Chỉ mới sang tháng 8, chúng ta đã dùng hết nguồn tài nguyên mà Trái Đất cung cấp được cho cả năm

Lý tưởng thì ngày vượt ngưỡng nên rơi vào 31 tháng 12, hoặc thậm chí qua năm mới.

Kết thúc tháng 7, cả nhân loại đã vừa dùng hết nguồn tài nguyên bền vững cho cả năm, theo thống kê của Earth Overshoot Day, dự án đặt ra khái niệm "Ngày vượt ngưỡng".

Đó là một thời điểm trong năm mà chúng ta dùng hết toàn bộ lượng thực phẩm, gỗ, chất xơ và carbon mà hành tinh có thể tái sản sinh trong một năm. "Ngày vượt ngưỡng" là minh chứng cho những áp lực mà con người đang đặt lên Trái Đất.

Sử dụng tài nguyên quá mức, không đồng bộ và kết hợp với tái sinh không thể giúp chúng ta có được tương lai bền vững.

Chỉ mới sang tháng 8, chúng ta đã dùng hết nguồn tài nguyên mà Trái Đất cung cấp được cho cả năm
Chỉ mới sang tháng 8, chúng ta đã dùng hết nguồn tài nguyên mà Trái Đất cung cấp được cho cả năm

Ngày vượt ngưỡng của Trái Đất là một dự án nghiên cứu quốc tế dựa trên sáng kiến của Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network-GFN). Trong đó, các chuyên gia và nhà khoa học sẽ tính toán, đo lường để đề ra các giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt nhất cho nhân loại.

Đúng như tên gọi, dự án tính toán ra một "ngày vượt ngưỡng", ở đó cả thế giới đã dùng hết nguồn tài nguyên Trái Đất có thể tái sinh cho cả năm. Trong điều kiện lý tưởng, ngày vượt ngưỡng nên rơi vào ngày 31 tháng 12, hoặc thậm chí vào năm mới.

Nhưng ngày từ năm đầu tiên của dự án, các nhà nghiên cứu đã ước lượng được ngày vượt ngưỡng của năm 1970 là 29 tháng 12, chỉ tiệm cận mức lý tưởng. Đáng lo ngại hơn, kể từ đó tới nay con số đã luôn trượt về phía trước.

Hai mươi năm trước, ngày vượt ngưỡng năm 1999 của Trái đất rơi vào 29 tháng 9. Và đến năm nay, nó đã trượt lên 2 tháng nữa, rơi vào ngày 29 tháng 7.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có cách nào để chúng ta đẩy lùi ngày vượt ngưỡng lại hay không? Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (GFN) cho biết chúng ta vẫn có một số chiến lược hữu ích, nhưng vấn đề là cả nhân loại phải cùng nhau thực hiện chúng.

Hạn chế tối đa lượng carbon thải ra môi trường từ hoạt động kinh tế là công cụ mạnh nhất giúp chúng ta giảm gánh nặng đặt lên các nguồn tài nguyên trên Trái Đất, Mathis Wackernagel, nhà sáng lập GFN, cho biết

Nếu chúng ta có thể quản lý tốt để cắt giảm lượng khí thải carbon xuống một nửa, ngày vượt ngưỡng sẽ lùi lại 3 tháng.

Ngày vượt ngưỡng đang liên tục tiến về phía trước
Ngày vượt ngưỡng đang liên tục tiến về phía trước

Wackernagel cho biết kế hoạch đảo ngược này không phải là kịch bản giả tưởng. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều cơ hội giúp chúng ta giảm tải áp lực đặt lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó đều là những cơ hội hết sức khả thi.

Trong hai năm qua, GFN đã tiến hành nghiên cứu với tập đoàn quản lý năng lượng Schneider Electric để tìm ra những giải pháp công nghệ tiết kiệm tài nguyên. 

Họ phát hiện ra rằng nếu 100% cơ sở hạ tầng công nghiệp và các tòa nhà hiện tại được trang bị công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, ngày vượt ngưỡng của Trái Đất sẽ bị đẩy lùi 21 ngày, thậm chí không cần thay đổi trong hành vi con người.

Nhưng thay đổi hành vi của con người cũng là một đòn bẩy mạnh mẽ, theo GFN. Hoạt động di chuyển và vận chuyển cá nhân hiện đang chiếm 17% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới.

Nếu mọi người hạn chế sử dụng ô tô với động cơ đốt xuống 50%, chẳng hạn một tháng đi bộ, đi xe đạp hoặc xe bus đi làm một nửa số buổi, ngày vượt ngưỡng cũng sẽ lùi thêm 11,5 ngày.

Để khuyến khích điều này, các thành phố trên toàn cầu cần nhanh chóng mở rộng mạng lưới giao thông công cộng và giao thông bền vững. Mục đích là khiến cho người dân cảm thấy các hệ thống giao thông này tiện dụng và họ có thể dễ dàng chấp nhận sự thay đổi khi từ bỏ hoặc hạn chế phương tiện cá nhân.

Một lĩnh vực khác mà sự lựa chọn của chúng ta cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể, đó là nông nghiệp và thực phẩm.

Trong kịch bản con người giảm lượng thịt tiêu thụ xuống 50% và tăng tiêu thụ rau quả, ngày vượt ngưỡng của Trái Đất sẽ lại bị đẩy lùi thêm 15 ngày. Giảm chất thải thực phẩm, chẳng hạn như thức ăn thừa cũng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm 10 ngày.

Và một trong những công cụ quan trọng nhất nhưng chưa nhận được nhiều sự thảo luận là quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình.

GFN chỉ ra rằng trong các xã hội nơi nữ quyền được đề cao, phụ nữ được đối xử bình đẳng, có cơ hội tiếp cận các cơ hội giáo dục và nghề nghiệp ngang bằng với nam giới, tỷ lệ sinh đẻ sẽ có xu hướng thấp hơn.

Cân bằng để tránh bùng nổ dân số có thể giúp chúng ta đẩy ngày vượt ngưỡng lùi lại 1 tháng cho đến năm 2050.

Nếu muốn cùng nhau kiến tạo một hành tinh đáng sống hơn, với một tương lai tốt đẹp hơn, không gì khác chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ hôm nay.
Nếu muốn cùng nhau kiến tạo một hành tinh đáng sống hơn, với một tương lai tốt đẹp hơn, không gì khác chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ hôm nay.

Tất cả các giải pháp nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên trên Trái Đất đều có trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, GFN cho biết họ chủ yếu ủng hộ những thay đổi mạnh mẽ hơn trên các hệ thống xã hội.

Chẳng hạn, các nhà quy hoạch đô thị cần thiết kế lại các thành phố để cho phép mọi người dễ dàng chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện cộng cộng. Ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp phải có ý thức giảm hoạt động sản xuất thịt động vật, đồng thời xây dựng một hệ thống tái sinh và bền vững hơn.

Và những ngành công nghiệp dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như khai thác rừng lấy gỗ nên đầu tư vào các giải pháp thay thế. Giảm thiểu hoạt động khai thác rừng kết hợp với trồng lại 350 triệu ha sẽ giúp ngày vượt ngưỡng lùi lại 8 ngày.

Bằng cách tập trung vào các giải pháp để đẩy lùi ngày vượt ngưỡng, GFN đang giúp nhân loại tiến đến một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn. Nhưng như Wackernagel nói, không điều gì có thể tự nhiên diễn ra. Nếu muốn cùng nhau kiến tạo một hành tinh đáng sống hơn, với một tương lai tốt đẹp hơn, không gì khác chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ hôm nay.

Theo Trí thức trẻ

http://ttvn.vn/cong-nghe/chi-moi-sang-thang-8-chung-ta-da-dung-het-nguon-tai-nguyen-ma-trai-dat-cung-cap-duoc-cho-ca-nam-7201958122410561.htm