Choáng với những khẩu hiệu, băng rôn "khó đỡ" trên phố

 Không chỉ vào các dịp lễ kỷ niệm mà ngày thường, khẩu hiệu, băngrôn cũng giăng mắc đầy trên phố. Sự hiện diện của những khẩu hiệu không chỉ mang tính tuyên truyền cho cộng đồng mà PR cho chính cửa hàng, sản phẩm do người dân “tự sản xuất” thực sự đáng báo động!
Một băngrôn “khó đỡ” được treo. Ảnh: T.L
Một băngrôn “khó đỡ” được treo. Ảnh: T.L

Tràn lan, ẩu tả

Không thể phủ nhận sự cần thiết của những khẩu hiệu trong một số trường hợp cụ thể, có tính thời điểm, cũng như có những khẩu hiệu đứng đắn, nghiêm túc. Nhưng đó chỉ là số ít trong số hàng loạt khẩu hiệu, băngrôn dễ dãi ở từ ngữ, viết sai chính tả thậm chí nực cười vì cách trình bày xuống dòng vô lối, như một nữ phóng viên Đài tiếng nói VN phát hiện ra trong chương trình “Điểm hẹn 17h” chiều 25.5.2015: “Mỗi gia đình có từ 1 đến 2 con vợ….(xuống dòng) …chồng hạnh phúc”; hay “Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun”; hoặc “Để có 2 miếng Bít Tết cần 15.000 lít nước” ở bên ngoài cửa một trường cấp 2.

Một băng rôn “lạ” xuất hiện trên đường phố Lạng Sơn (Ảnh: Dân Trí)
Một băng rôn “lạ” xuất hiện trên đường phố Lạng Sơn (Ảnh: Dân Trí)

Khẩu hiệu mang tính tuyên truyền cộng đồng do cơ quan quản lý văn hóa địa phương duyệt nhiều khi còn ẩu tả, chữ nghĩa thô sơ. Nói chi đến những băngrôn, khẩu hiệu do chính người dân tự làm để quảng bá cho nhà hàng, cửa hàng, sản phẩm của họ, từ cao cấp đến thấp cấp, từ giặt ủi, là hơi đến nhà nghỉ.

Một khẩu hiệu từng làm "dậy sóng" dư luận trong thời gian qua.
Một khẩu hiệu từng làm "dậy sóng" dư luận trong thời gian qua.
Thêm một khẩu hiệu, băng rôn "khó đỡ khác".
Thêm một khẩu hiệu, băng rôn "khó đỡ khác".

Vị trí treo khẩu hiệu, băngrôn cũng vô cùng tùy tiện. Từ mái nhà, cột điện, cây xanh, đường phố, tường gạch đến cổng cơ quan, thậm chí tường nhà vệ sinh cũng được tận dụng triệt để… Nhiều khẩu hiệu mang tính thời điểm nhưng quá hạn đã lâu mà vẫn được treo vô tư, thể hiện sự thiếu ý thức của nhà quản lý. Trường hợp đó rơi vào những khẩu hiệu treo vào dịp kỷ niệm, lễ lạt nhưng treo rồi, chả ai buồn gỡ xuống. Đó là chưa kể khẩu hiệu, băngrôn ở ta rất “sính” dùng màu đỏ - màu nóng thực sự gây nhức mắt, hại sức khỏe nhất là vào mùa nóng.

Khẩu hiệu treo nhiều, tùy tiện không những làm mất mỹ quan đường phố, khiến quy hoạch lộn xộn, du khách than phiền mà việc treo không đúng nơi đúng chỗ ở nhiều tuyến phố còn làm ảnh hưởng an toàn giao thông cho người dân…

Nâng cao ý thức

Việc bội thực khẩu hiệu, băngrôn làm người dân nhàm chán, thờ ơ với nó. Nhiều khẩu hiệu do người dân “tự biên tự diễn” cũng chưa được chính quyền sở tại, cơ quan quản lý văn hóa địa phương kiểm soát, thẩm định, mà nhiều khi coi đó là chuyện vặt, không nhìn thấy bức tranh tổng thể thành phố bị ảnh hưởng như thế nào từ những mảng màu vô lối nhức mắt như thế. Cần thực thi nghiêm khắc chế tài xử phạt cho những hộ dân tự tiện treo khẩu hiệu, băngrôn để quảng cáo cho cá nhân.

Hơn thế, việc treo quá nhiều băngrôn, khẩu hiệu cho thấy nhiều cơ quan quản lý còn nặng về bệnh hình thức, hô hào, nhắc nhở mà chưa đi vào nội dung thực chất. Họ chưa chú ý nâng cao ý thức tự giác của cộng đồng, chưa làm cho nhiều người dân thấy lợi ích thiết thực của những việc cần tuyên truyền.

Khi nhìn sang các nước láng giềng quanh ta, họ không cần quá nhiều khẩu hiệu như chúng ta, cũng chẳng dành nhiều tiền của vào chuyện hô hào, vận động mà nhiều khi công việc vẫn chạy bon.

Chi tiết về khẩu hiệu, biển báo từ nội dung, kích cỡ, địa điểm đã có trong quy định ở các cấp khác nhau, nhưng rõ ràng, việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập, khi vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người rằng: Chỉ là chuyện nhỏ!

Theo Lao động