Nga đánh giá về kế hoạch "lột xác" quân đội Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu cuộc đại cải tổ quân đội tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. Dưới đây là đánh giá của Vasily Kashin, nghiên cứu viên cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về quân đội và quân sự Trung Quốc
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc cải cách quân đội các cơ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình công bố hôm 11/1/2016 là chưa từng có xét về tính cấp tiến trong suốt thời gian tồn tại của CHND Trung Hoa.

Cuộc cải cách đi kèm theo việc loại bỏ hoặc cải tổ triệt để một số cơ quan do đảng cộng sản Trung Quốc lập ra từ thời kỳ nội chiến trong thập niên 1930.

Jason Lee / Reuters
Jason Lee / Reuters

Ở các phương diện quân sự thuần túy, một quân đội Trung Quốc đang được cải cách sẽ phát triển theo con đường của quân đội các quốc gia hàng đầu khác, dựa vào sự phối hợp liên quân chủng, tính cơ động và áp dụng công nghệ thông tin, sự tinh gọn và khả năng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Nhưng các cơ chế kiểm soát chính trị đối với quân đội sẽ vẫn giữ được tính độc đáo hiếm có của mình.

Hệ thống lãnh đạo cũ của quân đội Trung Quốc

Hệ thống các cơ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc rất độc đáo: mặc dù những cơ quan riêng lẻ có tên gọi nhang nhác của Liên Xô, nhưng các chức năng thật sự của chúng khác hẳn so với các cơ quan tương tự của Liên Xô, chứ chưa nói đến của phương Tây.

Trước hết, chủ tịch Trung Quốc, khác với tổng thống các nước khác, không phải là tổng tư lệnh quân đội. Trọng trách tổng tư lệnh tối cao được giao cho chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương Trung Quốc có các thành viên trùng với Quân ủy trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc. Thông thường, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đồng thời nắm giữ hai chức vụ này (cũng như chức vụ đảng cao nhất là tổng bí thư ủy ban trung ương đảng cộng sản Trung Quốc), nhưng cũng có thể có những ngoại lệ.

Chẳng hạn, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, sau khi rời khỏi các chức vụ tổng bí thư đảng cộng sản và chủ tịch nước Trung Quốc vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, nhưng vẫn giữ chức chủ tịch quân ủy trung ương thêm hai năm nữa. Điều đó đã cho phép ông ta duy trì một phần không nhỏ ảnh hưởng của mình.

Lính Trung Quốc tại cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Damir Sagolj / Reuters)
Lính Trung Quốc tại cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Damir Sagolj / Reuters)

Bộ quốc phòng là cơ quan có vai trò rất thứ yếu trong bộ máy quân sự Trung Quốc. Bộ này không chỉ đạo công tác xây dựng quân đội, không thực hiện công tác mua sắm, không phụ trách tài chính và cán bộ và không có thẩm quyền gì trong việc lãnh đạo/chỉ huy quân đội. Bộ quốc phòng Trung Quốc có hai chức năng chính: đại diện cho quân đội Trung Quốc khi giao thiệp với các đối tác quốc tế (bộ trưởng quốc phòng cũng chính là nhà ngoại giao quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc) và thực hiện việc điều phối giữa giới chức quân đội và chính quyền dân sự.

Quân ủy trung ương kiểm soát hoàn toàn việc lãnh đạo/chỉ huy quân đội và cảnh sát nhân dân vũ trang (tương đương bộ đội nội vụ Nga), lực lượng cảnh sát nhân dân vũ trang đồng thời có thể chuyển thuộc cho Bộ công an.

Nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung uwowg có 4 tổng bộ (ta có thể tạm gọi là tổng cục): bộ tổng tham mưu, tổng bộ chính trị, tổng bộ hậu cần và tổng bộ trang bị. Ba cơ quan đầu được thành lập trong biên chế Hồng quân Trung Quốc vào năm 1930. Tổng bộ trang bị thì được thành lập trong quá trình cải cách hệ thống lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vào năm 1998.

Bộ tổng tham mưu và tổng bộ chính trị đặc biệt quan trọng, quan trọng hơn nhiều các cơ quan tương tự của Liên Xô.

 
Máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc tại cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Chen Bin / Zuma / Global Look)
Máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc tại cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Chen Bin / Zuma / Global Look)

Chẳng hạn, nằm trong cơ cấu Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc có Cục cảnh vệ trung ương - cơ quan tương tự như Cơ quan Bảo vệ liên bang FSO của Nga, nhưng có thẩm quyền rộng lớn hơn về mặt hoạt động nghiệp vụ, có riêng một trung đoàn cảnh vệ trung ương, hơi giống với Trung đoàn Kremlin của Nga.

Cùng với Bộ 2 (tình báo) truyền thống, Bộ tổng tham mưu còn có Bộ 3 (trinh sát kỹ thuật và tình báo không gian mạng) khổng lồ và Bộ 4 (tác chiến điện tử và tiến hành các chiến dịch phá hoại trong các mạng máy tính). Chính Cục 3 với quy mô hoạt động có thể sánh với Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA hứng chịu nhiều cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc về hoạt động gián điệp mạng.

Tổng bộ chính trị còn đặc sắc hơn nữa. Ngoài công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, nó còn kiểm soát các tòa án quân sự, viện kiểm sát quân sự và điều đặc biệt quan trọng là cơ quan an  ninh (phản gián). Cơ quan an ninh của Tổng bộ chính trị là cơ quan đặc vụ quân đội ít được biết đến nhưng cực kỳ quyền lực với những thẩm quyền vượt xa khỏi phạm vi quân đội. Cơ quan này cũng quản lý hệ thống trại giam đặc biệt của quân đội.

Cuối cùng, tổng bộ này cũng kiểm soát cục cán bộ của quân đội. Điều còn thú vị hơn là Tổng bộ chính trị còn có cả cơ quan tình báo chính trị riêng có tên là Cục liên lạc đối ngoại. Cục này chuyên trách về các chiến dịch ảnh hưởng và tuyên truyền bí mật ở nước ngoài, cũng như thu thập thông tin chính trị. Các địa bàn hoạt động chính của cục là các nước giáp giới Trung Quốc, và Đài Loan.

Tổng bộ hậu cần kiểm soát cơ quan tài chính, hậu cần và xây dựng cơ bản, nên cũng là nguồn gốc chính của tham nhũng (chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc vì thế đã bắt đầu từ việc bắt giữ trung tướng Cốc Tuấn Sơn, phó chủ nhiệm Tổng bộ hậu cần, cựu cục trưởng Cục nhà đất và cơ sở vật chất vào năm 2012). Tổng cục trang bị chịu trách nhiệm điều phối việc xây dựng các yêu cầu, đặt hàng và mua sắm vũ khí trang bị, cũng như kiểm soát chương trình vũ trụ quân sự.

Quân ủy trung ương gồm chủ tịch (thường là một nhân vật dân sự), 2 vị phó chủ tịch (quân nhân), các chủ nhiệm tổng cục, các tư lệnh quân chủng hải quân và không quân, tư lệnh Lực lượng pháo binh 2 (bộ đội tên lửa chiến lược). Nằm trong Quân ủy trung ương thường còn có bộ trưởng quốc phòng. Tất cả các thành viên Quân ủy trung ương đều mang quân hàm thượng tướng.

Sau khi ứng viên cho vị trí lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc, người sẽ đứng đầu quốc gia khi chuyển đổi thế hệ lãnh đạo, được xác định ở đại hội đảng tiếp theo, chính trị gia đó cũng được đưa vào Quân ủy trung ương ở cương vị phó chủ tịch. Như vậy, ông ta có được mấy năm để tìm hiểu công tác quân sự và thiết lập quan hệ với giới quân sự. Quân ủy trung ương lãnh đạo hệ thống gồm 7 đại quân khu (trong phạm vi các đại quân khu, người ta đã có nỗ lực hợp nhất sự chỉ huy các lực lượng của không quân và lục quân) và 3 hạm đội.

Được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương còn có Lực lượng pháo binh 2, cũng như Học viện vật lý kỹ thuật ở tỉnh Tứ Xuyên chuyên phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân.

Những nhược điểm của hệ thống này là khó tổ chức phối hợp giữa các tổng cục, quân chủng và binh chủng mà phần nhiều là do tính chất của các tổng cục là cồng kềnh, quan liêu thâm căn cố đế, có lịch sử truyền thống lâu đời, vẻ vang và bảo thủ, phản đối thay đổi. Bất chấp mọi nỗ lực, Trung Quốc đã không khức phục được tính chất lục quân có tính áp đapr của quân đội và các cơ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc. Đồng thời, do vị trí địa lý và tình hình chính trị-quân sự ở châu Á, Trung Quốc đơn giản là không có các địch thủ trên bộ tiềm tàng đáng gờm để biện minh cho sự tồn tại của quân đội Trung Quốc ở hình thức hiện nay.

Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Pan Yulong / Zuma / Global Look)
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Pan Yulong / Zuma / Global Look)
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Pan Yulong / Zuma / Global Look)
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31 trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 (Pan Yulong / Zuma / Global Look)

Từ hệ thống lãnh đạo-chỉ huy kể trên chỉ còn lại Quân ủy trung ương. Nhưng từ một cơ cấu thực hiện quyền lãnh đạo chính trị chung đối với lĩnh vực quân sự, nó sẽ biến thành một trung tâm thần kinh liên kết với 15 cơ quan trực thuộc.

Trước hết đó là 7 cơ quan có quy chế cấp bộ (ta gọi là cấp cục cho dễ hiểu). Bộ tham mưu liên hợp sẽ thế chỗ cho Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc và thực hiện chức năng chỉ huy tác chiến tất cả các quân chủng. Lực lượng Pháo binh 2 chuyển thành Bộ đội tên lửa. Các bộ tư lệnh quân chủng nay không trực thuộc Quân ủy trung ương mà trực thuộc Bộ tham mưu liên hợp. Cục công tác chính trị có thể chỉ còn làm nhiệm vụ chính trị-tư tưởng và tuyên truyền. Cục hậu cần sẽ tiếp nhận một phần các chức năng của Tổng bộ hậu cần, có lẽ ngoại trừ một số chức năng tài chính. Cục trang bị kế thừa đa số các chức năng của Tổng bộ (tổng cục) trang bị trước đây. Ngoài ra, Cục huấn luyện và Cục động viên quốc phòng cũng được thành lập. Văn phòng Quân ủy trung ương có quy chế một cục độc lập.

Ngành quân pháp và an ninh bị đưa khỏi quyền kiểm soát của các cán bộ chính trị. Ủy ban kiểm tra và kỷ luật (cơ quan chống tham nhũng độc lập) và Ủy ban chính pháp (kiểm soát các tòa án, viện kiểm sát và rõ ràng là cả cơ quan an ninh) chuyển sang trực thuộc trực tiếp Quân ủy trung ương. Ủy ban khoa học kỹ thuật, một bộ phận khác của Tổng bộ trang bị trước đây, nay cũng trực thuộc Quân ủy trung ương.
Ngoài ra, trực thuộc Quân ủy trung ương còn có các văn phòng độc lập là: Văn phòng quy hoạch chiến lược; Văn phòng cải cách biên chế; Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế; và Sở thống kê, Tổng cục quản lý.
Trong hệ thống mới, chưa rõ vai trò của Bộ quốc phòng vốn trước đây phụ trách công tác hợp tác quốc tế. Sở thống kê được rút khỏi cơ cấu của Tổng cục hậu cần. Các cục 3 và 4 (trinh sát kỹ thuật, tác chiến điện tử, tác chiến mạng) trước đây thuộc Bộ tổng tham mưu thì hợp nhất thành binh chủng mới là Bộ đội chi viện chiến lược. Có lẽ, bộ đội vũ trụ cũng thuộc binh chủng này.

Bởi lẽ trước đây, Bộ tổng tham mưu cũng thực hiện các chức năng của Bộ tư lệnh lục quân, nên cùng với sự giải thể Bộ tổng tham mưu, thì Bộ tư lệnh lục quân cũng được thành lập. Trong cấu trúc mới, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng số phận của một số cơ quan tình báo quân sự, cũng như vị trí của cơ quan mới phụ trách mua sẵm vũ khí trang bị và hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài.

Có thể đó là Cục trang bị. Các bước cải cách tiếp theo dự kiến được công bố trong thời gian tới sẽ bao gồm việc thành lập 4 bộ chỉ huy chiến lược liên hợp (dự kiến gọi là địa chiến khu) thay cho 7 đại quân khu hiện nay. Hiện chưa rõ diện mạo của hải quân Trung Quốc. Người ta cũng sẽ phải cắt giảm đáng kể lục quân, một phần các trường quân sự và cơ quan hành chính.

Nhịp độ cải cách quân đội Trung Quốc tăng dần từ cuối những năm 2000. Họ đã thực hiện được bước tiến mạnh về trang bị cho quân đội Trung Quốc. Ở giai đoạn hiện tại, không còn là vũ khí trang bị mà chính là cơ cấu tổ chức-biên chế, hệ thống chỉ huy và huấn luyện chiến đấu lỗi thời là những yếu tố hạn chế chủ yếu.

Liên quan đến vũ khí trang bị của quân đội Trung Quốc thì chúng cũng thường được liệt vào các thế hệ giống như các loại vũ khí trang bị chính của các nước phát triển. Những thay đổi đã đụng chạm đến cơ cấu tổ chức-biên chế (ví dụ, việc giải thể các cấp sư đoàn và trung đoàn trong lục quân và không quân), hệ thống huấn luyện chiến đấu và biên chế của quân đội.

Những cải cách hiện nay là rất triệt để và sẽ kéo theo những hậu quả chính trị lớn bởi vì các ủy viên từ quân đội của Quân ủy trung ương cũng luôn luôn là ủy viên trung ương đảng và một số trường hợp là ủy viên bộ chính trị. Chính phủ Trung Quốc chưa bắt đầu cải cách chừng nào trong quân đội và bộ máy nhà nước chưa tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mà một mặt thì làm tăng mạnh uy tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, còn mặt khác làm suy yếu các địch thủ tiềm tàng.

Nhưng cả trong những điều kiện đó, cuộc cải cách có thể đòi hỏi thời gian, sẽ đi cùng với nhiều khó khăn và sai lầm, những phản ứng tiêu cực của dư luận và bình luận ác ý từ nước ngoài như thường xảy ra theo kinh nghiệm của Nga.

Theo VND