Chuyên gia Kaspersky cho rằng người dùng Việt nay đã sử dụng các phương tiện thanh toán số như một lựa chọn hàng đầu. Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo đón nhận “bình thường mới” - giải pháp toàn diện bảo vệ bản thân và gia đình trước các cuộc tấn công mạng mới công bố, hãng bảo mật toàn cầu Kaspersky nhận định, việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội. Khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến,… đã trở thành thói quen mới của người Việt Nam.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã hình thành thói quen thanh toán kỹ thuật số cho người dùng Việt và được duy trì cho đến giai đoạn “bình thường mới”. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Từ việc không còn lựa chọn nào khác vì không thể mua bán và thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, người dùng Việt nay đã sử dụng các phương tiện thanh toán số như một lựa chọn hàng đầu nhờ vào tính tiện lợi và những lợi ích mà nó mang lại.
Đi cùng với làn sóng chuyển đổi số và sự phổ biến của thanh toán số tại Việt Nam là sự gia tăng của nguy cơ mất an toàn thông tin trong giai đoạn “bình thường mới”. Khi phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống máy tính, thiết bị di động và Internet, nguy cơ bị tấn công mạng cũng tăng lên đáng kể. Thống kê mới nhất từ Kaspersky Security Network cho thấy, trong năm 2021, Kaspersky đã phát hiện gần 63,5 triệu mối đe dọa mạng tại Việt Nam, với 41,5% người dùng bị ảnh hưởng bị các mã độc trực tuyến.
Theo chuyên gia bảo mật Kaspersky, những con số trên chỉ là một góc rất nhỏ trong bức tranh tổng thể về chuyển đổi số và các mối đe dọa liên quan đến an ninh mạng. Các cuộc tấn công mạng trong giai đoạn “bình thường mới” ngày càng trở nên tinh vi hơn, đặc biệt là những cuộc tấn công tài chính nhắm vào các giao dịch trực tuyến để lừa tiền của người dùng.
Theo một nghiên cứu khác của Kaspersky, có tới 81% người Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán số cho các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, có khoảng 80% người dùng đã có nhận thức sâu sắc về việc bảo vệ bản thân khi thực hiện giao dịch trực tuyến, thì 6% người được hỏi không chắc chắn hoặc không biết về cách các phần mềm chống virus có thể giúp họ giảm thiểu rủi ro tài chính. Đáng báo động hơn, có đến 14% cảm thấy rằng các phần mềm diệt virus không phải là một công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa mạng đang tìm cách xâm phạm dữ liệu tài chính của họ.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Các vụ lừa đảo nhắm vào người dùng thanh toán kỹ thuật số ngày càng trở nên tinh vi hơn. Rất nhiều người dùng đã bị lừa đảo và chiếm đoạt tiền. Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, người dùng cần nhận thức được các tội phạm mạng mới nhất và thực hiện các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn cho thiết bị của họ để có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước các mối đe dọa mạng".
Cách tránh các cuộc tấn công trong thời kỳ “bình thường mới”
Chuyên gia của Kaspersky đưa ra 4 gợi ý để bảo vệ bạn và gia đình khỏi các cuộc tấn công trong thời kỳ “bình thường mới”:
Thứ nhất, sử dụng một thiết bị riêng để giao dịch và mua sắm trực tuyến: Nếu bạn và gia đình sở hữu cùng lúc nhiều thiết bị, bạn nên trang bị một thiết bị chuyên dụng cho các giao dịch ngân hàng và mua sắm trực tuyến. Để tăng cường bảo mật cho việc mua sắm trực tuyến được an toàn hơn, chỉ nên truy cập các trang web được bảo mật bằng https://.
Thứ hai, quản lý và bảo vệ mật khẩu trực tuyến: Sử dụng mật khẩu nâng cao bao gồm nhiều chữ cái, số và các loại ký tự khác nhau. Nếu có thể, hãy sử dụng các mật khẩu khác nhau cho từng tài khoản trực tuyến và sử dụng trình quản lý mật khẩu để giữ thông tin các mật khẩu mạnh cho từng tài khoản.
Thứ ba, chia sẻ và khuyến khích con bạn tham gia môi trường trực tuyến một cách lành mạnh: Hướng dẫn chúng cách bảo vệ thông tin cá nhân, đặc biệt là trước những người lạ trên Internet. Kiểm tra các trang web đáng tin cậy và đặt quyền kiểm soát của phụ huynh để quản lý quyền truy cập và ngăn chặn các chủ đề tìm kiếm không phù hợp.
Thứ tư, luôn cập nhật các thông tin mới nhất về cách giữ an toàn khi trực tuyến, sử dụng các giải pháp an ninh mạng đáng tin cậy để ngăn chặn các mối đe dọa từ môi trường trực tuyến.
Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, 2021 là năm cả thế giới phải thích ứng với trạng thái bình thường mới. Dịch Covid-19 là cú hích khiến chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nhưng kèm theo đó là nhiều diễn biến phức tạp về an toàn thông tin. Tấn công mạng tăng về số lượng và hình thức.
Hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin đã ghi nhận hơn 9.700 cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong năm ngoái, tăng 42,42% so với năm 2020. Nhiều đối tượng xấu lợi dụng dịch để tung tin giả, tấn công lừa đảo người dùng chiếm đoạt tiền. Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân rất đáng lo ngại.