Ông Doanh nhấn mạnh đến các khó khăn nhiều bề mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang phải đối diện: “Tôi thấy năm 2016 là năm có bước ngoặt với Việt Nam về nhiều mặt. Chưa có Chính phủ mới nào mới lên mà dồn dập gặp nhiều khó khăn như Chính phủ này. Từ Formosa, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…”.
“Nhưng cũng rất mừng là Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách lớn và kịp thời. Đã có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập trong năm, rồi rất nhiều chính sách quyết liệt trong công tác tái cơ cấu nền kinh tế”, vị chuyên gia đánh giá.
Bổ sung thêm cho quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đồng tình rằng, năm 2016 là một năm rất đặc biệt, không chỉ trong mà cả ngoài nước.
“Đây là năm mà chúng ta vừa thay đổi bộ máy lãnh đạo của đất nước. Trong khi các yếu tố địa chính trị ở khu vực và quốc tế tác động vào nền kinh tế kinh khủng nhất, thiên nhiên thử thách chúng ta nhiều nhất”, ông Kiên nói.
Nông nghiệp mong manh!
Lấy ví dụ từ tác động của biến đổi khí hậu tới lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Đức Kiên dẫn giải: “Biến đổi khí hậu chúng ta không tự gây ra. Nhưng tình trạng ngập mặn, công bằng mà nói, một phần nguyên do đến từ việc chúng ta xử lý chưa tốt các quan hệ địa chính trị. Các nước thượng nguồn sông Mekong ngăn nước lại nên áp lực ở cửa sông nhỏ, ngập mặn là tất yếu.
Khi nhìn lại cơ cấu của nền kinh tế, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp mất ổn định và mong manh đến thế. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, phát triển nông nghiệp là âm 0,1%, nhưng từ tháng 7, mưa thuận gió hoà, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%”.
“Như vậy có thể thấy, nền kinh tế bất định phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện tự nhiên. Nói là thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá, nhưng bản thân cơ cấu không thay đổi nhiều. Nông nghiệp đóng góp 17-18% GDP của năm 2016. Với đóng góp như thế mà tác động như vậy thì phải thấy cơ cấu nền kinh tế còn nhiều việc ngổn ngang”, vị lãnh đạo đến từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội đúc rút.
Đặt nền kinh tế Việt Nam bên cạnh các nền kinh tế khác trong khu vực, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đánh giá: “So với các nước ASEAN, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức nhưng tăng trưởng của chúng ta khá tích cực”.
Tuy vậy, GS. Nguyễn Mại cũng dẫn chứng về câu chuyện tỷ giá để góp ý với nhà điều hành: “Tôi tán thành với việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt. Nhưng phải nói rằng, những doanh nghiệp xuất khẩu năm 2016, đặc biệt xuất khẩu sang khu vực đồng euro, yen Nhật bị thiệt hại ghê gớm do USD lên giá, VNĐ giữ giá. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ vì tỷ giá”.
Ông Mại khuyến nghị nhà điều hành nên cân đối chính sách tỷ giá và lợi tức: “Tôi cho rằng cơ quan quản lý khi thực hiện kiểm soát tỷ giá thì cũng nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này. Nhất là trong năm 2017, khi tỷ giá USD/EUR được dự báo có thể lên đến 1:1, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Làm ăn gì năm 2017?
Từ việc đánh giá thực tiễn kinh tế năm 2016, các diễn giả đã đề cập đến chủ đề chính của buổi tọa đàm: “Làm ăn gì năm 2017?”. Tất cả đều đồng tình, năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức nhưng chính trong thách thức cũng lại mở ra nhiều cơ hội.
“Làm ăn gì năm 2017? Theo tôi, trước hết phải thúc đẩy cổ phần hoá. Chứng khoán sẽ chứng kiến sự sôi nổi trong năm tới. Chính những khó khăn thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới. Cổ phần hoá có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch và sức ép lớn phải niêm yết - là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán”, TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận.
Ông Doanh cũng gợi ý hai lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đó là logistic – một lĩnh vực vốn đang có chi phí cao; và dịch vụ chăm sóc người già – trước thực trạng già hóa dân số.
Còn với TS. Nguyễn Đức Kiên, từ góc độ một người làm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, năm 2017, cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là “cực kỳ nhiều”.
Ông Kiên nhấn mạnh nhiều đến các cơ hội từ chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN của Chính phủ.
“Thoái vốn thì có nhiều đất tham gia vào ngành, lĩnh vực trước là lĩnh vực đặc thù của nhà nước. Phải đấu tranh thoái vốn Nhà nước thì để Nhà nước tối đa còn nắm 30%. Phải đối chiếu lại Luật Doanh nghiệp 2014 vì 30% có quyền phủ quyết 1 số yêu cầu của doanh nghiệp, Nhà nước vừa không mất quyền, vừa trao lại quyền cho doanh nghiệp. Nếu như vậy, thứ nhất, nhiều lĩnh vực có thể mở ra”, Phó Chủ nhiệm UBKTQH gợi ý.
Bên cạnh đó, theo ông Kiên, lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến gần như chưa ai khai phá; Các hiệp định FTA chúng ta ký kết cũng là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước; Còn một số ngành khác như du lịch, khách sạn, lữ hành thì Việt Nam có thể chủ động tác động, và là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay.
Với góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, GS. TSKH Nguyễn Mại nhắn nhủ: Khảo sát trong những năm gần đây, số vốn đăng ký và vốn thực hiện đã gần sát nhau, như năm 2011 đăng ký 18 tỷ USD thì thực hiện được 11 tỷ USD, chênh lệch không quá nhiều, có nghĩa là người ta xin được dự án thì sẽ thực hiện. Chắc chắn 2017 chúng ta có thể thực hiện được thêm 10% của 16 tỷ USD trong năm 2016.
“Sang đến năm 2017, có lẽ yếu tố quyết định nhất chính là chúng ta. Thủ tướng đã nói rằng “đã nói là phải làm”. Xin Chính phủ nói là làm, đừng nói thế này mà làm thế khác, rất nguy hiểm”, ông Mại nói./.