Từ ngày 11-13/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa đã họp kỳ thứ 7 nhiệm kỳ 2021-2026 đánh giá toàn diện các mục tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm và quyết định những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2022.
Bước vào năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, song, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa dự kỳ họp thứ 7 |
Dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 ở Thanh Hóa thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Giang và Bắc Ninh).
Các lĩnh vực kinh tế của Thanh Hóa tiếp tục phát triển; nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng khá cao so với cùng kỳ và kế hoạch cả năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm tăng 36,06%. Thu ngân sách nhà nước (xấp xỉ 28.000 tỉ đồng) gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá so với kế hoạch và cao hơn cùng kỳ, trong nhóm các tỉnh, thành phố giải ngân nhanh nhất cả nước.
Văn hóa – xã hội tiếp tục có chuyển biến; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới và đạt kết quả tích cực.
Những kết quả đạt được nêu trên là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình chung đang có nhiều khó khăn. Song, so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa, kết quả trên vẫn chưa đạt được mong đợi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Đáng chú ý là: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước, thấp hơn kế hoạch và thấp hơn bình quân chung cả nước; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn chậm; kết quả giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án sử dụng đất còn thấp so với kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công của một số ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, SIPAS) năm 2021 giảm so với năm 2020, một số chỉ số thành phần đứng thứ hạng thấp.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mặt chuyển biến chậm. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số địa phương, đơn vị; tiến độ tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế; năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…
Các dự án trên địa bàn Thanh Hóa đang khẩn trương thi công, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công |
Tại kỳ họp, một số lĩnh vực được cử tri và nhân dân Thanh Hóa quan tâm đã được các đại biểu chất vấn: Nhiều dự án chậm tiến độ (164 dự án, 21 dự án đã được thu hồi, 143 dự án chưa thu hồi. Trong số 143 dự án này có 88 dự án đã được gia hạn, số còn lại đang được xem xét, nếu không đủ điều kiện sẽ thu hồi...); tình hình thiếu giáo viên ở các cấp học và tình trạng dạy thêm học thêm vẫn tràn lan; việc thiếu trang thiết bị vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở do tâm lý e ngại bị kiểm tra, thanh tra, cũng như nhiều nhân viên y tế, bác sĩ bỏ việc (206 người) vì áp lực...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại kỳ họp |
Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nêu quyết tâm của địa phương này trong năm 2022 là "dứt khoát giải ngân 100% vốn đầu tư công". Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 11.000 tỉ đồng. Đến hết tháng 6/2022, Thanh Hóa đã giải ngân được được gần 4.700 tỉ đồng vốn đầu tư công thộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân cao của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm "sau ngày 30/8, chúng tôi sẽ tổng rà soát, dự án nào chậm giải ngân sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác..."
Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn cũng dành thời gian giải trình các ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri gửi đến kỳ họp thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh...