Cổ phần hóa “ông lớn tỷ đô” Việt Nam lên báo nước ngoài
VietTimes -- Vào ngày 18.12 tới, chính phủ Việt Nam sẽ đấu giá 53,6% cổ phần của Công ty cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn - Đơn vị sở hữu thương hiệu bia Saigon và 333. Đây là quá trình thoái vốn lớn nhất từ trước tới nay với trị giá khoảng 110 nghìn tỷ đồng (4,8 tỷ USD), AsiaTimes đưa tin.
Những nhà đầu tư tiềm năng là Thai Charoen Corporation Group (TCC), Anheuser-Busch InBev NV - một công ty bia Bỉ, tập đoàn Nhật Bản, Asahi Group Holding Ltd và công ty bia Đan Mạch Heineken vốn đã sở hữu 5% cổ phần tại SABECO. Hiện tại, chính phủ đang giữ 89% cổ phần của SABECO.
"Đây là cơ hội để một công ty bia quốc tế có thể sở hữu cổ phần của một nhà máy bia số 1 Việt Nam". John Ditty - phó tổng giám đốc điều hành của KPMG tại Việt Nam phát biểu. "Không còn đất nước nào trên thế giới cho phép bạn làm vậy. Và Việt Nam là một thị trường bia tiềm năng nhất không chỉ ở châu Á mà là trên thế giới". Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang có kế hoạch sẽ bán đi một lượng lớn cổ phần tại HABECO vào đầu năm 2018.
Nền kinh tế đang được hy vọng sẽ tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm nay, phần nào nhờ 20 tỷ USD vốn FDI cùng sự tăng trưởng trong xuất khẩu và sự đi lên của thị trường chứng khoán. HCMC Stock Index đã tăng điểm kỷ lục 970,02 trong đầu tháng 12. "Có những cơ hội chắc chắn tại đây bởi chúng tôi có nền kinh tế sẽ phát triển 6%/năm trong 10 năm tới", ông Ditty dự đoán.
53,6% cổ phần của SABECO có trị giá khoảng 4,8 tỷ USD
Nhà nước hiện đang kiểm soát khoảng 4.500 công ty, xí nghiệp quốc doanh, rất nhiều trong số đó đang làm chủ những lĩnh vực kinh tế quan trọng như ngân hàng và năng lượng. Tới năm 2016, có hơn 2.000 doanh nghiệp có vốn nhà nước trong đó 700 đơn vị có 100% vốn nhà nước, theo báo cáo tháng 11 của công ty chứng khoán Bản Việt (Viet Capital).
Từ 2011-2016, chính phủ mới chỉ thoái vốn khoảng 21.000 tỷ đồng (926 triệu USD), khoảng 1/5 trong đó là vốn thoái từ SABECO. Đối diện với khoản nợ công chiếm tới 63,7% GDP gần tới trần nợ mà chính phủ xác định là 65%, và nguồn thu thuế giảm do giảm thuế nhập khẩu với 10 thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, việc bán những cổ phần trong các đơn vị quốc doanh là một lựa chọn cần thiết để tăng ngân sách.
Trong một lộ trình đang được tích cực thúc đẩy, chính phủ thông báo dự định sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp quốc doanh với số vốn có giá trị khoảng 13 tỷ USD vào khoảng từ 2017 tới 2013. Sẽ thoái vốn hơn 50% ở 106 doanh nghiệp quốc doanh, ít hơn 50% ở 27 doanh nghiệp và 35% ở 4 doanh nghiệp. Tiếp theo, chính phủ dự tính sẽ thoái lượng vốn trị giá khoảng 2,9 tỷ USD từ 375 doanh nghiệp quốc doanh khác.
Quá trình thoái vốn cũng có những bước tiến đáng chú ý. Jardine Cycle & Carriage-công ty con của Jardine Matheson tại Singapore, tháng trước đã mua 5,53% cổ phần của Vinamilk với tổng trị giá 616 triệu USD. Cuối 2016, chính phủ đã bán khoảng 5,4% cổ phần của Vinamilk cho tập đoàn Thái Lan, Thai Charoen Corporation Group (TCC). Công ty đồ uống này đã mua tập đoàn Fraser & Neave (F&N) với giá 11 tỷ USD và tạo nên một mạng lưới tiêu thụ sản phẩm lớn tại Đông Nam Á. Trước khi Vinamilk chào bán cổ phần lần đầu (IPO) tại sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, công ty 100% vốn quốc doanh này có giá trị khoảng 400 triệu USD.
Các nhà phân tích cho biết dù hiện tại nhà nước chỉ nắm 36% cổ phần nhưng trị giá của số cổ phần này đã cao hơn rất nhiều so với 100% cổ phần năm 2003. Hiện tại, họ nắm 36% của 14 tỷ USD như vậy họ đang có khoảng 6 tỷ USD tại đây", ông Andy Hồ giám đốc điều hành, trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital cho biết.
Chính phủ đang nắm khoảng 36% cổ phần của Vinamilk.
Một trong những lý do của việc chậm trễ tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh là mục tiêu đợi các giá trị vốn tăng cao nhất, một nhiệm vụ khó khăn khi thị trường chứng khoán trì trệ vào nửa đầu năm 2017. Vào khoảng giữa tháng 10 và tháng 12.2017, chỉ số chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tăng từ 800 lên 940 điểm. Ông Andy Hồ phát biểu: "Giờ là lúc thị trường lên cao và bạn có thể đạt được giá trị tốt nhất".
Trong khi chính phủ đang rất linh hoạt để có được giá trị tốt nhất cho phần vốn của mình và đối tác chiến lược tốt nhất cho những doanh nghiệp quốc doanh, thì một nhu cầu rất cấp bách là việc thu ngân sách. Năm 2019, Việt Nam sẽ là nước có mức thu nhập trung bình, nghĩa là không còn thích hợp để nhận các nguồn vốn đầu tư phát triển ODA. "Tôi nghĩ luôn luôn có nhu cầu thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Nhưng hiện tại quá trình này cần đẩy nhanh bởi chính phủ đang cần tiền để giải ngân cho các dự án hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Ông Phạm Hồng Hải - CEO của ngân hàng HSBC tại Việt Nam phát biểu. "Lý do thứ 2 là để nâng cao tính hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh vốn không hoạt động hiệu quả bằng những doanh nghiệp tư nhân".
Bộ Tài Chính thông báo kết quả kinh doanh năm 2015 của 350 doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã có mức tăng trưởng ấn tượng: vốn điều lệ (+72%), tổng tài sản (+39%), doanh thu (+29%) và lợi nhuận trước thuế (+49%). Nhiều nhà quan sát cho rằng: Việt Nam có thể tạo ra một thị trường tư nhân linh hoạt thay vì dồn sự tập trung vào nguồn vốn FDI. Ông Nguyễn Đức Thành - giám đốc kiêm Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: "Sự thật là việc kinh doanh nội địa của chúng ta chưa tốt đặc biệt về mặt sản xuất và xuất khẩu. Chúng ta khó cạnh tranh được... Tất cả những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta bị nắm trong tay các công ty đa quốc gia và sẽ còn nhiều sự cạnh tranh hơn bởi việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Ông Thành cũng nói cần nhận thức rõ hơn về tính hiệu quả, sự cạnh tranh quốc tế trong khối tư nhân sẽ là một động lực để thúc đẩy việc tư nhân hóa. Và câu hỏi không phải là bao giờ việc tư nhân hóa sẽ hoàn thành mà nó sẽ tiến hành nhanh hay chậm.