Đó chính là lý do để dù bận rộn với công việc điều hành doanh nghiệp phần mềm đầu tiên chạm mốc doanh thu 200 triệu USD, nhưng anh vẫn nhận lời làm giảng viên doanh nhân cho Viện Quản trị Kinh doanh FSB.
Ngoài cương vị Chủ tịch FPT Sofware, anh Hoàng Nam Tiến còn là giảng viên được yêu thích của các chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA, MiniMBA và những khóa nâng cao năng lực lãnh đạo cho doanh nhân trẻ tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB. Anh luôn được các học viên nhận xét là sẵn sàng trút cạn bầu kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế 30 năm hoạt động trên thương trường nhằm giúp học viên tích lũy tri thức, vững vàng hơn trên thương trường.
Dạy học là truyền thống gia đình
- Nhiều người chóng mặt khi nhìn lịch làm việc của anh, nhưng anh vẫn dành thời gian đi dạy. Lý do là gì, thưa anh?
- Đối với tôi, đi dạy cũng chính là đi học. Tôi học được nhiều thứ, từ việc phải hệ thống lại kiến thức, tìm hiểu những kiến thức mới để chuẩn bị bài giảng, đến việc kiểm nghiệm và xâu chuỗi lại những bài học thành công, thất bại của chính mình trên thương trường. Nếu không đi dạy thì chắc tôi chẳng có cơ hội thực hiện những điều đó.
Hơn nữa, tôi cũng học được từ chính những học viên của mình. Các học viên của chương trình Thạc sỹ quản trị Kinh doanh FeMBA của Viện Quản trị kinh doanh FSB hầu hết là các nhà quản trị doanh nghiệp trẻ đầy tinh thần dấn thân, cầu tiến. Những vấn đề trong doanh nghiệp của họ đều là những bài học thực tế có giá trị, muôn màu muôn vẻ mà không một sách vở nào đề cập hết được. Những câu hỏi của họ luôn khiến tôi phải tư duy sâu sắc hơn với chính trải nghiệm của bản thân.
Dạy học cũng là một truyền thống của gia đình, có vẻ như đã ngấm vào tôi một cách tự nhiên. Ba tôi ngoài thời gian dài cầm súng chiến đấu tại chiến trường thì ông còn là một nhà giáo, một người viết sách nghệ thuật quân sự. Có một câu nói của bác Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) rất ảnh hưởng đến tôi: “N ếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”.
Song, thực sự, giảng dạy là công việc đầy áp lực. Đầu năm nay, tôi phải sắp xếp công việc để theo học khoá nghiên cứu sinh tại Nhật Bản để có thể theo đuổi công việc này lâu dài.
- Những bài học trên thương trường có khi phải trải qua hàng chục năm mới tích lũy được và là bí kíp riêng của mỗi người. Vì sao anh sẵn sàng chia sẻ hết với học viên?
- Tôi không được đào tạo để làm giảng viên, nhưng hễ cứ nghĩ đến việc những kinh nghiệm mình tích lũy được bằng vô số bài học thất bại có, thành công có, mà không chia sẻ được với các bạn trẻ tôi lại có cảm giác rất bức bối.
Tôi không có lý do gì để giữ những bí kíp có thể hữu ích với các bạn doanh nghiệp trẻ cho riêng chúng tôi, ngược lại tôi thực sự mong muốn Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp mạnh. Khi đi ra ngoài, cạnh tranh với các công ty Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…chúng tôi mới thấm thía rằng, giá như Việt Nam có nhiều công ty mạnh cùng chung sức thì khả năng cạnh tranh của chúng ta sẽ tốt hơn biết bao nhiêu.
- Anh làm thế nào để những kiến thức quản trị khô cứng hấp dẫn người học?
- Tôi đặt mục tiêu sau mỗi bài giảng, các bạn đều có gì đó để mang về. Tôi thừa nhận là tôi mạnh về thực tiễn hơn lý thuyết, chính vì vậy, trước mỗi bài giảng, tôi phải đọc nhiều tài liệu, chắt lọc những kiến thức phù hợp với thực tiễn tôi đã trải qua.
Có thể vì thế mà các bạn thấy hấp dẫn chăng, vì thành thực mà nói học từ thực tế bao giờ cũng thú vị hơn sách vở.
Ngoài ra, tôi cũng là người khá cầu toàn, tôi cho rằng bài giảng hiệu quả ngoài kiến thức tốt thì phương pháp truyền đạt cũng góp phần không nhỏ. Tôi cũng có thời gian dài làm nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ cơ thể (body language), và rất hứng thú với môn học tâm lý lãnh đạo. Khi áp dụng những kiến thức này vào việc giảng dạy, tôi thấy có thể tạo ra sự tập trung, thích thú, kích thích học viên học tập hiệu quả.
Thành công khó tái lập nhưng học thất bại để tránh
- Anh có chia sẻ từng đọc cả 3 cuốn sách về chiến lược cạnh tranh chỉ để tóm gọn lại một trang trình bày đến học viên. Đâu là động lực để anh dành nhiều tâm huyết truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ?
- Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình khi theo các khóa học Executive ngắn hạn dành cho doanh nhân tại trường Wharton và Insead, tôi thấy rằng, thực tế mà không có phương pháp luận thì sẽ rất mất thời gian để mày mò, nhưng lý thuyết thiên về học vấn mà thiếu tình huống thực tế thì sẽ không giúp được nhiều cho các doanh nhân trong thực tiễn kinh doanh.
Chính vì vậy, trước mỗi bài giảng của mình, tôi luôn suy nghĩ học viên cần điều gì, làm cách nào truyền đạt cả kiến thức bài bản, chuẩn mực, mới nhất trên thế giới kết hợp thực tế tại đơn vị nơi tôi đang công tác đến họ. Tôi thường dành nhiều thời gian để soạn giáo án, nhiều khi đọc cả 3 cuốn sách về chiến lược cạnh tranh của Michael E. Porter chỉ để tóm gọn lại một trang ý chính yếu để trình bày đến học viên. Tôi sẽ chỉ ra cho học viên lý thuyết đó được ứng dụng vào thực tế được không, có gì hay và thậm chí là có gì dở, có gì mà thực tế còn hay hơn cả lý thuyết… theo góc nhìn và kinh nghiệm của tôi.
- Anh thường chia sẻ với học viên những bài học thất bại hơn thành công. Lý do vì sao?
- Thành công thì rất khó học tái lập. Thất bại chúng ta có thể học được để tránh.
Những bài học thất bại tôi thường chia sẻ với các học viên là những quyết định đầu tư sai lầm của chúng tôi vào những ngành không phải là cốt lõi, là thế mạnh cạnh tranh của mình như bất động sản, ngân hàng, game online…
Những bài học tình huống (case study) này rất đặc thù với phương thức quản trị kiểu Việt, có lẽ các trường Tây sẽ không dạy các học viên được.
- Anh tìm thấy niềm vui gì trong những bài giảng?
- Ngoài những giá trị về kiến thức như tôi đã chia sẻ ở trên, việc đi dạy còn mang lại cho tôi nhiều giá trị về tinh thần, cảm xúc.
Đó là cảm xúc trọn vẹn khi mình được chia sẻ với các bạn trẻ, là nguồn cảm hứng được đặt mình trong các thách thức của kiến thức rộng lớn, là sự thanh thản khi được sống trong môi trường sư phạm.
Chính vì vậy mà tôi đã xác định sẽ tiếp tục theo đuổi nghề giảng dạy ngay cả khi dừng công việc điều hành.
Thêm một điều nữa khiến việc giảng dạy giúp cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn, đó là tôi cùng một số bạn bè doanh nhân nhận các chương trình nói chuyện trên truyền hình, giảng dạy tại Viện quản trị Kinh doanh FSB để góp thêm kinh phí vào một quỹ từ thiện. Quỹ này kết hợp cùng các bác sĩ từ Australia, Nhật… thực hiện các chương trình thiện nguyện hàng năm.
Xin cảm ơn anh!