Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra tại Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 9 quỹ bảo trì đường bộ địa phương, gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Thuận, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Phú Thọ, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Ngày 26/6, Thanh tra Bộ ban hành Kết luận Thanh tra số 419/KL-TTr về thanh tra công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Về cơ bản, các đơn vị đã quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ theo quy định.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng còn một số hạn chế như việc lập và giao kế hoạch chi chưa thực hiện kịp thời, công tác thanh toán, quyết toán quỹ bảo trì đường bộ tại các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT còn chưa đúng.
Qua công tác thanh tra đã kiến nghị với Hội đồng Quản lý quỹ Trung ương; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan chấn chỉnh công tác quản lý và thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.014.598.007 đồng do lập dự toán công trình bảo trì đường bộ tăng không đúng về định mức, khối lượng, đơn giá nhân công, giá xăng dầu... Trong đó, nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 1.001.785.578 đồng; giảm quyết toán số tiền 1.012.812.429 đồng.
Kiến nghị chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xây dựng và ban hành quy chế quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, ủy quyền cho các Sở GTVT thực hiện (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) để xác định rõ trách nhiệm từ khâu lập, giao kế hoạch chi, tổ chức triển khai thanh quyết toán nguồn kinh phí bảo trì đường bộ đạt hiệu quả.
Phải xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch chi bảo trì đường bộ theo thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ, trong đó xem xét bảo trì mang tính đồng bộ theo từng tuyến đường, bảo đảm hiệu quả khi sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ.
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi bổ sung Quyết định số 2988/QĐ-BGTVT ngày 6/8/2014 quy định về việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ để phân định rõ nhiệm vụ giữa các cơ quan: Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) và Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để thực hiện việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì được phù hợp, đồng bộ, bảo đảm thống nhất trong công tác quản lý.
Cần nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn cụ thể cho quỹ bảo trì đường bộ tại địa phương về trình tự thực hiện việc lập và giao kế hoạch sử dụng, phân bổ, quyết toán kinh phí bảo trì đường bộ, công tác giám sát thực hiện... để bảo đảm tính thống nhất giữa các quỹ địa phương cho cùng một nguồn kinh phí.
Theo Chinhphu.vn