Wall Street, con đường trải dài tám ô phố tại thành phố New York, là khu vực tập trung trụ sở nhiều sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ bao gồm NYSE, NASDAQ, AMEX, NYMEX và NYBOT. Ở đây, không khí làm việc luôn sôi nổi và bận rộn đến mức những người làm việc tại đây mô tả “không có thời gian cho bữa trưa”, dù được chuẩn bị khá thịnh soạn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động mua bán chứng khoán cũng diễn ra thông suốt. Trên thực tế, việc tạm ngưng giao dịch (trading halt) diễn ra hầu như mỗi ngày, với nhiều lý do, quy mô, thời gian và tầm ảnh hưởng khác nhau. Lịch sử về những lần tạm ngưng hoạt động có thể dễ dàng tra cứu trên website của các sàn giao dịch như NYSE hay NASDAQ.
Các trường hợp tạm ngưng giao dịch
Theo định nghĩa trên trang investopia, 'trading halt' là sự tạm ngưng giao dịch đối với một hoặc nhiều chứng khoán cụ thể trên một hoặc nhiều sàn giao dịch. Việc tạm dừng này thường được tiến hành trước khi một tin tức kinh doanh quan trọng được phổ biến rộng rãi, để điều chỉnh trục trặc kỹ thuật hoặc các tình huống đặc biệt hay quy định luật pháp.
Có thể tạm phân loại bốn trường hợp tạm ngưng giao dịch như sau:
1. Tạm ngưng do tin tức (news halt)
Loại tin tức có khả năng kích hoạt tạm ngưng giao dịch là những sự kiện có thể tác động mạnh mẽ và quan trọng đến giá những cổ phiếu nhất định, có thể được chính doanh nghiệp liên quan đến cổ phiếu đó đề nghị thực hiện, chẳng hạn việc công bố báo cáo kết quả kinh doanh, thay đổi cấu trúc hay nhân sự trong công ty, các phê duyệt của chính phủ hay phán quyết pháp lý liên quan, v.v.
Trường hợp tạm dừng này nhằm mục đích để nhà đầu tư có thời gian nghiên cứu về tác động của tin tức trước khi ra quyết định. Thời gian có thể kéo dài từ 15 phút hay đến cuối ngày giao dịch tùy vào lý do và thời điểm bắt đầu tạm ngưng.
2. Tạm ngưng do biến động giá (volatility halt)
Trường hợp này xảy ra với từng loại cổ phiếu riêng rẽ. Việc đứt mạch này xảy ra khi giá giao dịch tăng hoặc giảm đột ngột vượt quá biên độ chấp nhận (acceptable trading price range – ATPR) trong vòng 15 giây. Biên độ này được tính theo giá trung bình năm phút giao dịch trước đó.
Mỗi cổ phiếu có một mức biên độ ATPR khác nhau. Ví dụ gần đây nhất về một cổ phiếu có sự biến động giá dẫn đến tạm ngưng giao dịch là trường hợp của GameStop (GME) mới nhất với ba lần tạm ngưng liên tiếp với tổng thời gian 15 phút ngày 25/2/2021.
3. Tạm ngưng do tuân thủ (compliance halt)
Trường hợp tạm ngưng này do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Cơ quan Quản lý Công nghiệp Tài chính (FINRA) hoặc các sở giao dịch chứng khoán (NYSE, AMEX và NASDAQ).
Cổ phiếu một công ty có thể bị tạm ngưng giao dịch vì bất kỳ vấn đề không tuân thủ nào, chẳng hạn như gian lận, không nộp hồ sơ, hủy niêm yết hay được yêu cầu bổ sung thông tin. Đây là trường hợp tạm ngưng có thể dẫn đến thiệt hại cho cổ đông vì hàm ý hoặc cáo buộc gian lận trong hoạt động kinh doanh của công ty đó.
4. Ngắt mạch tự động (trading curb hay circuit breaker)
Đây là trường hợp tạm ngưng tự động diễn ra trên toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ khi các chỉ số tiêu chuẩn như S&P500 hay DJIA (Chỉ số Công nghiệp Trung Bình Dow Jones) sụt giảm dưới tỉ lệ phần trăm định trước so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) ban hành quy chế ngắt mạch trên toàn thị trường để ngăn chặn việc bán tháo cổ phiếu dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán như từng xảy ra ở sự kiện “ngày Thứ Hai đen tối” 19/10/1987 (chỉ số Dow Jones giảm 22,6%).
Có ba mức định trước của các chỉ số tiêu chuẩn sẽ kích hoạt ngắt mạch tự động bao gồm:
- Cấp độ 1: ngắt mạch khiến toàn bộ giao dịch trên các sàn chứng khoán tạm ngưng trong 15 phút nếu từ 9 giờ 30 phút đến 15 giờ 24 phút (múi giờ EST) mà chỉ số S&P 500 giảm 7% so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó.
- Cấp độ 2: toàn bộ giao dịch trên các sàn chứng khoán tạm ngưng trong 15 phút nếu từ 9 giờ 30 phút đến 15 giờ 24 phút (múi giờ EST) mà các chỉ số tiêu chuẩn giảm 13% so với giá chốt phiên giao dịch trước đó. Nếu biến động giá trị rơi vào ngưỡng từ 7 – 13% sau 15 giờ 24 phút (EST), thị trường sẽ tiếp tục hoạt động trở lại cho đến giờ chốt phiên 16:00 (EST)
- Cấp độ 3: toàn bộ giao dịch trên các sàn chứng khoán tạm ngưng cho đến giờ chốt phiên 16:00 (EST) nếu chỉ số S&P500 giảm 20% so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó.
Việc ngắt mạch tự động này cực kỳ hy hữu và gắn liền với nỗi bất an về suy thoái kinh tế trên diện rộng. Từ khi được ban hành, cơ chế này chỉ được kích hoạt một lần vào ngày 27/10/1997 do lo sợ trước khủng hoảng tài chính châu Á “tom yum kung”, và bốn lần liên tục vào ngày 9, 12, 16 và 18 tháng Ba năm 2020 trước phản ứng với mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Ngoài bốn trường hợp trên, còn có các tình huống bất khả kháng buộc các sàn giao dịch Mỹ phải tạm ngưng hoạt động như sự cố kỹ thuật ngày 8/7/2015 khiến sàn NYSE đóng băng gần bốn giờ đồng hồ hay vụ khủng bố 11/9/2001 khiến trụ sở của NYSE phải đóng cửa sơ tán.
Nguồn tham khảo:
https://centerpointsecurities.com/stock-market-halts/
https://www.nyse.com/trade-halt-historical
https://nasdaqtrader.com/trader.aspx?id=TradingHaltHistory
https://www.investopedia.com/terms/t/tradinghalt.asp
https://graphics.reuters.com/USA-MARKETS/0100B5L144C/index.html
https://www.theguardian.com/business/2015/jul/08/new-york-stock-exchange-halts-trading
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu