Chủ đầu tư Khu du lịch Cổng trời Đông Giang có vi phạm Luật Di sản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong quá trình xây dựng Khu du lịch Cổng trời Đông Giang, chủ đầu tư đã xâm hại và làm thay đổi hiện trạng Di tích lịch sử Hang Gợp. Vậy hành vi này có vi phạm Luật Di sản 2013?
Di tích lịch sử Hang Gợp được chủ đầu tư FVG khai thác sử dụng làm khu du lịch Cổng Trời Đông Giang
Di tích lịch sử Hang Gợp được chủ đầu tư FVG khai thác sử dụng làm khu du lịch Cổng Trời Đông Giang

Ngày 31/8/2008, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định công nhận và xếp hạng Dốc Gợp (còn gọi là Hang Gợp, Cổng trời) là Di tích Lịch sử cấp tỉnh của huyện Đông Giang. Với việc công nhận này, Di tích Lịch sử Hang Gợp bị điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hoá năm 2013 (số 10/VBHN-VPQH, ngày 23/7/2013) và các hành vi xâm phạm đối với di tích là hành vi nghiêm cấm.

Luật Di sản nói gì về bảo vệ di tích lịch sử?

Theo Điều 13, Luật Di sản văn hoá năm 2013 (gọi tắt là Luật Di sản 2013) quy định: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;

3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

4. Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài;

5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật”.

Tại Điều 12, Luật Di sản 2013 cũng quy định: “Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích:

1. Phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội;

2. Phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

3. Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.”

Di tích lịch sử Hang Gợp trước đây (ảnh trái) và sau khi được Tập đoàn FVG đầu tư (ảnh phải) xây dựng Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang

Di tích lịch sử Hang Gợp trước đây (ảnh trái) và sau khi được Tập đoàn FVG đầu tư (ảnh phải) xây dựng Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang

Không những vậy, việc bảo vệ di tích được Luật Di sản năm 2013 quy định rất rõ tại Điều 32. Cụ thể: “1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:

a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.

Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.”.

Ai chịu trách nhiệm khi di tích bị xâm hại?

Luật Luật Di sản năm 2013 cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích. Cụ thể, tại Điều 16 nêu: "Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa.

2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa.

3. Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa.

5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.".

Dòng suối Bhơm Lom, một bộ phận cấu thành cùng Di tích Lịch sử Hang Gợp được chủ đầu tư bê tông hoá 2 bên bờ và đổi tên thành sông Ngân để khai thác du lịch
Dòng suối Bhơm Lom, một bộ phận cấu thành cùng Di tích Lịch sử Hang Gợp được chủ đầu tư bê tông hoá 2 bên bờ và đổi tên thành sông Ngân để khai thác du lịch

Đặc biệt, vấn đề về trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác quản lý, sử dụng di tích cũng được Luật Di sản năm 2013 nêu rõ tại các điều 33, 34 và 36. Cụ thể, điều 33 quy định:

"1. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch nơi gần nhất.

2. UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.

3. Bộ VH-TT và Du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

4. Các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có tiêu chí như quy định tại Điều 28 của Luật này, đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật này. Ít nhất 5 năm một lần, UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát và quyết định đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích của địa phương các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích.”

Điều 34 cũng nêu rõ:

"1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch;

c) Công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích.

2. Tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch ban hành quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này."

Một góc Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư tại khu vực di tích lịch sử Hang Gợp

Một góc Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư tại khu vực di tích lịch sử Hang Gợp

Tại Điều 36 của Luật Di sản năm 2013 cũng quy định: "1. Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này có đề nghị thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan và những yêu cầu cụ thể về bảo vệ di tích để chủ đầu tư lựa chọn các giải pháp thích hợp bảo đảm cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

3. Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở nơi có ảnh hưởng tới di tích có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó."

Như VietTimes đã phản ánh, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang do Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư. Dự án được thiết kế xây dựng nhiều hạng mục, trong đó có các hạng mục xây dựng công trình phục vụ lưu trú khoảng 100.000 khách/năm; tầng cao xây dựng từ 1 - 5 tầng... Trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư đã xâm hại thô bạo di tích lịch sử Hang Gợp, thay đổi hiện trạng di tích này bằng những công trình nhân tạo đục đẽo trên thân di tích cùng con đường bê tông xuyên thẳng vào cảnh quan; dòng suối Bhơm Lom còn bị bê tông hoá, thu hẹp dòng chảy, đổi tên và hàng loạt công trình kiến trúc ngoại lai chia cắt...

Phù điêu hình rồng và chữ được chủ đầu tư khắc tạc và thân Di tích lịch sử Hang Gợp

Phù điêu hình rồng và chữ được chủ đầu tư khắc tạc và thân Di tích lịch sử Hang Gợp

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, dự án đã vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ rừng khiến dư luận quan ngại và Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ.

Gần nhất, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thực hiện nghiêm kết luận thanh tra về đất đai của Sở TN&MT tỉnh tại dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu công ty này tập trung hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của giai đoạn 1, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đối với diện tích đất được giao, cho thuê, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng và an ninh, trật tự tại địa phương; kịp thời phản ánh, kiến nghị trong quá trình sử dụng đất của đơn vị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.

Riêng đối với diện tích đất rừng tự nhiên trong phạm vi dự án, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý diện tích rừng tự nhiên trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang.

Như vậy, với những gì đang xảy ra đối với di tích lịch sử Hang Gợp, liệu chủ đầu tư dự án Khu du lịch Cổng trời Đông Giang có vi phạm Luật Di sản 2013 hay không và trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi cho phép chủ đầu tư xâm hại di tích như thế nào? - Câu trả lời thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và Bộ VH-TT và Du lịch.

Chiến thắng tại Dốc Gợp (Hang Gợp) đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 31/12/2008.

Cùng với quyết định này, trên địa bàn huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) còn có 2 di tích khác là Bờ sông A Vương (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ IV-tháng 1/1960) và di tích lịch sử Làng Đài (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà-tháng 1/1963).

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin…