“Ông ta (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) muốn đạt được thỏa thuận thương mại nhiều hơn tôi rất nhiều. Chúng ta đang hưởng lợi hàng trăm tỷ đô la từ thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Tôi không nóng vội với thỏa thuận thương mại.”
Đây là phát biểu của Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump khi nói đến cuộc đàm phán liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung hôm thứ 6, ngày 22 tháng 11 mới đây.
Tuy nhiên, ông Trump cũng tỏ ra lạc quan về một thỏa thuận giữa hai nền kinh tế. "Mỹ và Trung Quốc đang có cơ hội rất tốt để đạt được thỏa thuận”. – Ông này tuyên bố.
Trên thực tế, vẫn rất khó nắm bắt những suy nghĩ hay hành động của vị tổng thống này về thương chiến Mỹ Trung. Vì chỉ mới hôm 19/11 vừa qua, ông Trump đã lên tiếng trong cuộc họp nội các, đe dọa áp thêm thuế quan lên Trung Quốc nếu hai bên không đạt một thỏa thuận song phương.
Tín hiệu về một thỏa thuận thương mại trở nên mờ mịt hơn, khiến thị trường chứng khoán trong ngày hôm đó ngập trong sắc đỏ.
Hồi đầu tháng 10, sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí sẽ đi đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, ông Trump đã hủy kế hoạch tăng thuế quan từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, hai bên vẫn chưa chốt được thỏa thuận. Từ đầu tháng 11 tới nay, ông Trump đã trên dưới 4 lần đưa ra những ngụ ý trái chiều về thỏa thuận với thương mại với Trung Quốc. Còn nhớ tuần đầu tháng 11, ông còn khiến thị trường “mừng hụt” khi cho rằng thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã sắp đạt được, phía Trung Quốc cũng lên tiếng xác nhận thông tin này. Tuy nhiên ít ngày sau đó, ông lại phủ nhận.
Mỹ và Trung: ai cần ai hơn ai?
Mặc dù cả hai phía Mỹ và Trung đều có những phát ngôn bày tỏ mong muốn về một thỏa thuận thương mại song phương, ông Trump vẫn không ít lần khẳng định vị thế “kèo trên” của Mỹ.
Như đã nói ở trên, ông Trump lập luận rằng Mỹ đang hưởng lợi từ thuế quan áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Và ông sẽ không nôn nóng hay đốc thúc gì cả.
Cũng trong thứ 6 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã phát biểu rằng Bắc Kinh muốn một thỏa thuận dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng. Ông Trump đáp trả rằng ông không thích từ “bình đẳng” mà ông Tập đề cập tới.
Hồi 14/11, trang Nikkei Asian Review đã đăng tải một số nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc trước những biến động từ thương chiến. Theo đó, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của một loại ngành công nghiệp quan trọng tại Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng. Có thể kể đến các ngành như: doanh nghiệp xe hơi, sản xuất hàng hóa, bán lẻ truyền thống và bất động sản.
Điều đáng nói, những lĩnh vực kể trên đều đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng đã có các chính sách kích thích kinh tế như tăng chi tiêu công, giảm thuế, phát hành trái phiếu địa phương… nhưng không phát huy tác dụng như mong muốn.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc phải hành động bằng cách cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm từ 3,3% xuống 3,25%. Giới phân tích dự báo PBOC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản. Đây là dấu hiệu cho thấy diễn biến xấu của tình hình kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, còn phía Mỹ thì sao?
Luận điểm của ông Trump là không cần vội vàng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn cho rằng thương chiến Mỹ-Trung gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Điển hình lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan trả đũa của Trung Quốc. “Người nông dân cần xuất khẩu hàng hóa họ làm ra”
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyến cáo về sự giảm tốc nặng nề của ngành nông nghiệp nước này. Cũng trong tháng 11 này, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn đã khẳng định rằng nếu tổng thống Trump không triển khai các kế hoạch liên quan đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, “phía Trung Quốc sẽ không còn tin những gì ông ấy nói".
Ông John Studzinski, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ Pimco cho rằng ông Trump cũng rất coi trọng việc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Chiến tranh tiền tệ, sự phát triển vượt bậc về công nghệ của Trung Quốc cũng đang là nỗi đe dọa lớn với Mỹ trong thời gian tới.
Còn rất nhiều áp lực khác về tăng trưởng kinh tế đối với Mỹ trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, còn một lý do khác rất có thể sẽ tạo áp lực cho ông Trump là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra trong năm 2020 tới. Nếu tình hình thương chiến không có chuyển biến tốt đẹp, đây có thể sẽ trở thành một điểm yếu mà các đối thủ dùng để chống lại ông trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng./.