Những giải pháp tình thế
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa có văn bản gửi HOSE, HNX và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX.
Cụ thể, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.
SSC yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.
Ở một hướng đi khác, HOSE đang tham khảo thông lệ quốc tế và lấy ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả của việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Lê Hải Trà – tân Tổng Giám đốc HOSE – cho rằng việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch, đồng thời có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Mặt khác, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Tân Tổng Giám đốc HOSE nhấn mạnh rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay.
Nâng lô giao dịch, ‘chuyển nhà’ một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX, là một số giải pháp tình thế nhằm giải quyết bài toán ‘tắc đường’ chứng khoán đang được truyền thông và cộng đồng nhà đầu tư bàn luận sôi nổi. Là các giải pháp tình thế, chúng không khỏi có những bất cập.
Phía cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ tối đa, song câu hỏi đặt ra là ai sẽ tình nguyện ‘chuyển nhà’, chấp nhận xáo trộn vì lợi ích chung (?!). Chưa kể, việc lấy ý kiến đại hội cổ đông cũng có thể kéo dài nhiều tháng, thời gian càng kéo dài, tính tình thế của giải pháp sẽ không còn.
Trong khi đó, việc nâng lô cổ phiếu được cho là sẽ giải quyết tình trạng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, quy định mới có thể sẽ trở thành rào cản cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lượng tiền tối thiểu cho mỗi lần giao dịch đối với các cổ phiếu ‘blue – chips’ có thể lên tới vài chục, hoặc vài trăm triệu đồng.
“Thị trường trở nên sôi động, thanh khoản tăng vọt so với trước đây là bởi sự tham gia của các nhà đầu tư mới, ‘nhà đầu tư F0’. Nếu nâng lô cổ phiếu, thị trường nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh mạnh khi lớp nhà đầu tư mới trở nên chán nản do không thể giao dịch, rút vốn ra khỏi thị trường và rót vào kênh đầu tư khác” – một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán chia sẻ với VietTimes.
Sàn giao dịch KRX Trading System của Hàn Quốc |
Đâu là giảm pháp tình thế tối ưu nhất?
Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI cho rằng giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này.
“Đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động. Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi!” – ông Hưng nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch SSI, việc nâng lô cổ phiếu “giống như cần trị bệnh phải uống thuốc thì mục tiêu chính là giảm bệnh và phải chấp nhận các phản ứng phụ của thuốc!”. Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều.
Trao đổi với VietTimes, một nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm cho biết việc xây dựng, hay ‘nhập’ một hệ thống giao dịch mới về Việt Nam sẽ không dễ thực hiện trong thời gian ngắn do những đòi hỏi “rất khó” về kỹ thuật.
Với kinh nghiệm nhiều năm giao dịch ở thị trường quốc tế, vị chuyên gia nêu trên chia sẻ rằng các sàn giao dịch sẽ tạm dừng khi xảy ra lỗi trên hệ thống, thay vì để nghẽn lệnh.
“Về cơ bản, nếu có tình trạng nghẽn lệnh sẽ tạo cơ hội trục lợi cho một nhóm nào đó, khi một nhóm vẫn giao dịch được trong khi các nhà đầu tư khác không thể làm gì. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa các nhà đầu tư” – vị này phân tích. Bên cạnh đó, việc tạm ngừng giao dịch cũng hiếm khi xảy ra, và sau các sự cố, lãnh đạo sàn thường sẽ bị kỷ luật rất nặng, thậm chí phải từ chức.
‘Càng để lâu càng thiệt hại’
Chia sẻ với VietTimes, nhiều môi giới chứng khoán cho biết tình trạng nghẽn lệnh khiến chiến lược giao dịch của khách hàng bị đảo lộn.
Trước đây, nhà đầu tư có thể mua sáng, bán chiều trên số cổ phiếu có sẵn (available for sell) để tối ưu lợi nhuận, thì giờ đây phương án này bớt khả thi.
"Tình trạng nghẽn lệnh khiến giá đóng cửa không còn phản ánh đúng diễn biến thực tế trong phiên, gián tiếp tạo ra ảnh hưởng về giá và tâm lý cho nhà đầu tư. Lệnh nghẽn đã nhiều tháng nhưng HOSE chưa có phương án giải quyết kịp thời, có những phiên thị trường điều chỉnh sâu, không thể bán, gây tổn thất rất lớn. Càng để lâu càng thiệt hại” – một nhà đầu tư không giấu nổi sự bức xúc cho biết./.