Mỹ có thể phải duy trì giãn cách xã hội tới năm 2022 nếu không có vaccine ngừa COVID-19

VietTimes -- Nước Mỹ có thể sẽ phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội – như chỉ thị ở trong nhà và đóng cửa trường học – cho đến năm 2022, theo mô hình dự báo mà các nhà nghiên cứu mới công bố hôm 15/4, trừ khi một chủng vaccine ngừa COVID-19 sớm được ra mắt.
Mỹ có thể phải duy trì giãn cách xã hội đến năm 2022 nếu không tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 (Business Insider)
Mỹ có thể phải duy trì giãn cách xã hội đến năm 2022 nếu không tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 (Business Insider)

Mô hình dự báo trên được công bố bởi các nhà nghiên cứu đến từ trường Y tế công Harvard T.H. Chan, và được đăng tải trên tạp chí khoa học Science. Những dự báo mà mô hình đưa ra mâu thuẫn trực tiếp với nghiên cứu mà Nhà Trắng đưa ra trước đây, trong đó nói rằng đại dịch COVID-19 có thể bị xóa sổ trong mùa Hè năm nay.

Đội ngũ nghiên cứu tại trường Y tế công Harvard đã sử dụng những dữ liệu thu thập được về COVID-19 và virus coron chủng mới để đưa ra những viễn cảnh có thể xảy ra.

“Giãn cách xã hội có thể phải duy trì đến tận năm 2022, trừ khi khả năng chăm sóc tích cực của hệ thống y tế được tăng cường, một phương pháp điều trị hay một chủng vaccine điều trị sẵn có” – các nhà cứu viết trong bản báo cáo – “Thậm chí ngay cả khi hết bệnh dịch, các cuộc nghiên cứu về SARS-CoV-2 vẫn nên được duy trì bởi nó có thể trỗi dậy vào khoảng năm 2024”.

Nhóm nghiên cứu cũng dự báo rằng virus corona chủng mới có thể trở lại mạnh mẽ ngay khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ.

“Nếu như lựa chọn duy giãn cách xã hội, có lẽ nên duy trì nó trong vài năm liền, đó rõ ràng là khoảng thời gian rất dài” – Tiến sĩ Marc Lipsitch, một trong số tác giả của nghiên cứu mới và là chuyên gia về bệnh dịch học tại trường Y tế công Harvard, nói.

Và một nhân tố quan trong khác là: Liệu người dân có phát triển được hệ miễn dịch để chống lại virus corona chủng mới sau khi họ bị nhiễm hay không. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể biết được điều đó có xảy ra hay không.

Những thách thức mà Mỹ có thể phải đương đầu là: Tìm ra một phương thức thử nghiệm đáng tin cậy để tìm ra những người phát triển kháng thể chống lại virus corona chủng mới, tăng cường khả năng của hệ thống y tế đang bị quá tải để thực hiện các cuộc thử nghiệm diện rộng để tìm ra kháng thể chống virus.

Nhóm nghiên cứu nói họ nhận thức được rằng việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội sẽ gây nên “những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đối với xã hội, nền kinh tế và hệ thống giáo dục” của Mỹ.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng công trình của họ sẽ giúp người ta hiểu rõ hơn về diễn biến tiếp theo của đại dịch COVID-19 trong trường hợp Mỹ áp dụng những cách ứng phó khác nhau, từ đó tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch.

Hiện nay, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn tăng, nhưng dường như các biện pháp giãn cách xã hội đã mang lại hiệu quả tốt. Ông Robert Redfield, Giám đốc CDC Mỹ, nhận định rằng giãn cách xã hội là “một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất” chống lại COVID-19.

“Nếu như chúng ta có thể tăng cường tối đa giãn cách xã hội, chúng ta có thể hạn chế được khả năng của virus” – ông Redfield nói.

Nhiều bang trên khắp nước Mỹ hiện đã ban bố chỉ thị người dân ở trong nhà, chỉ cho phép đi ra ngoài để phục vụ cho các hoạt động thiết yếu. Mức hình phạt dành cho những người vi phạm dao động ở mỗi bang. Ở Maine, chính quyền áp dụng mức phạt tiền lên tới 1.000 USD và phạt tù lên tới 6 tháng tù giam.

Ở Florida, một vị mục sư đã bị bắt giữ hồi tháng trước vì tổ chức mọt sự kiện tôn giáo quy tụ nhiều người tham gia, vi phạm các quy định khẩn cấp về y tế.

Trong tuần này, một số bang ở cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ tuyên bố rằng họ đang phối hợp với nhau để mở cửa trở lại nền kinh tế ở địa phương sau khi lệnh giãn cách xã hội hết hiệu lực. Các bang New York, New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware, Rhode Island và Massachusetts đều có kế hoạch chỉ định một vị quan chức y tế và kinh tế để tham gia nhóm làm việc chung.

Các bang ở bờ Tây gồm California, Washington và Oregon cũng tuyên bố phối hợp trong kế hoạch chung để dần dần gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội.