Chân dung "kiến trúc sư" chính sách đối ngoại thời Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Kiến trúc sư trưởng" của chính sách đối ngoại thời Biden được trông đợi sẽ khôi phục lòng tin của các đồng minh, tập hợp các đối tác quốc tế trong cuộc cạnh tranh mới với Trung Quốc.
Ông Antony Blinken đã được đề cử làm Ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Reuters)
Ông Antony Blinken đã được đề cử làm Ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Nhà ngoại giao kỳ cựu, cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử Joe Biden, ông Antony Blinken, đã được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ. Vốn không phải là một nhân vật xa lạ với Việt Nam, trong vai trò Thứ trưởng Thứ nhất Ngoại giao thời chính quyền ông Obama, ông Blinken đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Theo ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, người đã duy trì tình bạn hơn ba mươi năm với ông Antony Blinken kể khi còn làm việc chung cho tờ báo sinh viên The Crimson của Harvard, “Tony (tên thường gọi của ông Blinken) là người chú trọng gây dựng các mối quan hệ”.

“Ngoại giao, về bản chất, là gây dựng các mối quan hệ tin cậy. Và Tony là người luôn đề cao và đầu tư sức lực cho việc đó”.

“Khi Thứ trưởng Thứ nhất Ngoại giao Hoa Kỳ Tony Blinken tới Hà Nội vào cuối tháng Tư năm 2016 để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama, Chính phủ nhiệm kì mới của Việt Nam mới được thành lập khoảng hai tuần. Các nhà lãnh đạo mới của Hà Nội khi đó đang phải đương đầu với hai cuộc khủng hoảng môi trường, ở Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam.

Tony tỏ ra là một lựa chọn đúng đắn cho vị trí đặc phái viên vào những thời điểm căng thẳng, bởi ông ấy mới thăm Việt Nam một năm trước đây và đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng/Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam tin tưởng ông ấy” - Đại sứ Osius dẫn chứng trường hợp với Việt Nam trong cuốn sách hồi kí sẽ xuất bản vào năm sau về quãng thời gian làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken thăm và trao đổi với giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Đại học Fulbright Việt Nam tháng 4 năm 2016 (Ảnh: FUV)

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken thăm và trao đổi với giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Đại học Fulbright Việt Nam tháng 4 năm 2016 (Ảnh: FUV)

Người bảo vệ nhiệt thành chủ nghĩa đa phương

Nhà ngoại giao 58 tuổi khởi đầu sự nghiệp của mình tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Với bề dày kinh nghiệm ba thập niên về chính sách đối ngoại và uy tín lâu năm tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Blinken được Tổng thống đắc cử Biden tin tưởng giao phó trọng trách xây dựng lại nhuệ khí và lòng tin tại cơ quan chịu trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại của Washington – vốn đã sụt giảm ở mức trầm trọng sau bốn năm chính quyền ông Trump theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia đơn phương.

Ông Blinken cùng với người bạn thân Jake Sullivan, được Biden đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, đã trở thành cố vấn thân cận và tiếng nói của ông Biden trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại.

Họ từng dẫn đầu cuộc công kích vào nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, cho rằng điều đó sẽ chỉ đẩy Mỹ rơi vào tình cảnh bị cô lập và tạo cơ hội cũng như khoảng trống quyền lực cho các đối thủ tận dụng.

Ông Blinken từng phát biểu vào năm 2016 rằng: “Đơn giản mà nói, thế giới sẽ an toàn hơn cho người dân Mỹ khi chúng ta có bạn bè, đối tác và đồng minh”. Ông Blinken từng mô tả châu Âu là “đối tác quan trọng” và không đồng tình với việc chính quyền Tổng thống Trump quay lưng với các đồng minh cũng như làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong mọi vấn đề chính sách đối ngoại lớn như khủng bố, khí hậu, đại dịch, thương mại, quan hệ với Trung Quốc, thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Blinken có một câu "thần chú" lặp đi lặp lại rằng: Mỹ nên làm việc với các đồng minh của mình dựa trên các hiệp ước và các tổ chức quốc tế.

Ông Blinken là người ủng hộ nhiệt thành cho cách tiếp cận ngoại giao đa phương nhưng cũng sẵn sàng sử dụng biện pháp can thiệp (Ảnh: Getty)

Ông Blinken là người ủng hộ nhiệt thành cho cách tiếp cận ngoại giao đa phương nhưng cũng sẵn sàng sử dụng biện pháp can thiệp (Ảnh: Getty)

“Nói một cách đơn giản, những vấn đề lớn mà chúng ta đang phải đối mặt dù là một quốc gia hay là cả hành tinh này, cho dù đó là vấn đề biến đổi khí hậu, hay đại dịch, hay nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt – có một điều hiển nhiên rằng không có giải pháp đơn phương nào có thể giải quyết được những vấn đề này” - ông Blinken nói tại một diễn đàn hồi tháng 7 năm nay.

“Ngay cả một quốc gia hùng mạnh như Hoa Kỳ cũng không thể xử lý chúng một mình” - cựu Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.

Trọng tâm trong những mối ưu tiên của ông Blinken khi nắm quyền Ngoại trưởng là khôi phục vị thế của Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng tham gia trở lại các hiệp ước và thể chế toàn cầu – bao gồm Hiệp định Khí hậu Paris, Thoả thuận Hạt nhân Iran và Tổ chức Y tế thế giới – những định chế đa phương mà ông Trump đã từ bỏ bốn năm qua.

Đề cao cách tiếp cận ngoại giao đa phương, nhưng Blinken cũng tin rằng ngoại giao cần phải được hỗ trợ bằng cách răn đe và vũ lực có thể là phương tiện hỗ trợ cần thiết giúp ngoại giao hiệu quả hơn.

Dưới thời cựu Tổng thống Obama, với vai trò là Cố vấn An ninh Quốc gia cho ông Biden rồi sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Blinken ủng hộ sự can dự mạnh mẽ hơn của Mỹ vào cuộc xung đột Syria và Libya. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003.

Cách tiếp cận với Trung Quốc

Hợp tác với các nước khác cũng sẽ là cách tiếp cận mà Ngoại trưởng sắp tới của Mỹ theo đuổi khi đương đầu với thách thức ngoại giao lớn nhất: Trung Quốc.

Cứng rắn hơn với Bắc Kinh là xu thế khó đảo ngược dưới thời chính quyền mới, nhưng ông Blinken tin rằng thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm đẩy mạnh đầu tư công nghệ và thương mại sẽ có hiệu quả hơn là ép buộc các nước phải chọn phe giữa hai siêu cường.

Ông Blinken cho hay sẽ dành nhiều thời gian để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ và các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi 14 quốc gia vừa kí kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với Trung Quốc (RCEP).

Ông cũng sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn các kết nối với Châu Phi, nơi chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của Bắc Kinh trong lĩnh vực đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Mỹ cũng sẽ ghi nhận châu Âu như “đối tác hợp tác đầu tiên chứ không phải là phương sách sau cùng, khi chúng ta đương đầu với những thách thức lớn”.

Trong các tuyên bố công khai và các phỏng vấn trong vài tuần gần đây, ông không giấu giếm chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Biden và chính mình trong những tuần đầu tiên dưới chính quyền mới.

Antony Blinken có hai mươi năm gắn bó với Tổng thống đắc cử Joe Biden trong vai trò trợ lý thân cận tại Thượng viện Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden là Phó Tổng thống và sắp tới sẽ là Ngoại trưởng (Ảnh: Reuters)

Antony Blinken có hai mươi năm gắn bó với Tổng thống đắc cử Joe Biden trong vai trò trợ lý thân cận tại Thượng viện Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden là Phó Tổng thống và sắp tới sẽ là Ngoại trưởng (Ảnh: Reuters)

Blinken sẽ có khoảng 15 ngày sau lễ tuyên thệ để tiếp tục gia hạn thêm 5 năm Hiệp định kiểm soát vũ khí chiến lược với Nga, một bước đi mà ông Trump ban đầu đã chối bỏ bởi vì ông Trump tin rằng cần phải ép cả Trung Quốc tham gia hiệp định.

“Chắc chắn là chúng ta sẽ muốn Trung Quốc phải tham gia vào vấn đề kiểm soát vũ khí,” ông Blinken phát biểu gần đây. “Nhưng chúng ta có thể theo đuổi sự ổn định chiến lược bằng cách mở rộng Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược START mới và dựa vào đó tìm kiếm cách thức lôi kéo Bắc Kinh tham gia sau này”.

Nhà ngoại giao lão luyện này tin rằng Mỹ có thể tận dụng mối bất mãn của Nga đối với tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ theo chiều hướng có lợi. Ông lưu ý rằng Tổng thống Vladimir Putin đang “tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc, một thực tế đang đặt ông ta vào vị thế không mấy dễ chịu”.

