Công nghệ từ tàu vũ trụ
Các cảm biến gắn trong bồn tiểu không chỉ thu thập dữ liệu về hai loại chất trên mà còn “soi” sự hiện diện của các chỉ dấu khác, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ ung thư hoặc tiểu đường. Dữ liệu có thể gửi tới điện thoại thông minh của bạn hoặc chuyển thẳng cho các bác sĩ gia đình để họ trông chừng sức khỏe bệnh nhân.
FitLoo dựa trên công nghệ sử dụng để theo dõi sức khỏe của các phi hành gia trên vũ trụ. Ví dụ, Trạm Không gian quốc tế (ISS) đã thử nghiệm một thiết bị mang tên Hệ thống Giám sát nước tiểu, với mục đích thu thập và kiểm tra nước tiểu của từng thành viên phi hành đoàn. Ông Michael Lindenmayer, chuyên gia về sức khỏe số và thiết bị vệ sinh thông minh tại Liên minh Ủy ban nhà vệ sinh (đại diện cho nhiều nhà sản xuất thiết bị toilet), nhấn mạnh FitLoo đem lại cho con người cơ hội lớn để “kiểm soát sức khỏe tốt hơn”.
Lindenmayer ví von: “Mọi người thường chỉ gặp bác sĩ khi bị bệnh. Chúng ta chưa lắng nghe cơ thể mình đầy đủ nhưng nhà vệ sinh sẽ lắng nghe nhiều hơn. Có cả một lượng thông tin sức khỏe khổng lồ đã trôi tuột xuống cống mỗi khi chúng ta xả nước”.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu dạ dày - ruột Sameer Berry tỏ ra rất tin tưởng nhà vệ sinh thông minh sẽ hữu ích trong việc thu thập dữ liệu của bệnh nhân, bao gồm những người mắc bệnh ung thư ruột, áp-xe hậu môn… Theo phân tích của ông Berry, hiện bác sĩ phải dự vào lời kể của bệnh nhân để đoán bệnh. Tuy nhiên, người bệnh thường không thể nhớ tường tận. Hơn nữa, các bệnh nhân lớn tuổi bị mất trí có nguy cơ không thể “đi nặng” trong nhiều ngày và cũng không hề nhớ gì về việc ấy, khiến họ có nguy cơ bị thủng ruột và nhiễm trùng nghiêm trọng.
Phòng chống dịch bệnh
Thật ra nhà vệ sinh thông minh đã quá quen thuộc ở các nước như Nhật Bản nhưng mới tập trung vào khía cạnh vệ sinh và đem lại sự thoải mái, như có các tính năng rửa bằng nước ấm, hong khô tay, bệ ngồi sưởi ấm… Các công ty thiết bị vệ sinh Toto và Matsushita của Nhật còn tung ra nhà vệ sinh kết nối Wi-Fi giúp đo chỉ số khối cơ thể (BMI), các thành phần sinh hóa như đường, protein, nhiệt độ nước tiểu…
Còn tại Mỹ, các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát triển loại giấy vệ sinh đổi màu có thể “soi” ra dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu (với sự hỗ trợ của camera trên điện thoại thông minh).
Thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh tiện nghi, mục tiêu của nhà vệ sinh thế hệ mới là kết hợp các công nghệ đang còn riêng rẽ thành một nhà vệ sinh thông minh hoàn chỉnh. “Người dùng sẽ kết nối điện thoại của họ với nhà vệ sinh để nhận thông tin sức khỏe của mình. Nếu có gì bất ổn, họ đi gặp bác sĩ để kiểm tra thêm” - chuyên gia Lindenmayer nói.
Trong lúc này, ESA và MIT đang tìm kiếm các công ty thiết bị toilet để thử nghiệm công nghệ của họ. S-There, công ty khởi nghiệp được MIT hỗ trợ ở Bilbao (Tây Ban Nha), cho biết hiện nghiên cứu giải pháp tích hợp nhiều nhà vệ sinh vào FitLoo. Tại thung lũng Silicon (Mỹ), công ty Inui Health gần đây công bố đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho loại thiết bị phân tích nước tiểu kết nối với điện thoại thông minh, qua đó giúp phát hiện nhiễm trùng bàng quang, thời kỳ tiền tiểu đường và các bệnh về thận.
Không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, việc “thông minh hóa” nhà vệ sinh công cộng bằng cảm biến còn giúp giới chức y tế theo dõi và dự đoán dịch bệnh trong cộng đồng, nhờ vậy có cơ hội cảnh báo sớm trước khi bùng phát dịch. Ông Davide Coppola, Giám đốc dự án Không gian vệ sinh tại ESA, nhận định: “Bằng cách kết hợp dữ liệu sức khỏe từ các cảm biến thông minh trong nhà vệ sinh với dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất, chúng ta có thể tạo thành hệ thống thông tin y tế mang tính phòng chống dịch bệnh. Nếu bạn có 1.000 nhà vệ sinh thông minh cùng giám sát một số loại bệnh cụ thể tại một khu vực, bạn có thể dùng dữ liệu không gian để tính toán khả năng xảy ra dịch bệnh”.
Theo TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/282986/chan-benh-tu%E2%80%A6-nha-ve-sinh.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu