"Chấm điểm" dịch vụ tổng đài 1022 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thành phố Hà Nội mới đây đã đưa vào vận hành tổng đài 1022 miễn phí, nhằm kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức trên địa bàn.
Người dân Hà Nội gọi đến tổng đài 1022.
Người dân Hà Nội gọi đến tổng đài 1022.

Tổng đài 1022 được UBND TP Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì thực hiện. Để liên hệ tổng đài, người dân có thể quay trực tiếp số 1022 từ số cố định nội hạt hoặc quay số 024 1022 từ số liên tỉnh, số di động. Có 4 nhánh chính từ 1 đến 4 để người dân lựa chọn phù hợp nhu cầu.

Phóng viên VietTimes đã gặp gỡ, đề nghị nhiều người dân Hà Nội "chấm điểm" chất lượng dịch vụ tổng đài này.

Chị Hà Thu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra hài lòng đối với dịch vụ tổng đài mới này. Chị cho biết: “Gọi điện trực tiếp không tốn quá nhiều thao tác như nhắn tin phản ánh, yêu cầu tư vấn. Phía tiếp nhận rất nhiệt tình lắng nghe khi tôi nhờ tư vấn về các thủ tục khi đưa người nhà đi khám tại bệnh viện. Nhân viên trực tổng đài đã hướng dẫn cụ thể việc xin giấy xác nhận của địa phương, thực hiện khai báo y tế và đảm bảo yêu cầu 5K theo quy định khi di chuyển”.

Trường hợp khác, chị Mai Hương (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy phương án liên lạc qua tổng đài khi người dân có nhu cầu tư vấn là một ý tưởng hay. Nhưng tôi thấy kết nối còn khá chậm. Khi tôi gọi đến nhánh 3, chuông đổ khá lâu, khoảng hơn 3 phút mới có người nhấc máy. Bù lại, tình nguyện viên tiếp nhận điện thoại tư vấn rất nhiệt tình”.

Tuy nhiên, có một số trường hợp phản ánh với phóng viên VietTimes về trải nghiệm chưa được tốt khi liên hệ qua tổng đài 1022. “Tôi thấy tổng đài chưa thực sự hữu ích. Tôi đã phải gọi đến lần thứ 3 mới được tiếp nhận, thời gian chờ cũng khá lâu, khoảng 2-3 phút mới có người bắt máy. Nội dung tư vấn cũng dễ hiểu, tuy nhiên nhìn chung tôi thấy chưa hài lòng lắm” – chị Ngọc (Thường Tín, Hà Nội) cho hay.

Cá biệt, có trường hợp anh Nguyễn An (Thanh Xuân, Hà Nội) gọi lên tổng đài để nhờ hướng dẫn về thủ tục giấy đi đường nhưng chưa được kết nối. “Tôi đã gọi 3 lần về nhánh 4, tuy nhiên chỉ có chuông đổ khoảng gần 1 phút rồi ngắt chứ không thấy ai nhận máy” – anh An nói.

Anh An đã liên hệ tổng đài 3 lần nhưng không được bắt máy.

Anh An đã liên hệ tổng đài 3 lần nhưng không được bắt máy.

Anh Bảo Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh đã bị “loạn” khi gọi đến tổng đài nhờ tư vấn về chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn. Tuy nhiên, chức năng theo các nhánh hiện tại được công bố như sau. Nhánh 1 kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115. Nhánh 2 kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Nhánh 3 kết nối đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Nhánh 4 kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19. Khi không thấy có nhánh nào phù hợp với nhu cầu, anh quyết định chuyển sang nhóm Zalo nhờ tư vấn.

“Tôi khá bất ngờ khi tổng đài đọc chức năng của các nhánh. Theo tôi, thời gian tới tổng đài có thể thêm các chức năng cụ thể hơn như hướng dẫn, tư vấn, giải đáp thắc mắc… để người dân dễ dàng lựa chọn phù hợp với nhu cầu hơn” – anh Nam nêu đề xuất.

Người dân khu phong tỏa kỳ vọng vào Mạng lưới thầy thuốc đồng hành

Trao đổi với phóng viên, chị Thanh Lan, sống tại khu vực cách ly y tế phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khoảng thời gian khá dài phong tỏa khu phố, tôi thấy công tác điều phối, cung cấp thuốc men, nhu yếu phẩm được thực hiện tốt. Các vấn đề phát sinh chủ yếu xuất phát từ một số gia đình gặp khó khăn, những người bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ rất mong được hỗ trợ và phía tổ dân phố cũng cố gắng để các gói tài trợ về được đến tay người dân”.

Bên cạnh đó, chị Lan và gia đình cũng rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là vùng có nguy cơ cao như nơi chị đang sống. Chị cho biết, tổ trưởng tổ dân phố, các cán bộ phường cũng khuyến cáo người dân cần thông báo những triệu chứng bất thường để kịp thời xử lý. Khi được biết tổng đài 1022 có nhánh 3 hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch bệnh COVID-19 từ các y bác sĩ, chị Lan kỳ vọng đây sẽ là kênh tư vấn hiệu quả, giải đáp nhu cầu của nhân dân.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành gồm 300 y, bác sĩ, được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất nhận cuộc gọi tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các bác sĩ có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, hoạt động cả tuần trong các khung giờ 9:00 - 11:00; 15:00 - 17:00 và 19:00 - 21:00. Nhóm thứ hai chủ động thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện nhiễm COVID-19 hoặc đang trong các khu cách ly tập trung. Nhóm này tư vấn từ xa cho bệnh nhân, đồng thời phân tầng nguy cơ, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ Y tế địa phương trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu, nhập viện. Hệ thống tổng đài được kết nối trực tuyến hai chiều, có công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên. Qua đó, y, bác sĩ có thể tư vấn từ xa cho bệnh nhân, ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp.