Ảnh minh họa (Nguồn: OCB) |
Về đích áp dụng chuẩn Basel II trước cả các ngân hàng lớn
Ngày 06/12/2017, Ngân hàng Phương Đông (OCB) thông báo đã tổ chức Lễ hoàn thành dự án Basel II. Sự kiện đã diễn ra với sự tham gia chứng kiến của lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà Nước, các Ban ngành hữu quan; các đối tác, cổ đông lớn, các cơ quan thông tấn báo chí và lãnh đạo OCB.
Để hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, OCB đã triển khai 10 công cụ nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình và quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, OCB cũng tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo được thực hiện đều cho cả Ban dự án Basel và các CBNV toàn hệ thống.
Tại sự kiện, Ngân hàng Phát triển Singapore (Development Banking Singapore - DBS đã bàn giao cho OCB các hạng mục dịch vụ tư vấn để đáp ứng các yêu cầu cụ thể của trụ cột 2 Basel II – ICAAP (Internal Capital adequacy assessment process - Quy trình đánh giá mức độ đầy đủ vốn nội bộ).
Về dự án Basel II triển khai cho OCB, đại diện Ngân hàng DBS Singapore, ông EDDIE LIM khẳng định: “Việc áp dụng một khung kiểm tra căng thẳng sẽ cho phép OCB xác định, đo lường và kiểm soát các rủi ro về thanh khoản tài chính, đặc biệt để đánh giá hồ sơ thanh khoản của ngân hàng và mức vốn đệm thích hợp dành cho thanh khoản trong trường hợp các sự kiện căng thẳng trên toàn cầu và của ngân hàng. Tôi không nghi ngờ gì với những bước tiến này, OCB có thể là một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công Basel II. Với việc hoàn thành các hạng mục để áp dụng Basel II cho toàn hệ thống, OCB đã thực hiện những bước đi quan trọng cho một ngân hàng hiện đại và hội nhập với các Ngân hàng thế giới.”
Lãnh đạo OCB cũng khẳng định việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng này tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng KH và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/ tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng góp phân tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống.
Về áp dụng tiêu chuẩn Basel II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang áp dụng thí điểm cho 10 ngân hàng thương mại cổ phần là: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank.
Tuy nhiên, cho đến nay, OCB là ngân hàng đầu tiên (dù không trong diện thí điểm của NHNN) công bố hoàn tất việc triển khai Basel II tại Việt Nam.
Kết quả hoạt động của OCB ra sao?
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2017, OCB có tổng tài sản đạt 70.805 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là các khoản Cho vay khách hàng đạt 46.155 tỷ đồng, chiếm 65% và Chứng khoán đầu tư đạt 15.325 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản (khoản mục trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành đạt 462,22 tỷ đồng).
Về chất lượng nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu của OCB tại ngày 30/9/2017 đạt 2%; cơ cấu nợ chủ yếu là cho vay các Tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước (54.948 tỷ đồng).
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của OCB tại ngày 30/9/2017 đạt 65.667 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu là: Tiền gửi khách hàng đạt 50.803 tỷ đồng (tăng 7.740 tỷ đồng so với đầu năm); Tiền, vàng gửi và vay các TCTD khác đạt 7.744 tỷ đồng (giảm 3.797 tỷ đồng so với đầu năm). Nguồn vốn chủ sở hữu đạt 5.137 tỷ đồng, chủ yếu là Vốn của TCTD đạt 4.008 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt 839,9 tỷ đồng (tăng 81% so với đầu năm).
Chi phí hoạt động đạt 940,81 tỷ đồng tăng 26% so với năm 2016; Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 220 tỷ đồng.
Lũy kế đến 30/9/2017, lợi nhuận sau thuế của OCB là 633 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước.
Ngày 04/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 9874/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Theo đó, NHNN chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ thêm 805,12 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 19/4/2017 và được Hội đồng quản trị OCB thông qua tại Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐQT ngày 28/10/2017.
Tiếp đà “chạy” thông tư 36, Vietcombank bán đấu giá gần 19 triệu cổ phần tại OCB
Ngày 01/12/2017, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) cũng đã thông báo đấu giá cổ phần của ngân hàng này tại OCB. Theo đó, VCB sẽ bán đấu giá 18.887.709 cổ phần (tương đương với 4,85% cổ phiếu đang lưu hành) của OCB với mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 10h00 ngày 29/12/2017, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8h30 ngày 04/12/2017 đến 15h30 ngày 22/12/2017 (Sáng từ 8h30 - 11h30; chiều từ 13h30 - 17h00 các ngày làm việc) tại Trụ sở và chi nhánh của các đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký. Thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá chậm nhất là 16 giờ 00 phút ngày 27/12/2017.
Mục đích của việc chào bán cổ phiếu của VCB tại OCB nhằm thực hiện tuân thủ theo điểm a, khoản 3, điều 20, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về việc Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cũng với mục đích trên, ngày 20/11/2017 tại HNX, Vietcombank bán đấu giá thành công toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) và Saigonbank (SGB đêm về một khoản thặng dư đáng kể - lên tới cả trăm tỷ đồng.
Về Basel II: là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Basel II sử dụng khái niệm “3 trụ cột chính”
Trụ cột I: Yêu cầu vốn tối thiểu. Nhắc đến việc duy trì một lượng vốn pháp định được tính toán cho ba thành phần rủi ro mà ngân hàng đối mặt: rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành.
Trụ cột II: Rà soát và giám sát. Đặt ra các nguyên tắc về giám sát và quản lý rủi ro thông qua hệ thống quản trị với 3 lớp phòng thủ và các quy định khắt khe trong quy trình quản lý an toàn vốn của Ngân hàng, cũng như vai trò giám sát của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước.
Trụ cột III: Nguyên tắc thị trường và công khai thông tin. Các ngân hàng sẽ được yêu cầu công khai thông tin tập trung vào các thông số quan trọng, nguy cơ rủi ro và quản lý rủi ro. Những công khai như vậy được xem như là một điều kiện tiên quyết cho tính hiệu quả hoạt động của nguyên tắc thị trường ngân hàng