Giới phân tích cho rằng quân đội Mỹ có thể cần phải triển khai tới 80% các lực lượng hải quân và không quân truyền thống để chống lại quân đội Trung Quốc (PLA), dự trên thực tế là Mỹ từng phải điều tới 6 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm mới có thể đánh bại Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
“Triển khai 80% lực lượng không quân và hải quân của Mỹ là cái giá tối thiểu, bởi PLA ngày nay ghê gớm hơn so với quân đội Iraq trong những năm 1990” – LU Li-shih, cựu giáo quan tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung, nói.
Trong cuộc tập trận gần đây nhất, Không quân Mỹ đã cho thấy sự cải thiện đáng kể nếu so với các cuộc tập trận năm 2018 và 2019, theo báo cáo của chuyên trang Defense News. Báo cáo cho rằng, cuộc tập trận dựa trên giả định rằng quân đội Mỹ phải vượt qua vô số thách thức về công nghệ và tài chính, và lựa chọn sử dụng công nghệ thế hệ tiếp theo.
Công nghệ thế hệ tiếp theo này bao gồm một mẫu máy bay có sức mạnh áp đảo trên không, song hành cùng với “trợ thủ trung thành” – một máy bay không có vũ khí bay cùng và hỗ trợ các chiến đấu cơ có người lái – và các dạng công nghệ tối tân khác. Tuy nhiên, một số trang thiết bị hiện chưa được sản xuất và chưa đảm bảo được vốn đầu tư.
Ben Ho – chuyên gia nghiên cứu về sức mạnh không quân thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S Ratjaratnam, Singapore – nói rằng quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn khi muốn giành ưu thế trên không.
“PLA có thể triển khai thêm đáng kể sức mạnh chiến đấu của họ, nhờ các căn cứ ở Đại lục rất gần với khu vực chiến đấu” – ông Ho nói – “Sẽ là yêu cầu quá cao đối với Washington nếu như họ phải điều 6 tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương, như họ đã từng làm trong cuộc chiến Vùng Vịnh”.
Zhou Chenming – nhà nghiên cứu thuộc hãng phân tích khoa học và công nghệ quân sự Yung Wang, trụ sở tại Bắc Kinh – nói rằng PLA đã bỏ ra nhiều thập kỷ để chuẩn bị cho viễn cảnh “Cuộc chiến tái thống nhất Đài Loan”.
“Các tàu sân bay của Trung Quốc sẽ nhập đội cùng không quân và lực lượng tên lửa mặt đất để tạo nên một “tấm lá chắn vững chắc” giúp họ ngăn chặn các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi vào khu vực 1.000 km bên trong Eo biển Đài Loan” – ông Zhou nói.
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương trong tháng 4/2021 (Ảnh: Japan Times) |
Tính đến thời điểm hiện tại, PLA có 2 hàng không mẫu hạm đang hoạt động, trong khi một chiếc tàu sân bay thứ ba hết sức tối tân dự kiến sẽ cho ra mắt vào cuối năm nay.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục nâng cấp quân đội và cả quan hệ ngoại giao với Đài Loan, làm dấy lên nhiều quan ngại ở Trung Quốc – vốn xem hòn đảo này là lãnh thổ của họ và cần phải được tái thống nhất, dù có phải dùng tới vũ lực.
SCMP dẫn lời một người trong cuộc giấu tên nói rằng, PLA rất chú ý tới việc Không quân Mỹ tăng cường triển khai các chiến đấu cơ tối tân nhất như F-22 Raptor hay F35 Lightning II tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Điều khiến PLA quan ngại chính là rủi ro xảy ra xung đột, các chiến đấu cơ F-35 có thể đóng vai trò chủ chốt trong “một cuộc chiến bào mòn”, bởi các cuộc tập trận của Mỹ đã chứng minh rằng mẫu máy bay này có thể được nâng cấp và sử dụng như một “chú ngựa thồ”” – người này cho hay – “PLA dự tính rằng Lầu Năm Góc sẽ triển khai hàng trăm chiếc F-35 để đối phó với mẫu J-20 của họ, bởi dây chuyền sản xuất của Lockheed Martin đủ khả năng cung cấp 300 chiếc F-35 mỗi năm, trong khi sản lượng của phía Trung Quốc chỉ là 50 chiếc J-20 mỗi năm”.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ do hãng Lockheed Martin chế tạo (Ảnh: Defense News) |
Ông Ben Ho nói rằng PLA có thể sử dụng J-20, mẫu máy bay tàng hình tối tân nhất của Trung Quốc, để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất trong một trận chiến với phía Mỹ, trong đó bao gồm nhiệm vụ tấn công các máy bay hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không (Awacs) và máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
“Với khả năng tàng hình, tấn công tầm xa và tải được nhiều tên lửa tầm xa không-đối-không, J-20 là mẫu máy bay lý tưởng để thực hiện vai trò “tiêu diệt Awacs”” – ông Ho nói, thêm rằng PLA cũng sẽ sử dụng mẫu máy bay ném bom chiến lược H-20, dự kiến ra mắt trong vài năm tới, để thực hiện các nhiệm vụ đánh bom tầm xa.
Tuần trước, 4 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ đã bay qua Biển Đông và hạ cánh tại căn cứ quân sự Yokota của Nhật Bản, từ căn cứ chính ở Misawa. Một số bức ảnh đăng tải trên chuyên trang The War Zone cho thấy máy bay này được trang bị những loại vũ khí phục vụ cho nhiệm vụ tấn công trên không, mang rất nhiều tên lửa đất-đối-không.
“Thường thì các chiến đấu cơ sẽ không được tải đầy đủ vũ khí và nhiên liệu trong các cuộc tập luyện thường lệ. Các chiến đấu cơ F-16 nạp đủ vũ khí như vậy cho thấy chúng đang thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt, vì mục đích tính toán về hậu cần” – ông Lu nói.
Theo Defense News, như một phần trong quá trình chuẩn bị này, quân đội Mỹ cũng đang đầu tư nhiều hơn vào các sân bay ở khu vực xa ở Thái Bình Dương và củng cố, kéo dài các đường băng trong khu vực để khiến cho địch thủ khó ngăn chặn tất cả các máy bay của họ cất cánh.
Nhật Bản và Mỹ cũng cam kết đối phó với “hành động đe dọa” của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương sau cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga ở Washington trong tháng này.
Về phần mình, Nhật Bản cũng đã tăng cường sức mạnh phòng thủ trên biển và trên không của mình với sự hỗ trợ của Mỹ trong những năm gần đây, trong đó cải biến lại 2 tàu khu trục để có thể mang theo các chiến đấu cơ tàng hình F-35B, thêm số lượng cho hạm đội tàu ngầm và nâng cấp các hệ thống Awacs.
“Trong viễn cảnh tồi tẹ nhất, nếu các căn cứ Yokosuka và Kaneda trở thành mục tiêu tấn công của PLA, có khả năng Lực lượng phòng vệ Nhật BẢn sẽ được Quốc hội cho phép điều động phòng thủ và cho phép thực hiện quyền phòng thủ tập thể ở nước ngoài” – Cheung Mong, Giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế, thuộc ĐH Waseda, Nhật Bản, nói.