Phó Chủ tịch VDCA Nguyễn Đình Thắng cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mà trọng tâm là chuyển đổi số đang tạo cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm của cuộc chạy đua chuyển đổi số với rất nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua.
Thuận lợi và khó khăn
Về lợi thế với Việt Nam, trước hết đó là nhận thức và chủ trương kịp thời của Đảng, Chính phủ về CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Tiếp theo là ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và con người Việt Nam về xây dựng đất nước hùng cường.
Một lợi thế nữa là chúng ta không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi từ mô hình cũ, công nghệ cũ. Hơn nữa, hạ tầng CNTT và tỷ lệ sử dụng công nghệ cũng đang phát triển rất nhanh. Việt Nam cũng có nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu. Quan trọng là đất nước có điều kiện tốt về ổn định chính trị cùng những điều kiện khác về dân số, địa lý, tài nguyên…
Tuy nhiên, cũng phải nói đến những khó khăn và thách thức vì Việt Nam hiện là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp. Tiếp đó là khung pháp lý và hành lang chính sách chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ cũng chưa đồng bộ, chưa có nền tảng cho công nghiệp công nghệ cao. Và cũng phải kể đến là đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ và sáng tạo; đào tạo nhân lực chưa thức sự được quan tâm, có tỷ lệ đầu tư con thấp so với nhiều nước.
Nguồn nhân lực công nghệ cao cũng còn thiếu. Giáo dục và đào tạo chưa theo kịp với các chuẩn quốc tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước với chuyển đổi số. Cũng phải kể đến thực tế về thói quen bảo thủ, lạc hậu, ngại thay đổi về công nghệ, cách làm. Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ cao còn thấp. Cuối cùng là việc triển khai các chủ trương, chính sách mới chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ.
Vì thế, để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Thắng cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 và đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng là Chính phủ phải là khách hàng lớn nhất cho các dự án về ứng dụng công nghệ 4.0, cung cấp dịch vụ công của chính phủ điện tử, triển khai các ứng dụng về đô thị thông minh… Trong quá trình này, các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước xây dựng, phát triển cần được ưu tiên sử dụng.
Đương nhiên, giáo dục cũng sẽ phải đổi mới toàn diện căn bản từ phổ thông đến đại học và sau đại học. Trong đó, tiếng Anh cần là ngoại ngữ bắt buộc với mọi bậc học để giúp mọi đối tượng dễ tiếp cận với quốc tế…
3 chữ M: Doanh nghiệp luôn sẵn sàng
ông Nguyễn Đình Thắng nói rằng các doanh nghiệp cần phải có 3 chữ M
|
Chuyển đổi số là một quá trình nhanh hay chậm, thành công hay thất bại là tùy thuộc vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia và tiên quyết là vai trò của người lãnh đạo. Chuyển đổi số ở Việt Nam muốn thành công thì vai trò, trách nhiệm, quyết tâm cùng sự quyết liệt của Đảng và Chính phủ là điều kiện tiên quyết.
Để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đình Thắng đưa ra quan điểm cần đáp ứng điều kiện 3M: Đó là Muốn: Thể hiện mong muốn, khát vọng; Mần: Phải làm ngay, máu lửa, quyết liệt và Money: Tiềm lực để thực hiện.
Với doanh nghiệp, họ có đủ cả 3 chữ M này và về phía Chính phủ thì vấn đề là tạo cơ chế thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiên ngay, làm mũi nhọn đột phá và kéo theo các lĩnh vực khác trong chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đình Thắng cũng đề cập việc doanh nghiệp phải tích cực đổi mới vì những lợi ích sống còn của chính họ. Tuy nhiên, khung pháp lý của Nhà nước phải kiến tạo, mở đường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hạn chế được rủi ro về pháp lý. Vì thế, rất cần chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Quan trọng nhất là cho phép thử nghiệm sản phẩm mới còn vướng về pháp luật, chưa có hoặc chưa phù hợp với đổi mới, sáng tạo. Còn trên phương diện quốc gia, Chính phủ phải đầu tư thỏa đáng để xây dựng hạ tầng công nghệ dùng chung vì đây là việc mà chỉ có Nhà nước mới làm được.
Lĩnh vực tài chính – ngân hàng có thể làm ngay
Trên cương vị Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định là tài chính - ngân hàng đã xác định phải chuyển đổi số vì cấp bách và sống còn của từng ngân hàng. Ưu điểm là các ngân hàng có tiềm lực đầu tư công nghệ mới để chuyển đổi số mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Chuyển đổi số của ngân hàng cũng tác động ngay và trực tiếp đến quy luật Tiền - Hàng - Tiền thông qua vai trò tín dụng, thanh toán, quản lý tài chính sẽ tác động đến mợi lĩnh vực: quản lý nhà nước, dịch vụ công, tín dụng, thanh toán, sản xuất, vận chuyển phân phối, thương mại, tiêu dùng, các hệ sinh thái, nhận thức… Vì thế, chính các ngân hàng có thể làm ngay và nhanh chóng có kết quả với hiệu ứng lan truyền.
Để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số với tài chính - ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành ngay khung pháp lý về chuyển đổi số riêng với ngân hàng số, ví điện tử, cổng thanh toán số; hệ thống/mạng lưới đại lý dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để xác thực nhân thân người đăng ký dịch vụ hay sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Cũng cần có chính sách, quy định cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích các ngân hàng ứng dụng công nghệ cho vay tiêu dùng trực tuyến với lãi suất không vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước để nâng cao đời sống, tiêu dùng của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển và hạn chế được tín dụng đen.
Để làm được việc đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các ngân hàng được thử nghiệm (sandbox) phát triển mạng lưới dịch vụ nạp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử mọi lúc, mọi nơi có cộng đồng dân cư để người dân được sử dụng dịch vụ Ngân hàng Số và thanh toán không dùng tiền mặt (có hạn mức tài khoản ví điện tử và phương án phòng ngừa rủi ro). Bên cạnh đó, cũng cần nới rộng hạn mức tiêu dùng trên ví điện tử chưa định danh. Cũng cần thử nghiệm các kênh nạp tiền vào tài khoản và ví điện tử và các thanh toán không dùng tiền mặt mà ví dụ cụ thể là có thể nạp từ tài khoản của thuê bao điện thoại di động. Mặt khác, cũng cần mở rộng thanh toán ví điện tử với Kiều hối và cả với công dân Việt Nam khi ở nước ngoài để tạo thuận lợi cho Việt kiều chuyển tiền cho thân nhân và cho công dân Việt Nam khi chi tiêu cá nhân ở nước ngoài mà không cần phải đổi tiền của mình sang ngoại tệ.
Cuối bài tham luận, ông Nguyễn Đình Thắng một lần nữa khẳng định doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng có thể đi tiên phong trong chuyển đổi số và là nhân tố đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Điều kiện tiên quyết với họ là Chính phủ cần tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình này với doanh nghiệp.