Việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế rất quan trọng để đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần giảm tải bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Xin Bộ trưởng cho biết việc triển khai vấn đề này của ngành y tế hiện ra sao?
- Việc ứng dụng CNTT trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam rất quan trọng, là bước đột phá, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, KCB thông minh và quản trị y tế thông minh. Hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT y tế do Bộ Y tế xây dựng từng bước hình thành. Gần 100% BV đã có phần mềm hệ thống thông tin BV, phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS); 99,5% BV kết nối, liên thông dữ liệu KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định KCB BHYT điện tử.
Đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý từ việc hình thành hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, đã hình thành mạng lưới y tế từ xa (telemedicine), để các BV tuyến trên hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng KCB ở tuyến dưới.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý BV là yêu cầu cấp bách để thúc đẩy BV phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ứng dụng phần mềm quản lý BV, bệnh án điện tử, y tế từ xa, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí…, giúp việc quản lý BV minh bạch, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ khám, mua thuốc và làm thủ tục xuất viện vv…
Ngành y tế sẽ làm gì để đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT, cải cách hành chính trong KCB, thưa Bộ trưởng?
- Bộ Y tế sẽ tăng cường phát triển CNTT trong BV với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế vào các hệ thống CNTT để kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu; xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân. Bộ cũng chỉ đạo các BV triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, giảm thiểu sử dụng giấy tờ sổ sách tại các cơ sở y tế.
Ngành y tế sẽ triển khai đồng bộ hệ thống CNTT trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán BHYT. Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân, đồng thời, cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Mỗi khi KCB, người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí KCB cho người dân.
Bộ Y tế đã xây dựng xong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID). Theo kế hoạch, từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm, đến tháng 7/2019 sẽ triển khai trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019 sẽ hình thành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Khi người dân đến cơ sở y tế, chỉ cần một click chuột máy tính là thầy thuốc - dù ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam- sẽ biết thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của người đó, rất hữu ích cho chẩn đoán và điều trị.
Nhiều nước có một phần mềm hệ thống đồng bộ cho y tế để quản lý dễ dàng. Còn ở Việt Nam thì sao thưa Bộ trưởng?
- Mỗi BV có quy mô, mô hình tổ chức, mô hình quản lý khác nhau, nên việc có một phần mềm chung cho các BV là khó khả thi. Hiện, nhiều nước không có một phần mềm dùng chung cho các cơ sở KCB. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đi thăm quan, học tập về CNTT y tế ở Singapore - nước có số BV không nhiều nhưng cũng không có phần mềm dùng chung cho các BV. Vì thế, Bộ Y tế không chủ trương xây dựng phần mềm dùng chung cho các BV trong cả nước.
Để giải quyết việc liên thông, kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm của các cơ sở KCB, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn kết nối liên thông, tài liệu tiêu chuẩn quốc tế giao thức bản tin HL7, tiêu chuẩn kiến trúc tài liệu lâm sàng HL7CDA phiên bản tiếng Việt áp dụng vào phần mềm ứng dụng trong quản lý BV theo tiêu chuẩn quốc tế; quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT, quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT. Trên cơ sở các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành, các BV, doanh nghiệp CNTT sẽ xây dựng phần mềm phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác KCB ngày một tốt hơn.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
Trong buổi làm việc về kết quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: "Bộ Y tế đi đầu trong vấn đề xã hội hóa và quản lý giá khi Chính phủ đặt mục tiêu cả nước là 50% thì Bộ Y tế đạt hơn 72%. Việc kết nối cơ chế một cửa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp tác động đến người dân, doanh nghiệp vì tiết kiệm thời gian và tiền của." |