Chuyên gia Mỹ: Phán đoán nói ông Donald Trump "thân Nga" là quá sớm

VietTimes -- Một tài liệu mới từ Bộ Quốc phòng Mỹ đã chú trọng đề cập đến Syria và Iran, sau đó là Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng gạt Nga ra ngoài. Mặc dù vậy, phán đoán ông Donald Trump "thân Nga" là còn quá sớm.
Ông Donald Trump sẽ "thân Nga"? Ảnh: Sina
Ông Donald Trump sẽ "thân Nga"? Ảnh: Sina

Tờ Foreign Policy Mỹ ngày 20/12 cho hay một tài liệu từ Lầu Năm Góc cho biết trong "chính sách quốc phòng" của đội ngũ Donald Trump, Nga đã không còn thuộc những "công việc ưu tiên" (defense priorities). Tức là đối với ông Donald Trump, Nga đã không bị cho là "mối đe dọa hàng đầu" của Mỹ.

Trong tài liệu của Lầu Năm Góc, đánh bại tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS), phòng thủ tin tặc tấn công... đều được đưa vào những công việc ưu tiên. Nhưng, Nga, nước từng bị các tướng lĩnh quân sự xác định là "mối đe dọa lớn nhất của Mỹ", đến nay lại không còn bóng dáng gì.

Không phải quan chức nào của Chính phủ Mỹ cũng ủng hộ tài liệu mới này. Trước năm 2015, chuyên gia Evelyn Farkas thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng: "Hiện nay, mọi người cảm thấy rất lo ngại về việc Nga biến mất khỏi danh sách này".

Nga có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, tổ chức tác chiến mạng phức tạp, sức mạnh quân sự không ngừng mở rộng trong những năm gần đây, hơn nữa thách thức quyết tâm của Mỹ ở Trung Đông, Đông Âu và các khu vực khác.

Vì vậy, trong rất nhiều năm qua, các quan chức tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ đều cho rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ.

Chuyên gia Evelyn Farkas của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Sina
Chuyên gia Evelyn Farkas của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Sina

Năm 2015, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói với Quốc hội Mỹ rằng mối đe dọa từ Nga vẫn quan trọng hơn so với tất cả các mối đe dọa khác.

Trong khi đó, lời nói của Joseph Dunford rất có trọng lượng trong Chính phủ Mỹ. Bởi vì, sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017, tướng Joseph Dunford vẫn có thể bảo lưu vị trí của ông.

Khi trả lời phỏng vấn, tướng Joseph Dunford cho biết: "Nếu anh muốn tôi chỉ ra một nước là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, tôi nhất định sẽ nói là Nga. Đặc biệt là khi anh nhìn thấy các hành động của Nga, anh buộc phải cảnh giác".

Mặt khác, tướng Joseph Dunford cho rằng Trung Quốc, Triều Tiên và IS lần lượt là mối đe dọa lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư của Mỹ.

Tài liệu nói trên hoàn thành vào ngày 1/12/2016, được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, ông Brian McKeon viết cho cấp dưới. Ông Brian McKeon cho biết tài liệu này do Mira Ricardel chuyển cho ông.

Trong khi đó, bản thân Mira Ricardel là cựu quan chức cấp cao của chính quyền cựu Tổng thống Bush, cũng là một trong những nhà lãnh đạo trong bộ máy quá độ của ông Donald Trump trong xây dựng Lầu Năm Góc.

Tài liệu này đã chú trọng đề cập đến vấn đề Syria và Iran ở Trung Đông. Sau đó là Trung Quốc và Triều Tiên.

Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Sina
Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Sina

Hiện nay, đội ngũ của ông Donald Trump từ chối đưa ra bình luận về việc này. Một quan chức giấu tên cho biết: "Những phỏng đoán của báo chí đối với tài liệu và các công việc ưu tiên hoàn toàn không có căn cứ và sai lầm".

Từ sau khi bắt đầu bầu cử, ông Donald Trump luôn hy vọng cải thiện quan hệ với Nga, đặc biệt là muốn có thể cùng Nga xử lý vấn đề Syria và Iran ở Trung Đông.

Vào tuần trước, Giám đốc điều hành Tập đoàn Exxon Mobil, ông Rex Tillerson đã được ông Donald Trump đề cử làm Ngoại trưởng. Đội ngũ của ông Donald Trump cho rằng các quan hệ của ông Rex Tillerson ở Nga sẽ hỗ trợ rất lớn cho ngoại giao của Mỹ.

Nhưng, khi ông Rex Tillerson làm Giám đốc điều hành công ty trước đó, Exxon Mobil từng thuyết phục Mỹ hủy bỏ trừng phạt đối với Nga sau cuộc khủng hoảng Crimea. Trong khi đó, giao dịch dầu mỏ đã đem lại vài chục tỷ USD cho Nga.

Mặc dù động thái của ông Donald Trump đã cải thiện thành công quan hệ với Đảng Cộng hòa Mỹ và Nga, nhưng một số bộ ngành ảnh hưởng đến ngoại giao Mỹ như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và CIA vẫn bày tỏ ngờ vực đối với Nga.

Steven Pifer, một người đã làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ 25 năm phản đối chính sách này, cho rằng điều này có nghĩa là đã "bật đèn xanh" cho hành động của Nga ở Ukraine, hơn nữa cũng là một đòn "tấn công" đối với chính sách phòng thủ của NATO ở tiền tuyến biển Baltic.

Ông Rex Tillerson được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, có quan hệ không tồi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sina
Ông Rex Tillerson được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, có quan hệ không tồi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sina

Tháng 2/2015, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cũng từng nói rằng Nga là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với IS. Các phần tử khủng bố cách Mỹ còn xa, nhưng người Nga có thể ở bên cạnh.

Mặc dù ông Donald Trump tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn từng bước tăng cường lực lượng quân sự ở Đông Âu. Năm 2014, Mỹ đã triển khai 2 lữ đoàn và vài trăm xe bọc thép ở tiền tuyến Đông Âu. NATO cũng đã tăng cường tập trận nhằm vào Nga. Hiện nay, Mỹ đang huấn luyện cho Quân đội Ukraine để đối kháng lại liên quân "Nga mới".

Nếu Donald Trump kiên trì quan điểm của mình, những lực lượng được tăng cường trước đó ở châu Âu sẽ bị yếu đi. Cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa từng cạnh tranh với ông Donald Trump là Marco Rubio đã bắt đầu tấn công mạnh mẽ đối với chính sách Nga của ông Donald Trump và Rex Tillerson.

Mặt khác, một số người cho rằng hiện nay phán đoán chính sách Nga của ông Donald Trump còn quá sớm. Nhà nghiên cứu Heather Conley thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng ông Donald Trump đã lựa chọn James Mattis, một người thuộc phe "chống Nga" nổi tiếng làm Bộ trưởng Quốc phòng, nếu hiện cho rằng ông Donald Trump thân Nga thì còn quá sớm.