Hơn 100 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang ra sức nghiên cứu, chế tạo ra chủng vaccine ngừa virus corona chủng mới, trong số này có 10 phòng thí nghiệm đã bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Albert Bourla - Giám đốc điều hành Pfizer - cho hay, đội ngũ công ty của ông tin rằng một chủng vaccine ngừa COVID-19 có thể sẵn sàng trước thời điểm cuối năm nay. Pfizer hiện đang phối hợp với công ty Biontech của Đức thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với một vài mẫu vaccine ở châu Âu và Mỹ.
"Nếu mọi chuyện suôn sẻ, chúng tôi sẽ cung cấp đủ bằng chứng về sự an toàn và hiệu quả của vaccine, để có thể cho ra mắt một chủng vaccine vào khoảng cuối tháng 10 năm nay" - ông Bourla nói.
"Nhiều người hy vọng rằng chúng ta sẽ có một chủng vaccine, và thậm chí là một vài chủng vaccine, vào cuối năm" - Pascal Soriot, Giám đốc công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca, cho hay.
Công ty của ông Soriot hiện đang hợp tác với ĐH Oxford để phát triển và phân phối một chủng vaccine, hiện đang được thử nghiệm ở Anh.
Có thể phải mất nhiều năm để một chủng vaccine mới được cấp phép sử dụng rộng rãi, nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, các loại vaccine thử nghiệm nếu được chứng minh là an toàn và ngừa virus corona chủng mới hữu hiệu gần như chắc chắn được phê chuẩn để sử dụng ngay lập tức.
Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA), bên tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến về vaccine COVID-19 hôm 29/5 vừa qua, đã nhấn mạnh về những thách thức mà ngành công nghiệp dược phẩm đang phải đối mặt khi nỗ lực cho ra mắt chủng vaccine ngừa COVID-19.
Một trong những thách thức đó chính là tốc độ truyền nhiễm đang giảm nhanh chóng ở châu Âu, nơi đang diễn ra một số cuộc thử nghiệm vaccine.
Điều này nghe có vẻ không hợp lý, nhưng ông Soriot giải thích rằng, sẽ đến thời điểm mà tốc độ truyền nhiễm quá thấp đến mức các nhà nghiên cứu khó có thể thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine theo cách tự nhiên. Ông Soriot nói rằng, đó là thách thức về con người, trong đó họ sẽ phải cho một số người nhiễm bệnh COVID-19 để thử tính hiệu quả của vaccine.
Tính đến ngày 29/5, virus corona chủng mới đã cướp đi sinh mạng của hơn 358.000 người và lây nhiễm cho ít nhất 5,7 triệu người trên toàn thế giới.
Giám đốc IFPMA Thomas Cueni chỉ ra con số ước tính rằng thế giới sẽ cần khoảng 15 tỷ liều vaccine mới có thể ngăn chặn COVID-19, đây là một thách thức lớn về mặt phân phối.
Ông nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp dược phẩm cam kết sẽ phân phối rộng rãi chủng vaccine ngữa COVID-19 trong tương lai, nhưng cảnh báo rằng "chúng ta sẽ không thể có đủ số lượng ngay từ đầu, kể cả khi nỗ lực hết sức".
Một khi chủng vaccine có hiệu quả được phát triển, một trong những trở ngại lớn nhất chính là việc thiếu các ống thủy tinh để đựng vaccine.
"Hiện không có đủ lượng ống thủy tinh trên thế giới" - ông Soriot nói, thêm rằng AstraZeneca cùng một số công ty dược khác tính cách chứa nhiều liều vaccine trong cùng 1 ống thủy tinh để giải quyết vấn đề.