Theo đó, người đứng đầu Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) đã đưa ra tuyên bố trên tài khoản Facebook chính thức của nhóm này trong hôm 5/9 vừa qua. Trước đó, lực lượng Taliban nói rằng họ đã điều chiến binh tới thủ phủ tỉnh của Panjshir sau khi đảm bảo được an ninh của các khu vực xung quanh.
Taliban đã giành quyền kiểm soát phần còn lại của Afghanistan cách đây 3 tuần, chiếm được thủ đô Kabul vào ngày 15/8 sau khi chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ, Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước.
“NRF, về nguyên tắc, nhất trí về việc giải quyết các vấn đề hiện tại và lập tức chấm dứt tình trạng chiến sự, tiếp tục các cuộc đối thoại” – Massoud viết trên một bài đăng Facebook – “Để đạt được hòa bình kéo dài, NRF sẵn sàng ngừng chiến đấu với điều kiện là Taliban cũng phải ngừng các cuộc tấn công và điều binh của họ ở Panjshir và Andarab”.
Trước đó, các hãng truyền thông Afghanistan đưa tin rằng các học giả tôn giáo đã kêu gọi Taliban chấp nhận một cuộc dàn xếp đàm phán để chấm dứt chiến sự ở Panjshir. Tuy nhiên Taliban vẫn chưa đưa ra câu trả lời.
Phát ngôn viên của NRF, Fahim Dashti, cho hay “các cuộc đụng độ ác liệt” đang diễn ra ở Panjshir. Theo NRF, họ đã bao vây “hàng nghìn kẻ khủng bố” ở hẻm Khawak, khiến Taliban phải bỏ lại nhiều phương tiện và trang thiết bị quân sự ở khu vực Dashte Rewak.
Còn theo hãng thông tấn Al Jazeera, đưa tin từ thủ đô Kabul, một số nguồn tin thực địa cho hay hàng trăm chiến binh Taliban đã bị NRF bắt làm tù binh.
“Một số nguồn tin từ thung lũng (Panjshir) nói rằng NRF tuyên bố bắt giữ được khoảng 1.500 chiến binh Taliban. Rõ ràng là các chiến binh này đã bị bao vây” – Al Jazeera cho hay – “Có nhiều lo ngại rằng khoảng 150.000 – 200.000 người dân đang bị mắc kẹt ở thung lũng. Tất cả đường dây liên lạc bị cắt đứt. Chúng tôi còn biết rằng Taliban đã cắt luôn cả điện, bởi vậy rất khó để xác minh về điều đang thực sự diễn ra”.
Về phần mình, phát ngôn viên Taliban, Bilal Karimi, nói rằng lực lượng của họ đã đánh đến thủ phủ tỉnh, Bazarak, và chiếm được một lượng lớn vũ khí và đạn dược từ phe kháng chiến. Karimi còn viết trên Twitter rằng lực lượng kháng chiến đã chịu tổn thất nặng nề.
Massoud, người dẫn dắt một lực lượng được cấu thành từ các binh sĩ và đơn vị đặc nhiệm của chính phủ cũ của Afghanistan, các chiến binh bản địa, đã kêu gọi đàm phán hòa bình với Taliban trước khi chiến sự bùng nổ, cách đây khoảng 1 tuần lễ. Cũng có nhiều nỗ lực đối thoại sau đó nhưng đều đổ vỡ, khi cả hai phe đều cáo buộc lẫn nhau.
Taliban gửi thư "đầu hàng hoặc chết" cho những người từng giúp liên quân
Thung lũng hiểm trở
Panjshir – một thung lũng hiểm trở thuộc khu vực núi non phía Bắc thủ đô Kabul mà ngày nay vẫn còn rải rác xác xe tăng của Liên Xô bị tiêu diệt trong cuộc chiến những năm 1980 – được đánh giá là một “thành trì” cực kỳ khó nhằn trong quá khứ.
Dưới thời người cha của Massoud – Ahmad Shah Massoud – khu vực này từng là thành trì kháng chiến chống lại cả lực lượng Liên Xô và chính phủ Taliban (cầm quyền trong giai đoạn 1996-2001). Tuy nhiên, trước đây cứ địa này phải dựa vào các tuyến đường cung ứng dẫn lên biên giới phía Bắc, trong khi ở thời điểm hiện tại các tuyến đường đó đã bị Taliban phong tỏa.
Chiến sự ở Panjshir hiện được xem là cuộc kháng chiến đáng chú ý nhất để phản kháng lại ách cai trị của Taliban. Ngoài ra, rất nhiều cuộc biểu tình đòi quyền phụ nữ hoặc bảo vệ quốc kỳ của Afghanistan cũng được tổ chức tại nhiều thành phố khác nhau.
Taliban tuyên bố tiến đánh “thành trì kháng chiến” ở Panjshir
Nhiều máy bay mắc kẹt
Trong khi đó, ít nhất 4 chiếc máy bay được sử dụng để sơ tán vài trăm người muốn thoát khỏi ách cai trị của Taliban vẫn không thể rời khỏi Afghanistan. Có nhiều thông tin trái ngược về nguyên nhân mà các máy bay này không thể cất cánh, bởi vậy cũng tạo sức ép không nhỏ đối với chính phủ Mỹ.
Một quan chức Afghanistan tại sân bay ở thành phố Mazar-i-Sharif cho hay, những hành khách trên các chuyến bay mắc kẹt là công dân Afghanistan, rất nhiều người trong số này không có hộ chiếu, thị thực nên không thể rời khỏi đất nước. Ông nói rằng họ đã rời khỏi sân bay.
Tuy nhiên, một thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói rằng nhóm người bị mắc kẹt bao gồm cả công dân Mỹ và họ vẫn đang ngồi trên máy bay, nhưng Taliban không để cho máy bay cất cánh, rõ ràng là “bắt họ làm con tin”. Ông Michael McCaul không tiết lộ nguồn tin mà ông có được từ đâu.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu