Chiến tranh lạnh công nghệ khiến nhiều nhà cung cấp vừa và nhỏ của Trung Quốc khốn đốn

VietTimes – Chỉ nửa năm trước, Steve Liu, một giám đốc của công ty chuyên bán các thiết bị và phụ kiện điện thoại còn lạc quan cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ nhanh chóng kết thúc. Nhưng Liu đã lầm, cuộc chiến đang thực sự ngày một leo thang. Nó không chỉ khiến cho “nhân vật chính” khốn đốn mà những “nhân vật phụ” [các nhà cung cấp thiết bị công nghệ vừa và nhỏ] cũng chịu vạ lây.
Lệnh cấm Huawei của Hoa Kỳ dự kiến sẽ xóa sạch nhu cầu ở nước ngoài đối với điện thoại thông minh của Huawei. Ảnh: SCMP
Lệnh cấm Huawei của Hoa Kỳ dự kiến sẽ xóa sạch nhu cầu ở nước ngoài đối với điện thoại thông minh của Huawei. Ảnh: SCMP

“Lệnh cấm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi bởi những công ty như chúng tôi chuyên cung cấp phụ kiến cho các điện thoại thông minh của Huawei. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được sức nóng của lệnh cấm bởi chúng tôi hoạt động chủ yếu trong thị trường nội địa. Nhưng về lâu dài, nếu tình hình thương mạiTrung-Mỹ tiếp tục xấu đi, tác động tiêu cực của nó là không thể tránh khỏi”, Liu nói thêm.


Lệnh cấm Huawei được Mỹ áp đặt vào từ giữa tháng 5 đã cấm các công ty công nghệ Mỹ như Google cung cấp các dịch vụ quan trọng cho Huawei. Động thái này dự kiến sẽ xóa sạch nhu cầu ở thị trường quốc tế đối với các sản phẩm smartphone của Huawei.

Một số người dùng P30 của Huawei đã bắt đầu đăng bán sản phẩm của mình trên các trang web thương mại điện tử vì lo sợ điện thoại thông minh của họ sẽ trở thành vô dụng nếu không có các ứng dụng thiết yếu của Google bất chấp thông báo các thiết bị Huawei hiện tại vẫn tiếp tục được truy cập vào các dịch vụ của Google.

Trong một cuộc họp báo được tổ chức ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 29/5, Giám đốc Pháp lý của Huawei đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm của lệnh cấm vận mà Mỹ ban hành: “Lệnh cấm thương mại đã đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Hôm nay là ngành viễn thông và Huawei, ngày mai có thể sẽ đến ngành công nghiệp mà bạn kinh doanh, công ty mà bạn làm việc và người tiêu dùng của bạn”. Các động thái của Mỹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1200 nhà cung cấp đang làm việc với Huawei, ông Liuping nói thêm.

Cuộc tấn công của Tổng thống Trump và bức màn sắt kỹ thuật số

Liu, Giám đốc một công ty cung cấp ở Trung Quốc đang lo lắng rằng Hoa Kỳ có thể mở rộng lệnh cấm hạn chế các nhà sản xuất chip của Mỹ bán sản phẩm cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Nếu kịch bản xấu này thực sự xảy ra, thiệt hại mà nó gây ra cho các nhà cung cấp như công ty của Liu có thể sẽ sẽ không phục hồi được vì nhiều khách hàng của công ty là các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.

Công ty của Liu chỉ là một trong những công ty nhỏ bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công ty này thường phụ thuộc vào các đơn đặt hàng từ các công ty lớn như Huawei để duy trì hoạt động kinh doanh. Việc mất một khách hàng lớn ngay lập tức sẽ đe dọa đến sự tồn tại của công ty.

Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ 2 thế giới đã nhận thêm một thất bại sau khi nhà thiết kế chip ARM và Microsoft cũng tuyên bố đình chỉ quan hệ với hãng vì các sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp có nguồn gốc từ Mỹ. Huawei hiện đang tìm cách thúc đẩy việc sản xuất chipset Kirin của riêng mình và tung ra hệ điều hành mới Hongmeng để thay thế Android của Google.

Việc Hoa Kỳ ngăn chặn nhiều công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ như phần mềm và chip buộc Trung Quốc phải tìm cách đổi mới và trở nên tự chủ hơn trong các công nghệ quan trọng.

 “Chuỗi cung ứng công nghệ trên toàn cầu đang được phân chia”, ông Christopher Balding, phó giáo sư tại Đại học Fulbright phân tích.

MHD, một nhà cung cấp các thiết bị công nghệ khác của Trung Quốc chuyên sản xuất bộ sạc và bộ điều hợp cho khách hàng Mỹ đã chia sẽ rằng các đơn đặt hàng đã giảm đáng kể từ khi cuộc chiến công nghệ Trung – Mỹ leo thang. Nhiều khách hàng ở Mỹ đang tìm kiếm sự thay thế ở các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam vì chúng tôi là người Trung Quốc, công ty này cho biết. Quyết định thay đổi nhà sản xuất có thể được giải thích bởi hai yếu tố: giảm rủi ro chính trị và giảm chi phí, vì bộ sạc và bộ điều hợp là một trong những sản phẩm của Trung Quốc đã bị áp thuế cao hơn.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn có một số đơn đặt hàng, nhưng trong khoảng thời gian một đến hai tháng nữa, chúng tôi không chắc chắn”, Yan, một thành viên của công ty cho biết. Ông Yan cũng nói thêm rằng công ty hiện vẫn chưa có kế hoạch dự phòng và một trong những vấn đề lớn nhất mà công ty phải đối mặt là làm thế nào để duy trì được số lượng công nhân trong nhà máy tại thời điểm khó khăn này.

Huawei cũng tuyên bố đã dự trữ các linh kiện thiết yếu của Mỹ trong một năm để đảm bảo rằng các hoạt động sản xuất sẽ không bị gián đoạn trong thời gian ngắn. Các công ty khởi nghiệp phần cứng nhỏ hơn, như Công nghệ Remo của Trung Quốc cũng đang theo gương của Huawei.

Liu Bo, Giám đốc điều hành của Remo nói rằng công ty đã bắt đầu xem xét việc thay thế các sản phẩm của Mỹ bằng các sản phẩm thay thế của Trung Quốc để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nếu các công ty Mỹ bị cấm cung cấp hoàn toàn cho các công ty Trung Quốc.

Ông Wong Kam Fai, Trưởng khoa Kỹ thuật của Đại học Hồng Kông Trung Quốc cho biết Trung Quốc là thị trường lớn với hơn 1,3 tỷ người. Vì vậy cơ hội để Trung Quốc xây dựng thành công chuỗi cung ứng của riêng mình cao hơn nhiều so với Mỹ. Tuy nhiên, thiệt hại đối với những nhà cung cấp công nghệ vừa và nhỏ của Trung Quốc ttrong thời gian sắp tới thực sự nghiêm trọng, ông phân tích thêm.

Theo SCMP