Trong gần 50 năm qua, kể từ khi Trung Quốc trở thành một thành viên của cộng đồng thế giới, các nhà lãnh đạo kế nhiệm của nước này đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo toàn cầu tuyệt đối về thương mại, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa và quân sự.
Đến thời điểm này, nhiệm vụ đó đã gần như hoàn thành.
Mỹ và những nước khác, có thể đúng có thể sai, đều cáo buộc Trung Quốc đang áp đặt ý chí của mình lên phần còn lại của thế giới bằng mọi cách có thể. Họ đã sử dụng các con bài kinh tế, tài chính và ngoại giao để “nhào nặn” thế giới theo ý mình.
Chính quyền Bắc Kinh đã đồng hóa một cách có hệ thống các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới. Sáng kiến Vành đai và Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á được nước này thiết lập để kiểm soát sự phát triển kinh tế và các hoạt động thương mại, đồng thời thu hút đồng minh để đạt được mục tiêu và làm nhụt chí các đối thủ cạnh tranh.
Trung Quốc đã làm chủ các công nghệ chính yếu, thống lĩnh an ninh mạng, Internet và viễn thông, khiến tất cả đều phải xoay quanh tâm Trung Quốc. Cùng với đó, họ đã xây dựng được một lực lượng quân sự xuất sắc để đẩy mạnh các lợi ích của mình.
Nhiều người chỉ trích rằng Trung Quốc đã đạt được kế hoạch của mình bằng cách định nghĩa lại các nguyên tắc, giá trị, quy tắc và pháp quyền chính yếu của trật tự quốc tế tự do theo hướng có lợi cho mình. Nước này cũng bị chỉ trích vì làm lu mờ ranh giới giữa chính phủ, doanh nghiệp và quân đội.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố rằng tầm nhìn toàn cầu của họ là “quà tặng cho thế giới”.
Theo các nhà phê bình, dường như Trung Quốc không còn che giấu tham vọng của mình nữa và cũng không bận tâm đến uy tín mà nước này vốn từng quyết liệt giữ gìn.
Đã đến lúc Mỹ phản ứng lại Trung Quốc
Trong hai năm đầu nhiệm kỳ (2017-2018), Tổng thống Donald Trump, giống như những tổng thống trước đó, đã “hỗ trợ và tiếp tay” cho chương trình của Trung Quốc với một niềm tin rằng cuối cùng thì nước này sẽ tuân thủ các nguyên tắc của trật tự quốc tế để thúc đẩy thương mại tự do, pháp quyền, quy trình tố tụng công bằng và dân chủ hóa.
Cũng như những người tiền nhiệm của mình, ông Trump đã hoặc hiểu lầm hoặc phớt lờ sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một "siêu cường" toàn cầu. Thực tế là nhiều quốc gia chỉ tập trung thúc đẩy thương mại mà không lo ngăn chặn, cải cách hoặc đối đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei
|
Công bằng mà nói, rất có thể chính ông Trump đã tặng Trung Quốc một bệ phóng khi rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, vốn được thiết lập để gắn kết 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương với nhau nhằm làm suy yếu chân rết của Trung Quốc trong khu vực.
Trong hai năm qua, ông chủ Nhà Trắng đã nỗ lực đáng kể để xử lý tình trạng bất cân xứng thương mại với Trung Quốc - ông đã cố gắng điều chỉnh thông qua đàm phán, trừng phạt thuế quan và trừng phạt thương mại.
Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 đang đến gần, nhiều người băn khoăn liệu chính sách đối ngoại của TT Trump sẽ thay đổi như thế nào để giành chiến thắng nhiệm kỳ hai.
Một điều rõ ràng là ông Trump đang quyết liệt đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận. Một số người còn gọi các hành động của ông là một cuộc “Chiến tranh lạnh” mới.
Đại dịch Covid-19 và các cáo buộc
Ông Trump công khai chỉ trích những hành động của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19: Trung Quốc bị cáo buộc che giấu thông tin ban đầu; cung cấp thông tin sai lệch; ngăn cản nỗ lực kiểm soát dịch, và lợi dụng đại dịch để hưởng lợi.
Trước đó khi dịch mới nổ ra, chính ông Trump đã khen ngợi năng lực quản lý đại dịch của Trung Quốc. Bây giờ, ông lại tuyên bố rằng 190.000 người dân Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 là do lỗi của Trung Quốc.
Một điều có thể hiểu được là việc Trung Quốc vu cho Mỹ khơi mào đại dịch, sau đó kêu gọi các nước đứng về phía mình, đồng thời ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden làm Tổng thống đã đẩy ông Trump sang chiến tuyến đối lập với chính quyền Bắc Kinh.
Một ông Trump hừng hực quyết tâm lúc này đang nung nấu vấn đề Trung Quốc. Việc đẩy lùi Trung Quốc được coi là một “đề mục” chính trong cương lĩnh chính sách của chính quyền Mỹ, chỉ sau các vấn đề đại dịch, mở cửa lại nền kinh tế, và bạo loạn đô thị.
Trung Quốc là "mối đe dọa lớn" của Mỹ
Chính quyền TT Trump, trong “Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020”, vừa tuyên bố Trung Quốc là “mối đe dọa lớn” đối với Mỹ và trật tự quốc tế.
Không giống như các báo cáo trước đó trong 20 năm qua vốn chỉ dừng lại ở mức chỉ trích nhẹ nhưng không đáng báo động (“Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018”), báo cáo này đưa ra các dữ liệu và bằng chứng về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mang tên Trung Quốc. Bản báo cáo dường như là một lời kêu gọi tập trung lực lượng.
Mỹ tập trận trên Biển Đông. (Ảnh: AP)
|
Kể từ tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã thực hiện các chuyến thăm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, gồm các nước Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc và quốc đảo Palau để tăng cường cảnh báo về Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu quan trọng vào tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố: các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và Mỹ sẽ ủng hộ các yêu sách đối lập của các quốc gia Đông Nam Á”
Có lẽ, ông Trump đã lần đầu tiên thuyết phục được các quốc gia châu Âu đẩy lùi Trung Quốc. Pháp và Đức đã ban hành các tài liệu chính sách chỉ trích gay gắt Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho 27 quốc gia, hiện đang chuẩn bị đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc trong “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 của châu Âu”. EU vẫn là đồng minh “miễn cưỡng” của Mỹ với những bất đồng lớn về thương mại và an ninh.
Ông Trump tích cực củng cố lại liên minh quân sự với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc - cái gọi là Liên minh Tứ giác Kim cương – nhằm thiết lập một mặt trận thống nhất đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là dọc theo các tuyến giao thương trên biển, như đã được nêu rõ trong “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Chính quyền TT Trump cũng hậu thuẫn Ấn Độ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và Pakistan ở vùng lãnh thổ tranh chấp trên dãy Himalaya vào tháng 8 năm 2019 và tháng 9 năm nay khi đụng độ tiếp tục nổ ra.
Cạnh tranh quân sự Mỹ - Trung
Dưới thời chính quyền của TT Obama và Phó TT Biden, quân đội Mỹ bị cắt giảm mạnh lực lượng, ngừng các chương trình bổ sung quân số thiết yếu và chủ động không hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa.
Dưới thời chính quyền TT Trump và Phó TT Pence, quân đội đã được khôi phục để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu toàn cầu với quân số bổ sung, trang thiết bị mới cùng kho đạn dược và phụ tùng thay thế. Quân nhân cũng được tăng lương.
TT Trump đã khởi động chương trình hiện đại hóa tên lửa hạt nhân và bổ sung tên lửa tầm trung để đối đầu với Trung Quốc. Nước này từ chối tham gia cùng Mỹ và Nga trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mới, do đó Mỹ và Nga lại nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Ước tính, Trung Quốc có 320 đầu hạt nhân trong khi Mỹ đang sở hữu 5.800 (trong số đó có 2.000 đầu đạn đang tháo dỡ).
TT Trump cũng thành lập Lực lượng Không gian, một quân chủng mới trực thuộc Không quân Mỹ để đáp lại những tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh địa không gian.
Mỹ tăng cường phòng thủ ở Biển Đông
Theo “Báo cáo Trung Quốc 2020” của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện đang sở hữu lực lượng hải quân quy mô lớn hơn, số lượng tên lửa tầm trung nhiều hơn và các hệ thống phòng không tốt hơn Mỹ.
Lúc này, ông Trump đang phải đương đầu với chiến lược của Trung Quốc. Ông hiểu rằng Biển Đông là khu vực tranh chấp chính của các nước trong khu vực và của Mỹ bởi vì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục vũ khí hóa các hòn đảo, các rạn san hô và rạn đá ngầm, đồng thời cũng gia tăng thăm dò tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá thương mại bất hợp pháp và phủ nhận các hoạt động tuần tra quân sự trên biển.
Ảnh chụp từ vệ tinh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh ráo riết tiến hành quân sự hóa trong vài năm qua.
|
Vừa mới đây, Trung Quốc đã bắn hai tên lửa vào Biển Đông như một lời cảnh báo gửi tới Mỹ. Không hề bối rối, TT Trump cho tăng cường các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trên không và trên biển, với các màn biểu dương lực lượng lớn nhằm ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc trên các vùng biển. Mỹ cũng duy trì sự hiện diện hải quân ở quy mô lớn trong khu vực.
Điều quan trọng là Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong một số tuyên bố chính sách chủ chốt, đã củng cố cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương. Điều này cũng đã được thể hiện rõ nét trong “Báo cáo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2019”.
Mỹ coi Việt Nam là một đối tác lớn trong khu vực, tiếp nối mối quan hệ bền chặt từ thời chính quyền TT Obama. Việt Nam rất tế nhị trong việc thể hiện quan điểm của mình với hai siêu cường - “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019”, công bố tháng 11 năm ngoái, đã nêu rõ:
“Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác…”
Trung Quốc đang bị tấn công ngay tại “sân sau” của mình
TT Trump đã can dự quyết liệt vào “sân sau” của Trung Quốc. Ông đã xây dựng một liên minh thương mại và quân sự mạnh mẽ với Đài Loan - mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai.
Mặc dù không tuyên bố Đài Loan là một quốc gia nhưng Mỹ đã điều tàu tuần tra eo biển Đài Loan, bán máy bay và xe tăng đời mới cho quân đội Đài Loan, ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào WHO và sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thương mại song phương quy mô lớn. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Mỹ đã cử Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đến thăm Đài Bắc.
Ông Trump đã lên tiếng phản đối các hành động của chính phủ Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, và gần đây nhất, chính quyền Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã khiến Trung Quốc phẫn nộ khi ban lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc đến Mỹ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Xóa bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ
Chính quyền TT Trump đã bắt đầu ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc tại Mỹ để đảm bảo sở hữu trí tuệ và công nghệ đồng thời bảo vệ nước Mỹ khỏi các chiến dịch tuyên truyền độc hại của Trung Quốc.
Mỹ cố gắng đến cuối năm nay sẽ hoàn thành đóng cửa toàn bộ 65 Viện Khổng Tử đặt tại các trường đại học mà không hoạt động vì lợi ích của nước Mỹ. Một số giáo sư có uy tín của Mỹ đang bị truy tố hình sự vì những cáo buộc liên quan đến Trung Quốc, và còn hàng trăm trường hợp tương tự như vậy.
Cuộc đấu giữa "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và "Giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình. Ảnh: The Economist
|
Chính phủ Mỹ đã gửi một thông điệp tới Trung Quốc qua động thái đóng cửa Văn phòng Lãnh sự quán nước này ở Houston, Texas, bởi tin rằng Trung Quốc hoạt động gián điệp ở đây để chiếm các công nghệ độc quyền.
Tiếp đó sẽ là lệnh cấm các học giả Mỹ hợp tác với học viên của các trường quân sự Trung Quốc trong các dự án nghiên cứu có tính nhạy cảm. Sinh viên Trung Quốc thuộc các cơ quan quân đội hoặc tình báo không được phép học tập tại Mỹ.
Đẩy mạnh tấn công kinh tế
TT Trump đã thực hiện các cuộc tấn công kinh tế đánh vào lợi ích của Trung Quốc. Ông đã thuyết phục một số nước quay lưng lại với kế hoạch thống lĩnh công nghệ Internet không dây 5G của Huawei, đồng thời chặn TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác thâm nhập thị trường Mỹ vì lo ngại bảo mật.
Ông yêu cầu chính phủ Mỹ thực hiện các dự án nhằm giảm bớt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng quan trọng, đặc biệt là dược phẩm, thiết bị y tế và kim loại đất hiếm.
Ông cũng đưa ra các chính sách khuyến khích các công ty Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc hồi hương.
Cùng với đó, các lệnh trừng phạt thương mại và thuế quan được áp đặt để trừng phạt Trung Quốc vì đã không thực hiện thỏa thuận mua các mặt hàng nông nghiệp như đã cam kết.
Những việc cần làm tới đây
Ông Trump còn chưa xét đến một vấn đề chính sách quan trọng: Mỹ cần xử lý chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như thế nào. Trong hai năm qua, cả hai nước đã đàm phán nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Có lẽ đã qua cái thời các bên cùng ngồi lại trao đổi.
Đồng thời, ông Trump vẫn còn khúc mắc về về việc Hàn Quốc sẽ chi trả bao nhiêu để hỗ trợ 30.000 lính Mỹ bảo vệ đất nước họ. Mặc dù vậy, Hàn Quốc và Mỹ đã ký kết được một hiệp định thương mại song phương lớn.
Ông Trump chưa đạt được gì đáng kể với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hoặc Myanmar theo mô hình đàm phán 1-1. Mỹ cần chú trọng đến các nước này nhiều hơn bởi họ có vai trò rất quan trọng trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Hiện tại, các nước này cũng đang bắt đầu đẩy lùi các cuộc xâm lược của Trung Quốc vào lãnh hải của họ.
Ông Trump cũng cần tăng tốc quy trình đàm phán thương mại với các nước khác trong khu vực - những nước đã bị Mỹ bị bỏ rơi khi ông rút khỏi hiệp định thương mại tự do TPP.
Nếu ông Trump để mất chiếc ghế Tổng thống vào tay ông Joe Biden, nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ phá bỏ mọi chính sách của ông, trong đó có chính sách Trung Quốc, khiến mọi việc ông làm từ trước đến nay trở thành công cốc./
(Chuyển ngữ: Đào Thúy)