Những lo ngại
Liệu những thành quả của trí tuệ nhân tạo (AI) mà cụ thể là ứng dụng ChatGPT có thay thế con người? Đã có những đứa trẻ lo sợ cha mẹ của mình bị mất việc vì ChatGPT với những câu hỏi dù còn ngây thơ nhưng chắc chắn người lớn cũng phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc.
Lý do vì nhiều người thường phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng để viết báo cáo cho những công việc của mình, thì nay với việc đặt câu hỏi cho ChatGPT là có ngay kết quả trong giây lát. Một nhân viên văn phòng cho biết công việc của họ có nhiều nguy cơ bị thay thế bởi AI, nhưng không ngờ công nghệ lại bùng nổ sớm và tác động nhanh chóng đến vậy.
Dù không quá lo lắng nhưng bà mẹ này cũng đã mường tượng về thách thức công nghệ có thể lấn át con người trên nhiều lĩnh vực, không chỉ lao động phổ thông mà ngay cả lao động trí óc trong tương lai không xa.
Chị cũng nói với con một cách văn vẻ "công nghệ hỗ trợ mình làm việc một cách tốt hơn" nhưng chính bản thân chị cũng nghi ngờ điều mình nói. Có thể chị chưa bị AI thay thế nhưng chưa chắc thoát khỏi sự đào thải nếu không kịp bắt nhịp. Là một người mẹ, điều chị băn khoăn nhất trước khả năng của công nghệ chính là việc làm trong tương lai của con cái.
Liệu các nhân viên văn phòng có mất việc vì ChatGPT? |
Còn có cả những nỗi lo về chuyện sẽ tràn ngập những luận văn, luận án được không ít nghiên cứu sinh sử dụng ChatGPT để thực hiện cho mình. Đây là thực tế chắc chắn sẽ nảy sinh bởi các chuyên gia trong mọi lĩnh vực sẽ tranh thủ ChatGPT để làm công cụ cho những việc cần làm của chính mình.
GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn – một giảng viên đại học là Việt kiều tại Australia cho biết, giảng viên và sinh viên có thể sử dụng nó như một công cụ trợ giúp, chứ không thể thay thế suy nghĩ của con người. Ngoài ra, một số đại học tìm cách hạn chế sinh viên sử dụng ChatGPT qua các biện pháp như thay đổi các ra bài tập, và đồng thời cảnh báo sinh viên về vi phạm đạo đức học thuật khi sử dụng ChatGPT làm bài tập.
Rất khó đánh giá ChatGPT tốt ra sao trong trường hợp cụ thể trên, vì tôi không biết luận văn đó thuộc cấp nào (cử nhân hay thạc sĩ). Sẽ rất ngạc nhiên nếu ChatGPT có thể viết một luận văn hoàn chỉnh, dù chỉ là cấp cử nhân.
Một luận văn hoàn chỉnh đòi hỏi phải có giả thuyết, phương pháp, kết quả thí nghiệm, diễn giải kết quả, và tài liệu tham khảo. Kinh nghiệm của tôi cho thấy ChatGPT không có khả năng phát biểu một giả thuyết cụ thể, không thể viết phần phương pháp thích hợp, và rất dở trong phần bàn luận. Còn phần tài liệu tham khảo thì ChatGPT sai be bét.
Hỏi ChatGPT về tài liệu tham khảo cho một chủ đề loãng xương, và ChatGPT đưa ra câu trả lời hoàn toàn sai, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tất cả câu trả lời của ChatGPT về tài liệu tham khảo đều “bịa” (tức là không có thật).
Do đó, ChatGPT sẽ không bao giờ viết một luận văn hoàn chỉnh, vì nó không bao giờ thay thế được suy nghĩ của con người. ChatGPT không bao giờ thay thế được cái mà phương Tây gọi là "critical thinking" (tạm hiểu là “tư duy phân tích”).
Không cần quá lo lắng
Theo TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - ChatGPT là giải pháp công nghệ mới, được đánh giá là mô hình Chatbot xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đại, cách xử lý tạo ra văn bản, hội thoại rất gần với ngôn ngữ của con người.
Nhiều người dùng, nhất là giới trẻ, tìm đến ChatGPT vì tò mò gắn với nhu cầu tìm kiếm thông tin, tương tác xã hội, để tìm cơ hội ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, nên ChatGPT tạo sức hút mãnh liệt.
Thứ hai, ChatGPT thỏa mãn mô hình chấp nhận công nghệ, phàm cái gì dễ dùng người ta đều muốn dùng thử, sau đó là sử dụng trong thực tế.
Thứ ba, chức năng ChatGPT là tạo lập văn bản và tạo hội thoại tương tác giữa con người và máy, nên nó cũng đáp ứng nhu cầu cao của giới trẻ trong việc học tập cũng như thực hiện nhiệm vụ học tập.
Ngoài ra, ChatGPT vượt trội hơn những công cụ khác, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm thông tin mà còn trình bày thông tin logic, sắp xếp thông tin theo chủ đề, thỏa mãn việc thực hiện nhiệm vụ học tập như giải toán, viết đoạn văn, đưa ra ý tưởng cho vấn đề của học sinh.
Có thể khẳng định ChatGPT tạo nên sự thay đổi bản chất của mạng xã hội, trước đây là tương tác người với người thông qua nền tảng, còn giờ tương tác giữa người với máy, tạo ra giá trị mới nên thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Một trong bốn hướng mà OpenAI đặt ra cho Chatbot này là công cụ hỗ trợ học tập nên ChatGPT sẽ có tác động nhất định trong giáo dục.
Tất nhiên nền tảng nào cũng có những tiêu cực và ChatGPT cũng thế. Hiện nay ta mới thấy ở góc độ gian lận trong kiểm tra đánh giá cũng như thi cử nhưng cũng không cần lo lắng vì cũng sẽ có những biện pháp khắc chế tiêu cực.
Về công nghệ, ChatGPT dễ sử dụng để gian lận trong làm bài luận, xây dựng ý tưởng thì chúng ta cũng có những giải pháp công nghệ khắc chế nó: ChatGPT có thể xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo lập văn bản thì cũng có mô hình kiểm chứng tính xác thực của văn bản đó để khẳng định nó không phải do máy mà do con người thực hiện.
Và quan trọng là đã đến lúc ta phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, không thể kiểm tra đánh giá theo kiểu mô tả, trình bày hay tái hiện lại nữa mà cần có công cụ, hình thức, cách thức như kết hợp nhiều hình thức kiểm tra với nhau, thừa nhận việc viết luận, tạo lập văn bản chỉ là một sản phẩm, ngoài ra yêu cầu người học phải tạo lập những sản phẩm khác kèm theo.
Ngoài ra, tiêu cực nữa là ChatGPT còn gây ra sự lười suy nghĩ với người học và lười chuẩn bị từ phía người dạy: Khi người học lười suy nghĩ và quá lệ thuộc và giải pháp phần mềm như này thì người thầy phải thay đổi cách dạy để người học biết cách đặt vấn đề, tư duy phản biện chứ không phải chỉ đưa ra những mệnh lệnh mang tính tìm kiếm, tập hợp thông tin.
Với người dạy chúng ta cũng phải thay đổi, trước đây dạy theo kiểu cung cấp thông tin thì giờ phải dạy theo con đường tìm kiếm, tạo ra thông tin, phân tích, xử lý thông tin và câu trả lời không quan trọng bằng cách tìm ra câu trả lời...
Chúng ta hãy bình tĩnh chấp nhận nó, coi nó là phương tiện mới. Theo thống kê, phương tiện hỗ trợ cho giáo dục hiện nay cũng có vài nghìn công cụ và đương nhiên, thêm ChatGPT cũng chỉ hỗ trợ thêm cho quá trình dạy học.
Với tư cách là nhà giáo dục chúng ta phải nhìn trước và định hướng được những giới hạn có thể để ứng dụng nó, lan tỏa quá trình giáo dục đến đâu và nguồn lực kiểm soát nó.
Thứ hai, ChatGPT có thể phát triển tiếp theo hướng tích hợp vào nền tảng học tập những giải pháp hỗ trợ học tập theo lĩnh vực như Hóa, Lý, Toán...
Hiện nay đưa cho ChatGPT câu hỏi nào đó nó sẽ đưa lời khuyên thì cũng có thể tính đến việc phát triển nó theo hướng đối thoại sâu theo chương trình toán bậc phổ thông cũng rất thú vị.
Cái quan trọng nhất là cần hướng dẫn về chính sách mang tính định hướng cho chính giáo viên và học sinh về ChatGPT.
Hiện nay, ChatGPT đi theo hướng ai cũng dùng được, thao tác đơn giản nên sự lan tỏa nhanh, nếu không có hướng dẫn về chính sách thì dễ có những hệ lụy sau này phải xử lý vất vả.
Ngoài ra, giáo dục phát triển sẽ là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hay là phải tạo được mô hình, hình thái giáo dục mới như giáo dục online, giáo dục dựa trên trải nghiệm của người học, với chương trình linh hoạt hơn.
Ví dụ chương trình giáo dục hướng đến cá nhân hóa cao độ, thỏa mãn nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người học, học ở trạng thái, bối cảnh tạo cho người học có trải nghiệm linh hoạt, học mọi lúc mọi nơi với bất kỳ ai.... ChatGPT ra đời là sự kiện khiến chúng ta phải nhìn nhận đánh giá lại những nhiệm vụ sắp tới để thúc đẩy giáo dục phát triển theo định hướng chúng ta đã vạch ra.
Còn theo PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - ChatGPT không phải là 'cơn sóng thần' và nó cũng không thể tác động vào các hoạt động quan trọng nhất trong giáo dục.
Nhìn bề ngoài, sẽ thấy ChatGPT ảnh hưởng đến việc tìm kiếm kiến thức, trả lời những câu hỏi và tập trung vào kiến thức hoặc là bước suy luận đơn giản. Trong khi, mục tiêu của giáo dục không phải là chỉ có như thế.
Phải đặt ra câu hỏi ngược lại là tại sao không nghĩ đến việc sử dụng công nghệ để học tập cũng như gia tăng cơ hội cho mọi người? Thực tế, tại Việt Nam đã khuyến nghị việc học tập kết hợp, tức là kết hợp học trực tuyến với trực tiếp, kết hợp học không sử dụng với học sử dụng công nghệ.
Hãy làm bạn với ChatGPT với lòng tự trọng cao nhất
Là một chuyên gia trong lĩnh vực AI, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ, ChatGPT gây bất ngờ cho chính những người làm về AI như ông bởi sự xuất sắc trong việc làm dữ liệu huấn luyện, tinh chỉnh mô hình.
Đó là lý do khiến ứng dụng này đạt được 100 triệu người dùng chỉ trong 2 tháng, một con số mà chưa một ứng dụng nào có thể đạt được trước đó, cũng chưa bao giờ có một ứng dụng công nghệ thành công về mặt truyền thông như ChatGPT.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài cho biết, có những công việc đòi hỏi học đại học 3-4 năm để làm được nhưng giờ ChatGPT có thể làm thay. “ChatGPT được huấn luyện để viết code và viết khá tốt. Nó có thể làm bài thi dành cho một kỹ sư cấp 3, có thể viết thơ, viết văn và rất nhiều việc khác”.
Hiện nay có nhiều cách phản ứng khác nhau với ứng dụng này. Có nhiều người quá đề cao ứng dụng này. Tuy nhiên thực tế, ChatGPT vẫn có điểm yếu của nó, đặc biệt là khả năng đảm bảo tính chính xác của nội dung viết ra.
Rất nhiều người Việt Nam đã bằng các thủ thuật khác nhau để sử dụng ChatGPT miễn phí |
Ở một thái cực khác, nhiều người lo ngại ChatGPT sẽ thay thế công việc của họ. Nhiều trường học cấm sử dụng ChatGPT, cách phản ứng này là chưa phù hợp vì tiến bộ công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng là tự nhiên, giống như hoa đến thì hoa phải nở. Điều quan trọng là có nhận thức đúng và thái độ tiếp cận đúng.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ, trong lịch sử không phải có phần mềm kế toán thì kế toán mất việc. Câu chuyện với trí tuệ nhân tạo cũng như vậy. Nếu chúng ta nhìn trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng là công nghệ, nó giúp chúng ta nhàn hơn, giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Nó sẽ thay thế những người không chịu cập nhật, không chịu làm việc với nó. Đó là những người sẽ bị thay thế. Vì vậy, cần biến ChatGPT thành một người bạn, thành trợ lý của chúng ta chứ không phải ta là trợ lý cho nó.
Trước câu hỏi có nên lo lắng về sự phát triển của ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực giáo dục hay không, GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu Trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng sự tiến bộ của khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta sử dụng nó như thế nào. Sợ sự tiến bộ và kìm hãm sự phát triển của khoa học là một xu hướng lạc hậu.
Phân tích rõ hơn, GS. TS. Nguyễn Văn Minh nêu dẫn chứng, học cùng một thầy giáo nhưng có học sinh trở thành thiên tài nhưng có những người thì không.
"Dạy học không chỉ thuần túy và truyền đạt kiến thức mà còn phải tìm ra khả năng để phát triển năng lực mỗi con người mới là điều quan trọng. Trong giáo dục, tính cá nhân của mỗi người rất cao và không gì có thể thay thế con người được. Tôi nghĩ, chúng ta không nên quan ngại mà nên khuyến khích người dùng một cách thông minh, nhân văn, một cách khoa học" - GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng khoa học công nghệ do con người tạo ra, con người hoàn toàn có thể điều khiển. Vấn đề quan trọng nhất là phải giáo dục tự trọng trong mỗi con người, cả với người học và người dạy học.
"Giáo dục lòng tự trọng trong mỗi con người là việc rất khó nên cần sự bền bỉ, thường xuyên và liên tục. Đối với những đứa trẻ, chúng ta không nên dạy ngay những thứ cao siêu mà nên bắt đầu từ những hành vi đơn giản, đúng quy chuẩn của xã hội để chúng ý thức được lòng tự trọng.
"Còn đối với người dạy, việc đạo văn hay nhờ công nghệ làm hộ sớm muộn cũng sẽ bị chính học sinh, sinh viên của mình tẩy chay. Chính bởi vậy, điều cần thiết nhất chính là lòng tự trọng của mỗi người" - GS.TS. Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh./.