Chiến lược biến đổi quân đội của Trung Quốc

Mặc dù vào ngày 5/3 Trung Quốc tuyên bố sẽ chỉ tăng ngân sách quốc phòng lên 7,6% trong 2016, thấp nhất trong 6 năm qua, nhưng con số này hầu như không thể che giấu một thực tế rằng Bắc Kinh đang dồn lực tạo ra sự thay đổi lớn trong lực lượng vũ trang nước này.
Xe tăng 99A2 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: AP
Xe tăng 99A2 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: AP

Đổi hướng tập trung

Hiện nay lục quân vẫn chiếm tới 73% tổng lực toàn quân, song Trung Quốc đang hướng tới việc củng cố tiềm lực cho hải quân và không quân. Đây được cho là 2 quân chủng quan trọng nhất đảm nhiệm giải quyết các mối "đe dọa tới lợi ích" của Trung Quốc. 

Đó cũng là nguyên nhân để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 3/9 năm ngoái tuyên bố rằng quân đội nước này sẽ tinh giản khoảng 300.000 binh sĩ, những người thuộc các đơn vị không chuyên về chiến đấu hoặc đang vận hành các vũ khí đến tuổi “về hưu”.

Tham vọng bầu trời


Để “thêm máu” cho lực lượng không quân, Trung Quốc đã mạnh tay chi hầu bao mua các chiến đấu cơ Su-27 của Nga sau đó bắt chước công nghệ rồi tự sản xuất sản phẩm “cây nhà lá vườn” J-11. Trong những năm gần đây, Trung Quốc còn tích cực giới thiệu các sản phẩm tự sản xuất như chiến đấu cơ J-10 và máy bay ném bom H-6. 

Trung Quốc còn "lân la" tới lĩnh vực máy bay không người lái khi sản xuất những thiết bị bay được so sánh ngang hàng với các đồng nghiệp Predator và Reaper của Mỹ ở tốc độ, khả năng tấn công các mục tiêu dưới đất…

Chiến lược biến đổi quân đội của Trung Quốc ảnh 1

Binh sĩ Trung Quốc trong một buổi diễu hành. Ảnh: AFP

Làm mới Hải quân

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã thay đổi từ việc chủ yếu tuần tra ven biển thành lực lượng có thể thực hiện các chiến dịch xa bờ. Đáng chú ý nhất là việc ra đời hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được cải tạo từ một  chiếc tàu sân bay cũ mua lại của Ukraine. Không dừng lại ở đây, vào tháng 12/2015, Trung Quốc tiết lộ đã đóng tàu sân bay thứ hai với 100% công nghệ trong nước. 

Ngoài ra, các tàu khu trục nhỏ, tàu ngầm hạt nhân cũng được Trung Quốc tích cực mua sắm. Điều này cho thấy ý đồ rõ ràng của Trung Quốc trong việc tạo nguồn lực vững chãi hơn trong các tranh chấp trên vùng biển.

Thêm tên lửa

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc, trước đây được biết đến với cái tên “Nhị Pháo”, nắm trong tay vũ khí được nhiều nước đánh giá rất đáng gờm. Trung Quốc hiện tích trữ ít nhất 1.200 tên lửa đạn đạo cùng nhiều tên lửa hành trình tấn công mục tiêu trên mặt đất, tên lửa đất đối không, tên lửa diệt hạm. Đã vậy, Trung Quốc còn đang tiếp tục lắp đặt hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung chỉ cách eo biển Đài Loan 160km.

Nâng cấp chiến lược

Trung Quốc đã nhận ra việc cần thiết phải đầu tư cho hệ thống chiến tranh điện tử trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Bên cạnh đó quân đội nước này còn tái cơ cấu lại tổ chức để tạo sự chuyển tiếp thông suốt hơn cho các lực lượng, ấp ủ xây dựng căn cứ quân sự ở châu Phi…

Năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 144 tỉ USD, như vậy với dự tính tăng 7,6% thì ngân sách này vẫn sẽ đạt mốc khá lớn khoảng 155 tỉ USD trong năm 2016.

Nhiều nhà phân tích cho rằng ngân sách Trung Quốc đã chi cho quân sự trên thực tế còn lớn hơn nhiều so với con số được công bố. Nhà phân tích James Char tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore đã nhận định với hãng tin AFP: “Ông Tập Cận Bình hiện xác định mục tiêu là tăng sức mạnh quân đội bất chấp tín hiệu không khả quan từ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc".

Theo AP, AFP, Tin tức