Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng được trang bị công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh có thể huy động lực lượng vũ trang cho các sứ mệnh toàn cầu. Khác với hai cường quốc Mỹ và Anh, Trung Quốc bị vây quanh bởi các nước có nguy cơ trở thành kẻ thù.
Nga, Nhật, Ấn Độ là hàng xóm nhưng cũng là kẻ thù lịch sử của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao hiếu chiến nhằm vào các nước nhỏ hơn không khiến họ phục tùng mà phản kháng, khi những nước khu vực như Philippines chọn cách xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật và Ấn Độ. Thực trạng này có thể gây ra thách thức an ninh với Trung Quốc, và cũng khiến Bắc Kinh đổ nhiều tiền vào phát triển các lực lượng vũ trang.
Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới, với ít nhất 2,3 triệu quân nhân chính thức và 800.000 quân dự bị và dân quân. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu bảo vệ đất nước. Để thực hiện các sứ mệnh bên ngoài biên giới, họ chỉ có 3 sư đoàn không quân, 2 sư đoàn hải quân và 3 lữ đoàn hải quân. Trang thiết bị chính là hơn 7.000 xe tăng và 8.000 khẩu pháo.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 188 tỷ USD, tương đương 9% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu và gần một nửa tổng chi tiêu quốc phòng ở châu Á. Cùng năm, Mỹ chi 640 tỷ USD, Nga 88 tỷ USD, Ấn Độ 47 tỷ USD và Nhật chi 48 tỷ USD cho quốc phòng. Qua đó có thể thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thực sự nhiều. Nhưng thực tế còn phải xem xét những yếu tố khác.
Cơn đau đầu từ hàng xóm
Khi đi qua những khu thịnh vượng nhất ở Bắc Kinh hay những con phố sầm uất ở Thượng Hải, thật khó để nghĩ đến việc đất nước này bị bao quanh bởi những quốc gia bất ổn nhất thế giới, như Pakistan, Afghanistan và Triều Tiên.
Sau hàng ngàn năm xâm lược và giao tranh, Trung Quốc cuối cùng cũng xây dựng được một đường biên giới vững mạnh. Bắc Kinh đã làm tốt trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng tương đối với một khu vực nghèo và bất ổn.
Nhưng Trung Quốc không phải lúc nào cũng chiến thắng. Họ từng bị người Mông Cổ, Nga và thực dân phương Tây, gần đây nhất là Nhật Bản tấn công và chiếm đóng. Trung Quốc nằm trong tay người ngoài cả thiên niên kỷ. Với một lịch sử như vậy, có thể hiểu vì sao Trung Quốc muốn có nền quốc phòng mạnh. Trong chiến dịch biên giới năm 1979, Việt Nam đã tiêu diệt hàng vạn quân Trung Quốc chỉ trong 1 tháng. Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1930-1940 khiến hàng triệu dân Trung Quốc thiệt mạng. Ấn Độ chiến tranh với Trung Quốc năm 1962. Trung Quốc và Nga cũng có một cuộc chiến tranh ngắn và không tuyên bố vào năm 1969.
Trung Quốc chung biên giới với 14 quốc gia, và đường biên giới với Nga là dài nhất. Nhưng trong khi các nước láng giềng của Nga như Estonia, Phần Lan, Na Uy và Latvia đều hòa bình, thì biên giới của Trung Quốc với Afghanistan, Triều Tiên, Myanmar và Pakistan đều bất ổn. Hai trong số các quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc từng để lộ những kế hoạch ứng phó trong trường hợp chính quyền Triều Tiên sụp đổ, rằng Bắc Kinh sẽ phải đư quân đội sang Triều Tiên để thiết lập một vùng đệm. Không ai biết điều đó có xảy ra hay không, nhưng nguy cơ 24 triệu dân chết đói đột nhiên mất chính phủ là điều đáng lo ngại đối với Bắc Kinh. Phản ứng trước thông tin bị lộ này, Bình Nhưỡng gọi Bắc Kinh là kẻ “bỏ đảng và kẻ thù”.
Trung Quốc đang hưởng thụ nền hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Nhưng trong lúc đó, những cơn đau đầu về những người hàng xóm xung quanh cũng nhiều lên chưa từng thấy. Đó là một trong những lý do nước này chi 188 tỷ USD cho quốc phòng và còn tiếp tục tăng.
Nước lớn cô đơn
Trung Quốc không hề có một đồng minh thực sự và đáng tin cậy nào. Chỉ riêng ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có thể dựa vào nhiều đồng minh thân thiết như Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, trong khi duy trì quan hệ thân thiết với Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Danh sách đồng minh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương chỉ có một. Là Nga. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan cũng có thể coi là đồng minh của Trung Quốc. Nhưng những nước này đều bị coi là chuyên quyền hoặc gần như vậy, còn một số nước khác đang bất ổn.
Sự thất bại thực sự của Trung Quốc chính là không hòa hợp với những nước gần mình. Trước khi đối đầu với Philippines ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa), quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila chưa từng tốt hơn. Quan hệ với các nước Đông Nam Á khác cũng như vậy cho đến khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% biển Đông.
Ngay cả quan hệ với Nhật Bản, kẻ thù lịch sử của Trung Quốc, cũng từng có giai đoạn tốt đẹp.
Từ năm 2010, Bắc Kinh quyết định dừng chơi đẹp. Họ bắt đầu đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền mập mờ, phi lý của mình, đồng thời tìm cách chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Nhật và Mỹ. Quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các nước ở Đông và Đông Nam Á đều đã băng giá.
Rất khó để nói Trung Quốc thực sự muốn đạt được điều gì. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang cố gắng “Phần Lan hóa” những nước châu Á nhỏ hơn, nghĩa là đe dọa họ phải trung lập nhằm ngăn họ không thân thiết với Mỹ. Một số ý kiến khác cho rằng Trung Quốc muốn chiếm các khu vực đang tranh chấp, nhưng về cơ bản họ cũng có vấn đề trong việc đối xử bình đẳng với các quốc gia khác.
Dù lý do là gì, những hành động của Trung Quốc gần đây bị nhiều nước coi là không thân thiện. Ngày nay, những quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc với nước khác chủ yếu vì lý do kinh tế.
Trong khi Hải quân Mỹ khi đi ngang qua Thái Bình Dương có thể ghé vào hàng chục cảng, tàu chiến Trung Quốc chỉ có thể đi trong vùng biển thuộc chủ quyền của họ và cảng Vladivostok của Nga. Điều này là một bất lợi chiến lược của Trung Quốc. Họ không có đồng minh cung cấp cơ sở quân sự, không ai chia sẻ gánh nặng, không thông tin tình báo hay thậm chí ủng hộ về mặt tinh thần.
Nghịch lý chi tiêu quốc phòng
Một nghịch lý là dù chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng dần, nhưng tỷ lệ chi tiêu so với quy mô nền kinh tế lại giảm hơn 20% tính từ năm 1989 đến nay.
Một nghịch lý khác là Trung Quốc chi nhiều tiền hơn cho an ninh công cộng, như để kiểm soát Internet, thực thi pháp luật và hoạt động của cảnh sát vũ trang nhân dân, hơn là chi tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngân sách chi cho an ninh trong nước của Trung Quốc năm 2014 được giữ bí mật, khiến giới quan sát cho rằng Bắc Kinh chi tiền để bảo vệ họ khỏi chính người Trung Quốc nhiều hơn cho việc phòng chống kẻ thù bên ngoài.
Hơn nữa, chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Quốc không chỉ bị ảnh hưởng bởi lạm phát mà còn bởi tình trạng tham nhũng tràn lan trong quân đội. Các quan chức bán tài sản của nhà nước để kiếm lời. Nhà thầu thổi phồng giá cho những công trình kém chất lượng. Tình trạng thân quen, ô dù dẫn đến việc bổ nhiệm nhiều người thiếu năng lực. Trong nhiều năm, PLA kiếm thêm thu nhập và tự tạo lương thực bằng cách trồng trọt và nuôi gia súc. Khi nền kinh tế nước này cất cánh, những nỗ lực sống sót đó trở thành hoạt động kinh doanh. Ngoài làm nông nghiệp và chăn nuôi, PLA còn kinh doanh khách sạn, rạp hát và quán bar. Lợi nhuận từ đây chủ yếu chảy vào túi các lãnh đạo cấp cao.
Năm 1998, Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu PLA chấm dứt quan hệ với các doanh nghiệp thương mại để tập trung vào rèn luyện chuyên môn. Các đơn vị không còn phải tự trồng rau nuôi lợn, mà ngân sách quốc phòng chi trả hết cho nhu cầu thực phẩm của họ. Nhưng thay vì chấm dứt, các lãnh đạo quân đội tha hóa chuyển sang che giấu công việc kinh doanh sinh nhiều lợi nhuận của họ.
Ông Daniel Hartnett, một nhà phân tích về Trung Quốc tại trung tâm phân tích hàng hải CNA Corporation, cho rằng tham nhũng có thể phá hoại khả năng quân sự của PLA.
“Dù quá trình mua sắm của PLA thường được giữ kín, nhưng có thể kết luận rằng một số hoặc rất nhiều quyết định mua sắm không thực sự cần thiết cho lợi ích tốt nhất của PLA. Mua đồ và nhận lại quả, cho dù món đồ đó kém chất lượng hoặc không thực sự cần thiết”, ông Hartnett nói về sự nguy hiểm của tình trạng tham nhũng đối với sức mạnh của PLA.
Từ khi lên nắm quyền năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần lên tiếng thúc giục quân đội “chuẩn bị khả năng chiến đấu”. Điều này nghe có vẻ hiếu chiến, nhưng trong bối cảnh PLA đang xảy ra tham nhũng tràn lan, ông Tập dường như đang yêu cầu các tướng lĩnh quân đội ngừng kiếm tiền và chú tâm vào công việc của mình. “Không nước nào có thể đánh bại Trung Quốc. Chỉ có sự tham nhũng khiến các lực lượng vũ trang của chúng tôi tan rã mà không cần chiến đấu”, tạp chí Mỹ Foreign Policy gần đây dẫn lời một quan chức cấp cao trong PLA.
Mặc dù ngân sách quốc phòng tăng, súng ống của Trung Quốc đa phần đều là đồ đáng được đưa vào bảo tàng. Họ có 7.580 xe tăng, nhiều hơn của Mỹ, nhưng chỉ 450 trong số đó – Loại 98A và 99s, có thể tạm gọi là tiên tiến. Trong khi khoảng gần 500 xe tăng M-1 của Mỹ đều thuộc hàng hiện đại nhất thế giới.
Không quân Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự. Trong 1.321 chiến đấu cơ, chỉ 502 là hiện đại. Phần còn lại là những thiết kế từ những năm 60 và sản xuất những năm 70.
Hải quân của Trung Quốc tiến bộ hơn những lực lượng còn lại, nhưng cũng không nói lên nhiều điều. Những tàu khu trục của họ tương đối mới, nhưng Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – chỉ là một chiếc tàu cũ của Liên Xô từ những năm 80 được sang sửa lại trong 9 năm rồi được hạ thủy năm 2011.
Kích thước của Liêu Ninh bằng một nửa tàu sân bay Nimitz của Mỹ. Liêu Ninh không có máy phóng máy bay, nên chiến đấu cơ J-15 của họ phải dùng đường trượt dốc để cất cánh, khiến trọng tải và tầm bay của máy bay bị hạn chế. Liêu Ninh cũng không có radar và máy bay tiếp nhiên liệu, nên thua xa Mỹ về khả năng không kích tầm xa.
Tàu ngầm cũng không khá hơn. Hơn một nửa trong số 54 tàu ngầm của Trung Quốc là được sản xuất trong 20 năm trở lại đây. Chúng đều là sản phẩm của Trung Quốc và kém hơn các thiết kế của phương Tây.
Trung Quốc ngừng sản xuất tàu năng lượng hạt nhân lớp Shang sau khi chế tạo được 3 chiếc, rồi đặt Nga 4 tàu ngầm lớp Kalina, chứng tỏ Trung Quốc cũng thiếu niềm tin vào thiết kế của họ.
Thế giới bên ngoài chỉ biết về PLA qua tin tức được chính họ đưa ra. Họ tuyên bố vũ khí của họ ngang tầm phương Tây. Nhưng thực tế liệu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của họ đã đạt được trình độ đó hay chưa, không ai có thể biết.
Rất nhiều vũ khí “mới” của Trung Quốc thực ra là thiết kế của nước ngoài mà các công ty nhà nước của Trung Quốc đã cấp phép, ăn trộm hoặc bắt chước để chế tạo. Trực thăng Changhe Z-8 nhái thiết kế Super Frelon của Pháp. Trực thăng trinh sát Harbin Z-9 copy mẫu Eurocopter Dauphin. Xe tăng Type 99 là bản nâng cấp của T-72 của Liên Xô.
Trong khi đó, cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông đã đẩy nhiều nước láng giềng của Trung Quốc xích lại gần nhau hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh lớn hơn, mạnh hơn. Nhật Bản đang xây dựng quan hệ tốt với nhiều nước láng giềng bị Trung Quốc bắt nạt cũng như tăng cường quan hệ với các cường quốc phương Tây. Hợp tác về hậu cần, phát triển thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và các trợ giúp an ninh đều được đặt lên bàn thảo luận.
Châu Á sẽ không tập hợp lại thành một liên minh quân sự giống như NATO. Những nước phản đối Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận một sự hội nhập quân sự gần gũi đến như vậy. Dù phản đối sự hung hăng của Trung Quốc, nhiều nước vẫn có quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ với Bắc Kinh. Nhưng mức độ hợp tác giữa các nước này sẽ khiến bất kỳ động thái quân sự nào của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn nhiều.
Nói ngắn gọn, dù sở hữu vũ khí hạt nhân và quân đội lớn, Trung Quốc thực tế chỉ là một "con hổ giấy". Bởi từ sâu bên trong, họ có những vấn đề không thể không giải quyết ngay. Và vì thế, trong dài hạn, họ cũng không phải mối đe dọa lớn với những nước còn lại.
* Bài viết trên National Interest của tác giả Roger Cliff, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, Mỹ)