Chia sẻ tại tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào?", ông Nguyễn Quốc Trung cho biết trong năm 2022, tình hình vận hành hệ thống điện tương đối thuận lợi nhờ thủy lợi tốt.
Những tháng đầu năm 2023, đã xảy tình trạng thiếu nước nhưng chưa rõ ràng, trong khi nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế vẫn bám sát kế hoạch Bộ Công thương phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 4-5, hệ thống điện bắt đầu xuất hiện những khó khăn trong quá trình vận hành; và sang tháng 6 thì trở nên căng thẳng.
Cụ thể, trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng cao, đạt 453 triệu số điện/ngày, chiếm 51% tổng sản lượng toàn hệ thống, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng và tình hình hạn hán ở các hồ thủy điện tiếp tục căng thẳng, mức nước giảm thấp, thấp hơn cả mức xác suất 100 lần khô hạn 1 lần.
Trước bối cảnh khó khăn, ông Trung cho biết, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, EVN và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải huy động nhiều nguồn lực phát điện, bao gồm cả những nhà máy chạy dầu với mức giá lên tới 5.000 đồng/kwh.
“Khu vực miền Trung và miền Nam cơ bản không thiếu điện, đảm bảo lượng cung cấp điện cho khách hàng. Tuy nhiên, miền Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trung nhấn mạnh.
'Chúng tôi rất cần sự đồng hành của khách hàng'
Theo lãnh đạo EVN, để giải quyết những khó khăn này, tập đoàn đã triển khai một số giải pháp như không đặt lịch sửa chữa các nhà máy, tập trung vào phát điện; truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc qua đường dây 500kV; nhập khẩu điện.
“Sau tất cả những nỗ lực, chúng tôi vẫn rất cần sự đồng hành của khách hàng để duy trì hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định. Không tiết kiệm điện, không có biện pháp cấp bách, kịp thời, nhà máy thuỷ điện Hòa Bình có thể về mức nước chết và chúng ta sẽ mất thêm hơn 1.920MW”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, thuỷ điện Hoà Bình là nhà máy điều tần cho hệ thống, nếu về mức nước chết, không phải chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, tình hình sẽ khó khăn và căng thẳng hơn nhiều.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, do các dự án thủy điện chậm tiến độ từ 2016 - 2020, hiện miền Bắc đang bị hụt 5.600MW thuỷ điện.
Hiện nay, EVN đang có đề xuất với Bộ Công Thương về việc mở rộng các nhà máy thuỷ điện sẵn có để bổ sung, đảm bảo một phần công suất thiếu hụt và đây sẽ là nguồn bổ sung rất ổn định.
Cũng theo ông Lâm, EVN đã lập các kịch bản chi tiết cho từng địa phương, phối hợp với các địa phương trong việc rà soát các kịch bản này. UBND các tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo về cung ứng điện, xác định thứ tự ưu tiên, đảm bảo cho các doanh nghiệp và người dân được sử dụng điện một cách công bằng, minh bạch./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu