Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành đã được Chính phủ dự kiến giao các nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện nhiều công việc.
Đầu tiên là nghiên cứu xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp được vay ở các ngân hàng thương mại bằng lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường (2-3%) bằng nguồn vốn tái cấp vốn trong giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động trong thời gian đầu (1-2 năm đầu tiên): khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp; bảo lãnh tín dụng; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; thuê đất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; xử lý ô nhiễm; hỗ trợ di dời do quy hoạch thay đổi; xúc tiến đầu tư; sáp nhập doanh nghiệp; đầu tư mạo hiểm; vườn ươm doanh nghiệp; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Thứ hai, hệ thống ngân hàng phấn đấu bảo đảm tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 30% tổng dư nợ cho vay.
Ngân hàng Nhà nước đôn đốc, giám sát thực hiện và hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các biện pháp về tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro; trích lập dự phòng; và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu (30%) của ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiệm vụ tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định về thế chấp đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, đẩy mạnh các mô hình tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng hợp tác xã, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ tương hỗ.
Ngân hàng Nhà nước còn được giao nghiên cứu cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng vốn góp đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Nghiên cứu mở lại việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp để tạo nguồn vốn giá rẻ hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp là yêu cầu tiếp theo đối với ngành ngân hàng.
Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu của Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước là nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định về chuyển nhượng vốn góp đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm đơn giản hoá, tạo thuận lợi thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tất cả các công việc nêu trên (trừ nhiệm vụ thứ hai) Ngân hàng Nhà nước đều phải trình Chính phủ trong quý 3 năm nay.
Ngày 29/4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng nhiều thành viên Chính phủ khác đã có những cam kết cụ thể trước cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp.
Ông Hưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã đang và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thống đốc cũng cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo dõi sát mặt bằng lãi suất và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Và cam kết, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo TBKTVN