Oái oăm là vị thế dẫn đầu về năng lực, kinh nghiệm thi công ấy, lại không đủ để CIENCO 1 có được sự mạnh dạn, hay tìm kiếm được sự ủng hộ, trong đàm phán hợp đồng liên danh. Khi liên danh thành lập Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, CIENCO 1 chỉ nắm giữ vỏn vẹn 18% vốn điều lệ. Hai công ty còn lại – vốn chẳng thể so bì được với CIENCO 1 về kinh nghiệm và danh tiếng lại nắm giữ tới 82% vốn điều lệ.
Mạnh mẽ trên công trường, nhưng “yếu đuối” trong đàm phán, việc CIENCO 1 bị mất vai trò trong thực hiện dự án là đã được dự liệu. Thực tế những gì diễn ra sau đó cho thấy chính xác điều đó
Một cán bộ của tổng công ty này cho biết, trong Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, CIENCO 1 chỉ có 4 đại diện. Bao gồm một Phó TGĐ phụ trách giải phóng mặt bằng, một Trưởng phòng Kế hoạch phụ trách mảng xây lắp, một Trưởng phòng Hành chính và một nhân viên Phòng Tài chính phụ trách số liệu xây lắp. Nói cách khác, đại diện của CIENCO 1 chỉ được “dành” cho những vị trí không có nhiều tác dụng theo dõi, giám sát quá trình đầu tư dự án.
Đã thế, về công việc, CIENCO 1 cũng chỉ được tham gia 01 gói thầu xây lắp, trong tổng số 07 gói thầu dự án (bao gồm 05 gói thầu xây lắp, 01 gói trạm thu phí và 01 gói an toàn giao thông). Còn lại, toàn bộ các phần việc chọn nhà thầu, tổ chức thi công các gói thầu, sau đó là tuyển lựa, huấn luyện nhân viên, tổ chức quản lý việc thu phí… đều do người của hai công ty Minh Phát và Phương Thành “phụ trách”. “Cổ đông nhỏ” CIENCO 1 có lý do để… ấm ức với thực tế ấy.
Thế nên, bên cạnh việc công khai nghi ngờ hoạt động thu phí tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thì cũng có thể coi đó là một tuyên bố của CIENCO 1 về việc không chấp nhận mãi phải đóng vai “kép phụ”. Nhất là khi giai đoạn 2 của dự án – với tổng đầu tư tới hơn 4.757 tỷ đồng – đã bắt đầu tiến hành.
Do thế, “cuộc chiến” tại dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ mới chỉ bắt đầu. Nhưng đương nhiên không vì mâu thuẫn ấy, mà mức phí của cao tốc này sẽ giảm, nếu không nói là sẽ còn tăng đều, vì đã được thể hiện rõ tại quyết định phê duyệt dự án, chỉ định chủ đầu tư của Bộ GTVT.
Có nghĩa, người dân và doanh nghiệp hoàn toàn không có lợi chút nào từ "cuộc chiến cổ đông" tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thậm chí phải è cổ "gánh" những chi phí bất hợp lý trong cuộc chiến lợi ích. Đó là vấn đề VietTimes sẽ trình bày trong những bài viết sau.