“Treo” 14 năm
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra toàn diện về dự án Thảo Cầm Viên mới tại huyện Củ Chi, TP.HCM (công viên Sài Gòn Safari).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi rất rộng (456,85ha), là dự án trong lĩnh vực về văn hóa, du lịch nhưng UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. UBND Thành phố giao cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi công ty này không đủ năng lực thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nay dự án chưa triển khai được. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố giai đoạn 2001 – 2006.
Năm 2004, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UB ngày 11/6/2004 về thu hồi và tạm giao 485,35ha đất cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Thảo cầm viên.
Sau gần 13 năm kể từ ngày UBND TP HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari thì đồ án quy hoạch mới hoàn thành và đuợc phê duyệt là thời gian quá dài.
Việc chậm trễ này là do các cơ quan chức năng của thành phố chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó, thiết kế quy hoạch xây dựng chi tiết (1/2000, 1/500) là tài liệu quan trọng đề quyết định đầu tư dự án nhưng không được quan tâm phê duyệt kịp thời. Trách nhiệm này thuộc UBND Thành phố, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, do vướng mắc trong việc thiết kế quy hoạch chi tiết và năng lực của chủ đầu tư nên đến nay dự án chưa được phê duyệt, chưa được triển khai. Đất thu hồi xong không được đưa vào sử dụng cho dự án mà bị bỏ hoang nhiều năm dẫn đến người dân bức xúc.
Quá trình triển khai thu hồi đất (xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư, việc áp giá chiết tính,...) có nhiều sai sót, làm thất thoát Ngân sách.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu kiện hiện nay là do kể từ khi thu hồi đất đến thời điểm thanh tra đã gần 14 năm (từ 2004-2018) nhưng dự án chưa triển khai xây dựng và có sự so bì giữa các hộ dân có đất bị thu hồi...
Thu hồi đất nhưng không bố trí tạm cư cũng không chi tiền tạm cư
Thời điểm thanh tra, dự án Công viên Sài Gòn Safari không có phương án đền bù theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 34, Nghị định 22/1998/NĐ- CP. Tuy nhiên, TP HCM đã ban hành “Phương án giá” trong đó có một số quy định không phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp quy định làm phát sinh chi phí đền bù tăng hơn 104 tỷ đồng (đã được chi trả cho 689/705 hộ dân, trong đó 657/689 hộ đã nhận tiền, đã bàn giao mặt bằng).
Thanh tra Chính phủ cho rằng, số tiền đền bù phát sinh đã được chi trả đầy đủ cho người dân. Mặc dù chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi song cần phải kiểm điểm một cách nghiêm túc. Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (30/11/2017), đại diện các Bộ, ngành đều thống nhất không thu hồi lại từ người dân số tiền trên nhưng UBND TP HCM phải cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để chi trả, hỗ trợ.
Việc xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án cũng triển khai chậm. Đến nay dự án tái định cư vẫn chưa được thực hiện mặc dù đã có mặt bằng và nguồn kinh phí thực hiện. Theo quy định việc xây dựng khu tái định cư phải làm đồng thời với việc giải phóng mặt bằng, trường hợp chưa có khu tái định cư phải di dời người dân đến nơi bố trí tạm cư hoặc chi tiền tạm cư.
Nhưng tại dự án Công viên Sài Gòn Safari, các cơ quan chức năng lại cho người dân tạm cư tại chỗ. Hậu quả là gây chậm trễ trong xây dựng và việc không bố trí tạm cư, không chi tiền tạm cư là lý do mà người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ tri, UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn.
Chính vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Dự án Công viên Sài Gòn Safari phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp có việc điều chỉnh quy hoạch dự án so với muc tiêu dự án ban đầu phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, phải khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư cho người dân; kiểm điểm các tố chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm.