Tuyên bố của chính phủ Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với các căn cứ này và nêu rõ các yêu sách này hoàn toàn bất hợp pháp xét theo luật quốc tế, đồng thời các tuyên bố của các quốc gia khác trong khu vực là chính đáng.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc bắt nạt và o ép các nước láng giềng để đạt được tham vọng. Tất cả những việc này đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, chưa kể gây nguy hiểm cho thương mại và tự do hàng hải trong khu vực.
Rõ ràng, Mỹ đã hết kiên nhẫn với những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và chính thức thách đấu.
Tuyên bố Biển Đông này của chính phủ Mỹ có lẽ là sự thể hiện thái độ mạnh mẽ nhất trong các hành động đối đầu với Trung Quốc trước đó của chính quyền Washington.
Tại sao Trung Quốc lại thách thức Mỹ trong việc chiếm ưu thế ở Biển Đông? Tại sao Mỹ lại phản ứng mạnh mẽ như vậy trước thách thức này? Và, triển vọng nào cho Biển Đông trong cuộc đua tranh của các siêu cường?
Động cơ của Trung Quốc ở Biển Đông
Thực tế cho thấy rõ ràng là Trung Quốc chưa bao giờ có ý định giữ lời hứa “tạo điều kiện” cho các hoạt động giao thương ở Biển Đông như một “món quà tặng cho thế giới”. Thay vào đó, có lẽ Bắc Kinh chỉ chú tâm duy trì những động cơ ích kỷ, đến mức nham hiểm, và đáng lo ngại. Vậy Trung Quốc nhắm đến điều gì khi tiến hành quân sự hóa khu vực Biển Đông?
Trung Quốc tìm mọi cách để trở thành siêu cường duy nhất với mục đích thay thế vị trí của Mỹ để trở thành một cường quốc ưu việt cả về kinh tế và sức mạnh quân sự.
Khi chiếm giữ trái phép các rạn san hô, đảo san hô và các hòn đảo thuộc cái gọi là “đường chín đoạn” do nước này tự vạch ra và sau đó tiến hành quân sự hóa bằng việc xây dựng sân bay, căn cứ tên lửa, hầm ngầm và radar, khiến những đối thủ của Bắc Kinh nếu muốn tấn công thì sẽ phải rất khó khăn hoặc không thể làm được.
Về bản chất, Trung Quốc đã thiết lập “vùng đệm” phòng thủ, buộc các đối thủ chỉ có thể tấn công Đại lục từ xa. Nếu không phải vậy thì mục đích của các căn cứ quân sự giữa đại dương là gì?
Tàu nạo vét Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp (Ảnh: AMTI/CSIS)
|
Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn dầu lửa của Trung Đông mà nước này vận chuyển dọc theo các tuyến đường tàu biển qua Eo biển Hormuz, Kênh đào Suez, Biển Ả Rập, Ấn Độ Dương, Eo biển Malacca và từ đó đưa về Đại lục.
An ninh năng lượng của Trung Quốc cực kỳ dễ bị gián đoạn trong các tuyến vận chuyển này. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị tàn phá bởi bất kỳ sự gián đoạn nào. Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn kiểm soát nút thắt cổ chai Malacca và các vùng biển xung quanh Indonesia, Malaysia, Việt Nam, và Biển Đông.
Trung Quốc có tham vọng độc quyền các ngư trường dồi dào, các mỏ dầu, và các mỏ khoáng sản ở Biển Đông để đảm bảo nguồn cung cho một nền kinh tế đông dân còn đang thiếu thốn cùng với nhu cầu năng lượng và sản xuất. Đây là lý do tại sao Trung Quốc định kỳ tiến hành các cuộc khảo sát thăm dò đáy đại dương.
Để ngăn cản các quốc gia khác thực thi quyền của mình, Trung Quốc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá vũ trang, đôi khi sử dụng cả đến tàu chiến để xua đuổi các đối thủ cạnh tranh.
Những “chiêu trò” của Trung Quốc ở Biển Đông được thực hiện để tăng cường an ninh và khai thác các tài nguyên đại dương cho lợi ích của chính mình.
Sáng kiến Vành đai và Con đường chủ yếu làm lợi cho Trung Quốc
Ngoài lợi ích an ninh và tài nguyên, Trung Quốc còn muốn nắm giữ các tuyến thương mại hàng hải trên Biển Đông để kiểm soát và tham gia nhiều hơn nữa vào nền kinh tế khu vực vì lợi ích riêng. Đối với Trung Quốc, các quốc gia khác chỉ đơn thuần là các “diễn viên phụ”.
Hiện tại, Biển Đông đang là tuyến đường vận chuyển một lượng hàng hóa trị giá khoảng 1 nghìn tỷ đô la. Kỳ vọng đặt ra là khi khu vực này khởi sắc thì giá trị giao thương tại các vùng biển này sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Biển Đông chính là một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang đặt nhiều hy vọng. Đối với Bắc Kinh, hệ thống cảng dọc theo các tuyến đường biển chính là “một chuỗi ngọc trai” đưa đón các chuyến hàng đến và đi khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ là một “món quà” cho các nước đang phát triển vốn bị kìm hãm vì không thể tiếp cận các tuyến đường biển (và đường bộ), chính là những tuyến đường đã giúp các nước phát triển trở nên giàu có.
Thực tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường hoàn toàn không phải là một “món quà”. Sáng kiến này chỉ đơn thuần giúp Trung Quốc hưởng lợi trong khi đẩy các quốc gia khác vào vòng kiểm soát của nước này và chỉ nhận về sự bất lợi cho bản thân.
USS Gabrielle Giffords hoạt động gần tàu khảo sát Hải dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: US Navy)
|
Hãy thử làm một phép tính thế này: Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng cơ sở hạ tầng. Thông thường, những khoản vay này được dành cho các dự án rất đáng ngờ với mức lãi suất cao ngất ngưởng.
Trung Quốc là bên cung cấp lao động, vật liệu, và cán bộ quản lý trong các dự án này. Nhiều quốc gia không đủ khả năng hoàn trả các khoản vay và nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc chẳng bao giờ có cơ hội bắt đầu. Đến lúc kịp nhận ra thì những quốc gia này đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.
Trong nhiều trường hợp, họ đành chọn cách trả khoản nợ “chết người” này bằng cách sang tay các dự án cho Trung Quốc. Các quốc gia dọc theo tuyến đường biển trong Sáng kiến Vành đai và Con đường chỉ đơn thuần làm lợi cho Trung Quốc.
Một điều nữa là khi cho vay là lúc Trung Quốc có thể thiết lập đồng minh ủng hộ cho lợi ích của nước này tại Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác để chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Trung Quốc cũng đã thành lập các tổ chức cho vay để phục vụ các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tại sao lại như vậy?
Trung Quốc tuyên bố “trật tự tự do” vốn tồn tại từ Thế chiến II đến giờ không còn phù hợp với nhu cầu của chính quyền Bắc Kinh hoặc của các nước đang phát triển. Trung Quốc muốn đưa ra các quy tắc riêng của mình.
Vì lý do đó, Trung Quốc đã thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với vốn đầu tư 100 tỷ USD, mục tiêu cụ thể là đầu tư vào hạ tầng cơ bản cho các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc lại tiếp tục liên kết đối tác với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (BRICS) để thành lập một ngân hàng trị giá 75 tỷ USD để bổ sung vào các khoản vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngoài ra, Trung Quốc cho vay thông qua các “ngân hàng chính sách” trong nước, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng xuất nhập khẩu, ngân hàng quốc doanh, quỹ đầu tư quốc gia, hàng chục ngân hàng đặc biệt và doanh nghiệp nhà nước.
Tất cả những động thái này đều nhắm đến một mục đích là thay đổi các quy tắc cho vay để đạt được tầm nhìn do chính phủ Trung Quốc đặt ra.
Có lẽ, Mỹ đã quyết rằng việc đưa ra Tuyên bố Biển Đông phản đối những tham vọng của Trung Quốc ở khu vực phải được thực hiện “ngay bây giờ hoặc không bao giờ nữa”. Cho đến nay, Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân với các đồng minh và cử chiến hạm thực hiện tự do hàng hải tại các vùng biển tranh chấp. Giờ đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn nữa.
Trung Quốc công khai đối đầu Mỹ
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã che giấu tham vọng của mình ở Biển Đông bởi không muốn đối mặt với sự lên án trên trường quốc tế và tìm cách tránh đối đầu với Mỹ. Điều này đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong mấy tháng vừa qua.
Hiện giờ, Trung Quốc đã không còn giấu giếm mà ngược lại, đang ráo riết theo đuổi ý định này. Chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể các hành vi quấy rối tàu đánh cá của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines ở Biển Đông.
Tuyên bố Biển Đông của Mỹ có lẽ là phản ứng lên đến đỉnh điểm xuất phát từ những yếu tố dưới đây.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng đe dọa các tàu chấp pháp của Việt Nam xua đuổi tàu Hải Dương Địa chất 8 vào năm 2019 (Ảnh: Thanh Niên)
|
Trung Quốc và Đại dịch. Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác cáo buộc Trung Quốc đã để đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới mà không có động thái cảnh báo; sau đó che đậy thông tin và hưởng lợi từ đại dịch. Kinh tế các nước bị tàn phá khi các doanh nghiệp phải đóng cửa, du lịch bị cấm và người dân bị phong tỏa.
Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch với số người tử vong lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao, nền kinh tế rơi vào suy thoái và món nợ công lên đến hàng nghìn tỷ đô la.
Đồng thời tại Mỹ, các cuộc biểu tình và bạo loạn, ban đầu là về các vấn đề công bằng xã hội cho người da đen, nhưng hiện giờ đã biến thành phong trào kêu gọi thay đổi nước Mỹ theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa khiến sự hỗn loại kéo dài đã nhiều tuần nay. Đại dịch và bạo loạn đang tàn phá nước Mỹ.
Chắc chắn, Trung Quốc tin rằng Mỹ đang ở thế yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất. Và Trung Quốc đã hành động theo niềm tin đó: họ đã phát động một chiến dịch hạ uy tín của Mỹ và cho rằng các quốc gia khác nên về phe với Bắc Kinh.
Hiệp định thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ thất bại. Sau nhiều tháng thương lượng trong nỗ lực chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ-Trung, hai nước đã đi đến một thỏa thuận thương mại chia thành nhiều giai đoạn.
Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi một cách vô lý từ các thỏa thuận trước đó và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp hoặc không công bằng để đạt được lợi thế thương mại. Sau khi Trung Quốc và Mỹ “tàn phá lẫn nhau” bằng các đòn thuế quan, tẩy chay, và hạn chế thì cuối cùng một thỏa thuận đã được hai bên thống nhất vào năm 2019.
Tuy nhiên, Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về những hậu quả tàn phá của đại dịch, tiếp đó phàn nàn về việc Trung Quốc đã không mua hàng hóa của Mỹ và không mở cửa nền kinh tế theo cam kết của hiệp định thương mại song phương Mỹ -Trung.
Tổng thống Trump cho rằng việc đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng giữa hai nước vào lúc này đã trở thành điều không tưởng. Mỹ hiện đang trả đũa Trung Quốc trên nhiều mặt trận.
Chính phủ Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, thậm chí còn tăng cường bán vũ tối thượng cho Đài Loan, ban hành lệnh trừng phạt đối với Huawei, hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc và đang xem xét bỏ ứng dụng TikTok.
Nhiều học giả đang bị truy tố tội ăn cắp tài sản trí tuệ và có khả năng sẽ áp dụng trở lại mức thuế quan gây tê liệt nền kinh tế Trung Quốc.
Mới đây, Trung Quốc đã từ chối không tham gia cùng với Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân. Trung Quốc chỉ mới có trong tay một số ít vũ khí hạt nhân và nhất định không tham gia vào một thỏa thuận mà nước này thấy trước sẽ hạn chế việc sở hữu nhiều hơn nữa.
Việc Trung Quốc không tham gia cũng tác động xấu đến sự tham gia của Nga trong thỏa thuận này. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới của quá trình quân sự hóa.
Nước này đã tiến hành hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội; tạo ra một khuôn khổ có nền tảng là vũ khí hạt nhân; vũ trụ và vũ khí trên không gian mạng, cùng với một lực lượng hải quân vững mạnh.
Trung Quốc trả đũa các đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tấn công Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để trả đũa việc các quốc gia này ủng hộ Mỹ. Đây là những nước có vai trò rất quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu củng cố biên giới chung với Ấn Độ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang. Trung Quốc trừng phạt kinh tế Australia và tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan trọng yếu của nước này. Nhật Bản đang chi tiền để các doanh nghiệp Nhật di dời khỏi Trung Quốc.
Mỹ đã đáp trả bằng cách tăng cường sức mạnh cho Liên minh quân sự Ấn Độ-Thái Bình Dương với ba đồng minh - Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Trung Quốc đối kháng lại bằng cách tăng cường liên minh với các đối thủ của Mỹ là Nga, Iran và Pakistan.
Trung Quốc và Đảng Dân chủ. Có lẽ, Trung Quốc tin rằng ông Trump dễ bị thua trong cuộc bầu cử vào tháng 11 trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Mà nếu như vậy, Bắc Kinh sẽ xem xét ủng hộ đối thủ của ông Trump.
Bản thân ông Biden, ngay từ khi còn ở vị trí Phó Tổng thống cho ông Barack Obama (2008-2016) đã rất ưu ái Trung Quốc, luôn giảm tránh mọi chỉ trích liên quan đến tham vọng toàn cầu của nước này. Gần đây, ông Biden tuyên bố rằng Mỹ không có gì phải e sợ Trung Quốc.
Đồng thời, ông Biden và đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ “mọi sự phản đối” dành cho mọi chính sách hoặc hành động của ông Trump. Phương châm yêu thích của ông Biden với Trung Quốc luôn là đối thoại và ngoại giao để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.
Ông Trump tuyên bố rằng ông Biden và ông Obama, trong suốt 8 năm tại vị, đã không làm gì để chống lại Trung Quốc ngoại trừ những cuộc thảo luận.
Chắc chắn, chính quyền Mỹ đưa ra Tuyên bố Biển Đông như một sự cảnh cáo dành cho Trung Quốc và ông Biden. Với cách nhìn nhận của mình, chắc chắn ông Trump sẽ đưa tuyên bố này làm một vấn đề tranh cử mang tính tích cực cho chiến dịch của mình.
Triển vọng hòa bình
Dường như, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ giữa các siêu cường đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Trung Quốc đã thực hiện phần nhiều trong số các mục tiêu mở rộng tối đa phạm vi lợi ích của mình thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng với các liên minh quân sự mới, đặc biệt là liên minh với Nga, Pakistan và Iran, đồng thời cũng tiến hành chiếm đóng lãnh thổ.
Chính quyền Mỹ đã khôi phục lại khả năng quân sự vốn đã bị làm cho suy kiệt đáng kể dưới thời của ông Barack Obama và tuyên bố rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn của nước Mỹ. Quân đội Mỹ đang rút khỏi Trung Đông – động thái này giúp giải phóng nhiều nguồn lực hơn để dành cho việc chống lại Trung Quốc.
Mỹ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan vào tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông (Ảnh: US Navy)
|
Phản ứng của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc ai thắng cử tháng 11 tới đây - ông Trump hay ông Biden. Nếu ông Trump thắng và nếu ông ấy thấy rằng đối đầu với Trung Quốc là lợi thế chính trị, thì ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống lại Trung Quốc.
Một phần nữa, còn phụ thuộc vào việc liệu Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham gia cùng với Mỹ hay không. Và, liệu EU có coi Trung Quốc là một đối tác không thể chấp nhận được hay không.
Nếu ông Biden chiến thắng, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thẳng tiến trên con đường giành quyền bá chủ toàn cầu vắng bóng vật cản. Đảng Dân chủ đang có ý định khôi phục đường lối “ngoại giao mềm” và “chủ nghĩa đa phương” trong đối sách với Trung Quốc – đây là những chiến lược và chiến thuật chưa bao giờ mang lại hiệu quả.
Đảng Dân chủ cũng không quá quan tâm đến việc Mỹ nên phải là nước cầm trịch dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Trung Quốc. Cùng với đó, đảng Dân chủ đang cố gắng tìm mọi cách để vô hiệu hóa việc tăng ngân sách quốc phòng Mỹ mà dành nguồn tiền đó chi cho các vấn đề trong nước.
Họ làm việc này ngay chính vào thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Dù người chiến thắng trong kỳ bầu cử tới đây là ai, ông Trump hay ông Biden, thì những tác động ngắn hạn và dài hạn của đại dịch Covid-19, của nền kinh tế bị đóng cửa, của bạo loạn và chia rẽ trong lòng nước Mỹ sẽ hạn chế đáng kể việc Mỹ sẽ đưa ra lựa chọn gì để đối đầu với Trung Quốc.
Ngân sách bị cắt giảm, nhuệ khí chính trị rệu rã và tinh thần mệt mỏi khiến nước Mỹ rơi vào cảnh bị tàn phá nặng nề.
Trung Quốc dường như đang ở vị thế “chiếu trên”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự tồn tại của những vết rạn nứt: Sáng kiến Vành đai và Con đường đang lung lay dưới sự quản lý yếu kém cùng với tham nhũng và đại dịch Covid-19.
Nhiều quốc gia, không phải chỉ riêng EU, đang trở nên vô cùng mệt mỏi với những tham vọng của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải oằn lưng gánh chịu hậu quả của đại dịch và thương chiến, chưa kể các khoản nợ phát sinh từ các thỏa thuận xấu và các quyết định chính trị.
Có lẽ, tất cả các bên nên “tạm nghỉ dừng giữa hiệp”.
Nhiều khả năng, thế giới đang đứng trên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khiến chúng ta nhớ lại những năm từ 1950 đến 1980. Nếu điều này xảy ra, Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngáng chân nhau, thu hút các đồng minh mới và lấn sâu vào các cuộc xung đột “ủy nhiệm”.
Đó là việc đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta tại Syria, Lebanon, Iran và Yemen. Nếu điều đó xảy ra, thế giới lại quay về những tháng ngày đen tối.
(Chuyển ngữ: Đào Thúy)