Mối quan hệ thân cận với ông Biden

Trong sự nghiệp kéo dài hơn ba mươi năm, Antony Blinken đã gắn bó với Tổng thống đắc cử Joe Biden gần hai mươi năm, từ khi ông Biden còn là Thượng nghị sĩ. Ông đã trải qua nhiệm kỳ 6 năm tại Thượng viện Mỹ với tư cách là một trong những trợ lý hàng đầu của ông Biden.

Trong giai đoạn này, ông Blinken có mối quan hệ chặt chẽ với các cố vấn thân cận khác của ông Biden và những người làm việc trong Thượng viện Mỹ, bao gồm cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mảng chính sách Brian McKeon Brian McKeon, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Avril Haines và Cố vấn thân cận nhất của ông Biden tại Thượng viện Ted Kaufman.

Đây đều là những nhân vật được đề cử vào những vị trí quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Khi ông Biden nhậm chức Phó Tổng thống trong chính quyền Obama, Antony Blinken đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden từ 2009 đến 2013, thời điểm ông quay về Bộ Ngoại giao với vị trí nhân vật quyền lực số hai của cơ quan này.

Mối quan hệ tin cậy và bền vững kéo dài nhiều thập niên với ông Biden đã đưa ông Blinken trở thành cố vấn hàng đầu trong bộ máy tranh cử, phụ trách chính sách đối ngoại.

Ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử nuôi con nhỏ khi đang tại nhiệm

Năm 1995, ông Blinken gặp vợ mình Evan Ryan khi ông đang làm việc tại Nhà Trắng với tư cách là người soạn các bài phát biểu trong Hội đồng An ninh Quốc gia, còn bà Evan Ryan là người sắp xếp lịch trình cho cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Năm 2002, trong đám cưới giữa ông Blinken và bà Ryan, bà Hillary Clinton là khách mời danh dự.

Vợ chồng ông bà Blinken – Ryan vừa chào đón sự ra đời của hai đứa trẻ và ông sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ thời hiện đại nuôi con nhỏ khi còn đang tại nhiệm.

Vợ chồng ông Blinken chụp ảnh cùng ông Joe Biden. Ông Blinken gặp và kết hôn với bà Ryan khi cả hai cùng làm việc tại Nhà Trắng thời Tổng thống Clinton. Ảnh: Getty

Vợ chồng ông Blinken chụp ảnh cùng ông Joe Biden. Ông Blinken gặp và kết hôn với bà Ryan khi cả hai cùng làm việc tại Nhà Trắng thời Tổng thống Clinton. Ảnh: Getty

Công chúng ít biết đến rằng nhà ngoại giao kì cựu còn là thành viên của một ban nhạc. Ông biết chơi guitar theo dòng nhạc blues và rock. “Patience” và “Lip Service” là tên hai bản nhạc do ban nhạc của ông Blinken thể hiện được đăng tải trên Spotify.

Trước khi bắt đầu làm việc tại Ban chính sách đối ngoại châu Âu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 1993, ông Blinken từng mơ mộng trở thành một nhà báo hoặc nhà sản xuất phim.

Ông đã mài giũa các kĩ năng báo chí của mình khi trở thành người viết bài phát biểu về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Bill Clinton và sau đó giám sát chính sách đối với Châu Âu và Canada trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.

Cha mẹ của ông Blinken đều là người Do Thái. Ông Samuel Pisar, người cha dượng quá cố của ông Blinken, đã sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust và là tác giả cuốn hồi ký "Of Blood and Hope" ("Máu và Hy vọng")

Ít người biết Ngoại trưởng sắp tới của Mỹ còn là thành viên một ban nhạc, với hai bài hát được đăng tải trên Spotify (Ảnh: Stereogum)

Ít người biết Ngoại trưởng sắp tới của Mỹ còn là thành viên một ban nhạc, với hai bài hát được đăng tải trên Spotify (Ảnh: Stereogum)

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với Washington Post, ông Samuel Pisar đã kể lại rằng, khi còn nhỏ ông Blinken đã nhiều lần hỏi về những trải nghiệm của cha dượng mình trong chiến tranh. “Tôi nghĩ nó đã gây ấn tượng với Blinken và cho Blinken một cái nhìn khác về thế giới với những gì có thể xảy ra”, ông Samuel Pisar nói.

Đối với những người bạn thân thiết, như Đại sứ Ted Osius, Tony là mẫu người bạn trung thành. Ông có một nhóm nhỏ những người bạn thân gắn bó với nhau từ những ngày còn là sinh viên ở Harvard và trong suốt quá trình vươn lên vị trí quyền lực trong giới chính sách đối ngoại ở Washington.

“Tony là một lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy sẽ khôi phục nền ngoại giao Hoa Kỳ”, ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận xét./.