Câu chuyện đội vốn tại các dự án nạo vét tại tỉnh Ninh Bình đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận.
Sau chi tiết đội vốn 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng) tại Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra trước Quốc hội, công chúng thậm chí còn choáng váng hơn khi báo chí phát hiện hàng loạt dự án đội vốn tương tự khác. Cũng tại vùng đất cố đô Ninh Bình!
Nổi bật hơn cả – và khủng hơn hẳn dự án Sào Khê về quy mô – là dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long (chiều dài 77 km).
Dự án ban đầu được phê duyệt theo Quyết định số 1966/QĐ-UB ngày 27/10/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư là 2.078.805 triệu đồng, bố trí bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Nhưng chưa đầy 02 năm sau, ngày 30/9/2010, UBND tỉnh Ninh Bình lại ban hành Quyết định số 896/QĐ-UB, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên thành 9.720.954 triệu đồng. Phần bố trí bằng TPCP là 7.235.954 triệu đồng.
Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, dự án đã được điều chỉnh vốn hơn 7.600 tỷ đồng.
Cần thiết phải nói rằng, quy mô điều chỉnh trên là “quá khủng”. Nhất là khi nó lại được thực hiện đối với một dự án có cái tên “nạo vét”, vốn mang nhiều ý nghĩa về thủy lợi và giao thông đường thủy. Với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 9.720.954 triệu đồng thì tạm tính, suất đầu tư bình quân trên mỗi km dự án là 126 tỷ đồng – một con số có thể gây sốc với nhiều người (nhưng cũng cần phải làm rõ thêm về các hợp phần của dự án).
Nhấn mạnh rằng, đó là một dự án sử dụng vốn ngân sách, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, với thời gian triển khai dự kiến là từ năm 2010 đến năm 2015.
Năm 2012, khi thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005 – 2011, Thanh tra Chính phủ đã kết luận dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long “có một số tồn tại”.
Cụ thể, chủ đầu tư đã áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Văn bản số 408/UBND-VP4 ngày 19/5/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình. Mà theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, dự án “không thuộc nhóm dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu; Điều 41 Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 5/5/2008 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu”.
“Bầu” Thụy phủ nhận liên quan
"Bầu" Thụy sẽ làm lớn tại Quảng Ngãi |
Một vấn đề nên đặt ra ở đây, đó là Ninh Bình đã chỉ định thầu siêu dự án nạo vét này cho ai?
Câu trả lời có lẽ nhiều người đã nghe/đã đọc, khi nó đã được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn truyền thông, báo chí ít ngày qua.
Theo thông tin trên nhiều tờ báo, nhà thầu đã được Ninh Bình chỉ định cho dự án dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long là Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình.
Với nhiều người, khi nhắc đến hai từ “Xuân Thành”, hầu hết đều hình dung đến “đại gia” Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy) – Chủ tịch CTCP Tập đoàn ThaiGroup.
Ông Thụy thường được đánh đồng là chủ của Tập đoàn Xuân Thành. Hay một số khác thì miêu tả ThaiGroup là tên mới của Tập đoàn Xuân Thành.
Dĩ nhiên, khi dự án nạo vét đội vốn hơn 7.000 tỷ đồng “nổi sóng”, nhiều người và nhiều tờ báo sẽ “réo tên” ThaiGroup và “bầu” Thụy.
"Bầu" Thụy và Thaigroup khẳng định không liên quan đến dự án nạo vét đội vốn 7.600 tỷ đồng mà báo chí đề cập. (Ảnh: Internet)
|
Tuy vậy, trong một diễn biến mới, ông Nguyễn Đức Thụy và ThaiGourp đã đăng đàn thông cáo rằng: “Thaigroup hoạt động độc lập và không liên quan đến các Dự án mà Báo chí đề cập ở trên.”
Trong thông cáo báo chí đăng tải công khai trên trang cá nhân, ông Thụy cho hay, Công ty CP-Tập đoàn Thaigroup có địa chỉ tại số nhà 8, đường 1, phố 9, phường Đông Thành, TP Ninh Bình; Mã số thuế 2700236999 cấp lần đầu ngày 19/09/2007. Ngày 19/05/2015, đổi tên Công ty Cổ phần Xuân Thành Group thành Công ty CP-Tập đoàn Thaigroup.
Công ty có người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hồng Hải – Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Đức Thụy.
“Thời gian qua, một số Báo chí đăng tải thông tin về các Dự án đội vốn hơn 7.000 tỷ tại Ninh Bình và các dự án khác.
Về việc này chúng tôi có ý kiến như sau:
Thaigroup, tiền thân là Công ty cổ phần Xuân Thành Group, được thành lập từ năm 2007, do Ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thaigroup hoạt động độc lập và không liên quan đến các Dự án mà Báo chí đề cập ở trên.
Bằng công văn này chúng tôi kính đề nghị các Quý Báo đính chính lại thông tin đã đăng tải, cụ thể: xóa tên liên quan đến Tập đoàn Thaigroup và cá nhân Ông Nguyễn Đức Thụy trong các bài viết đã đăng tải, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín và kinh doanh của Tập đoàn Thaigroup và cá nhân Ông Nguyễn Đức Thụy (hay gọi là Bầu Thụy)”, Thông cáo viết.
Tập đoàn Xuân Thành nào?
Vì không có hồ sơ đầy đủ nên chưa thể xác định “Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình” – đơn vị mà theo như thông tin trên nhiều tờ báo, là bên đã được chỉ định thầu tại dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long – cụ thể là pháp nhân nào, địa chỉ ở đâu, mã số thuế ra sao.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp hiện cũng không cho thấy có pháp nhân nào có tên “Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình”.
Nhưng ở Ninh Bình, nhắc đến hai từ “Xuân Thành” gần như ai cũng hiểu là Tập đoàn Xuân Thành – gồm rất nhiều các công ty thành viên, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và đa địa phương - của đại gia Nguyễn Xuân Thành – cha “bầu” Thụy.
Với khởi đầu là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh (thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh do Nguyễn Xuân Thành làm chủ nhiệm), Xuân Thành giờ đây được đánh giá là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, nổi tiếng và có thế lực nhất nhì tỉnh Ninh Bình.
Vì tập đoàn này vẫn cơ bản hoạt động theo mô hình một công ty gia đình, với các thông tin công bố rất hạn chế, nên rất khó để định vị chính xác và đầy đủ về “hệ sinh thái” của Xuân Thành.
Do đó, không bất ngờ khi mà trên truyền thông, nhiều người vẫn đánh đồng Tập đoàn Xuân Thành với Tập đoàn Thaigroup do ông bầu Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch. Phần vì cái tên trước đây của Thaigroup: Công ty Cổ phần Xuân Thành Group.
Theo diễn tiến thời gian và ở một giác độ nào đó, có thể tạm hình dung Thaigroup hiện tại như là một nhánh lớn trong cái “gốc” ban đầu mà ông Nguyễn Xuân Thành đã tạo dựng. Cái nhánh này phát triển, lớn dần và tạo ra một hệ sinh thái riêng của nó. Hoặc cũng có thể, chính cái nhánh lớn này (ThaiGroup) đã phát triển và trở thành “hạt nhân” mới, dẫn dắt cả hệ sinh thái mà ông Nguyễn Xuân Thành đã bước đầu tạo dựng.
Dĩ nhiên, trên giác độ pháp lý, Thaigroup là một pháp nhân độc lập, có mã số thuế riêng. Ông Nguyễn Đức Thụy khẳng định “Thaigroup hoạt động độc lập và không liên quan đến các Dự án mà Báo chí đề cập”, nên có thể hiểu rằng CTCP – Tập đoàn Thaigroup (MST: 2700236999) chắc chắn không phải là pháp nhân đã được Ninh Bình chỉ định là nhà thầu tại dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long.
Nhưng chưa thể khẳng định, tất cả các pháp nhân từng phát triển từ cái “gốc” mà cha ông – là doanh nhân Nguyễn Xuân Thành tạo ra – đều không có liên quan gì đến dự án đội vốn hơn 7.000 tỷ đồng đang xôn xao dư luận (dĩ nhiên, các pháp nhân đều độc lập – ít nhất là theo mã số thuế).
Theo tìm hiểu của VietTimes, sau khi CTCP Xuân Thành Group đổi tên thành CTCP – Tập đoàn Thaigroup (vào tháng 05/2015), thì trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn tồn tại một pháp nhân có tên Tập đoàn Xuân Thành và được chi phối bởi gia đình “bầu” Thụy. Đó là CTCP Tập đoàn kinh tế Xuân Thành (MST: 2700523305). CTCP Tập đoàn kinh tế Xuân Thành thành lập ngày 23/07/2009 có trụ sở tại số nhà 65, đường Vân Giang, phường Vân Giang, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; do ông Nguyễn Xuân Thành (SN: 1950) - Chủ tịch HĐQT - làm đại diện, đăng ký hoạt đông chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (mã ngành 4290). Chi tiết là: Xây dựng công trình kỹ thuật, dân dụng, giao thông, thủy lợi, công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa, du lịch, công trình thể thao (bể bơi, sân vận động, nhà thi đấu điền kinh thể dục, vũ đài, đường đua); công trình thương mại (siêu thị, chợ, khu triển lãm); đường dây tải điện và trạm biến áp có cấp điện áp từ 0,4 đến 320KVA; nạo vét các tuyến sông và các công trình thủy lợi, khoan phụt gia cố đê điều. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 30/12/2014, CTCP Tập đoàn kinh tế Xuân Thành có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, và có 22 cổ đông sáng lập. 82% cổ phần công ty được đức tên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành. 18% cổ phần còn lại được chia đều cho 9 tổ chức (mỗi bên 20%), gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Xuân Thủy; CTCP Xuân Thịnh; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Xuân Thành; CTCP Xuân Thành Land; Công ty TNHH MTV Chế biến khoáng sản Xuân Thiện; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Xuân Thái; CTCP Xuân Thành Group; Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Đáng nói, cả 22 cổ đông sáng lập nên Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành đều có địa chỉ tại số nhà 65, đường Vân Giang, phường Vân Giang, Tp. Ninh Bình (cùng địa chỉ với Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành); hoặc số nhà 8, đường 1, phố 9, phường Đông Thành, TP Ninh Bình (địa chỉ của ThaiGroup); hoặc ngắn gọn là phường Vân Giang, Tp. Ninh Bình. Nhiều khả năng, đó đều là các doanh nghiệp do cha con doanh nhân Nguyễn Xuân Thành lập nên, và là thành viên của “hệ sinh thái” doanh nghiệp lừng danh đất Ninh Bình./. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu