Vào đầu tháng 8 này, Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ chấm dứt sự phụ thuộc về công nghệ cao từ các nhà cung cấp Nhật Bản, chủ yếu là một số vật liệu chính cho ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao.
Mới đây, ngày 12/8, Hàn Quốc đã quyết định loại Nhật Bản khỏi “danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy, nhận được ưu tiên của nước này trong động thái trả đũa việc Tokyo giới hạn việc xuất khẩu các vật liệu được sử dụng để sản xuất trong ngành công nghệ cao.
Tuy nhiên, động thái này của Hàn Quốc đã tạo ra một sự không chắc chắn về khả năng có thể tìm được nguồn cung mới có thể cung cấp đủ các linh kiện, vật liệu công nghệ quan trọng cho các nhà sản xuất chip và điện tử của Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch chi 7,8 nghìn tỷ won (tương đương 6,42 tỷ USD) trong vòng bảy năm để hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong nước bao gồm khoảng 100 nguyên liệu, thiết bị và phụ tùng chủ yếu do Nhật Bản cung cấp chính trước đó. Những sản phẩm này có vị trí vô cùng quan trọng với chính phủ Seoul trong việc định hướng xuất khẩu cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Vào thời điểm căng thẳng hiện tại, kế hoạch này có vẻ như rất hợp lý. Nhưng về lâu dài, nó có thể bị trở thành một sai lầm nghiêm trọng của Hàn Quốc.
Việc đầu tư mạnh tay vào một ngành công nghiệp vốn không phải là thế mạnh của mình trong khi các nhà sản xuất Nhật Bản đã sớm thống trị nó từ lâu có thể khiến Hàn Quốc chịu nhiều tổn thất.
Bộ Thương mại Hàn Quốc đang xem xét chấm dứt sự phụ thuộc vào Nhật Bản ở 100 mặt hàng chiến lược. Theo kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc, nước này đặt mục tiêu đảm bảo nguồn cung ổn định cho khoảng 20 sản phẩm quan trọng trong vòng một năm và mục tiêu 5 năm cho 80 sản phẩm còn lại.
Trong số 20 sản phẩm được ưu tiên trước, có ba nguyên liệu công nghệ cao mà Nhật Bản đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc từ đầu tháng 7/2019, đó là: polyimide có chứa flo, chất cản quang (resist) và khí HF. Đây đều là những nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất chip và màn hình điện thoại thông minh.
Ngoài việc đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ba nguyên liệu này, Tokyo cũng đã loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" 27 quốc gia được hưởng các ưu đãi thương mại của nước này. Động thái này được cho là ảnh hưởng đến khoảng 1.100 mặt hàng. Các quy định mới sẽ cho phép Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào trong số này sang Hàn Quốc.
Các ngành công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu công nghệ từ Nhật Bản, họ phụ thuộc nhiều vào các vật liệu, linh kiện và thiết bị sản xuất có xuất xứ Nhật Bản. Việc Nhật hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc có thể khiến xứ sở kim chi bị thâm hụt thương mại từ 20 tỷ đến 30 tỷ đô la mỗi năm.
Hiroshige Seko , Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản trả lời các phóng viên sau khi Tokyo chính thức quyết định loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Nếu Nhật ngừng cung cấp vật liệu công nghệ cao cho Hàn Quốc, ngành công nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc sẽ bị đình trệ. Chất bán dẫn chiếm tới 20% giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Chính vì thế, bất kỳ sự gián đoạn nào trong sản xuất liên quan đến lĩnh vực này đều có thể ảnh hưởng nghiệm trọng đến tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc.
Nỗ lực tự lập trong sản xuất các nguyên liệu công nghệ cao quan trọng của Hàn Quốc có thể là hướng đi sai trong trung và dài hạn.
Các công ty Nhật Bản sản xuất khoảng 90% polyimide chứa flo và và chất cản quang, khoảng 70% khí HF trên toàn cầu. Nếu các nhà sản xuất muốn “tự lập”, công sức và số tiền bỏ ra để bắt kịp Nhật Bản đều không phải là ít.
Các nhà cung cấp Hàn Quốc cũng phải đối phó với việc đổi mới công nghệ liên tục. Sự đổi mới đó có thể dẫn đến sự thay đổi các vật liệu và linh kiện cần thiết để tạo ra chúng. Ví dụ trong công nghệ màn hình và máy tính, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển đổi từ màn hình tinh thể lỏng sang màn hình Diode phát sáng hữu cơ, đến màn hình có đèn LED siêu nhỏ.
Trong máy tính, các nhà sản xuất chip đang chạy đua để phát triển các mạch tích hợp 3D, chứa hai hoặc nhiều lớp linh kiện xếp chồng lên nhau theo chiều dọc, một bước tiến lớn so với phương pháp truyền thống là đặt các mạch lên các tấm silicon.
Các nhà sản xuất Nhật Bản đã kịp thời cập nhật những thay đổi này với việc bỏ ra một số tiền khá lớn để phát triển các sản phẩm mới. Trong khi đó, các nhà sản xuất chất bán dẫn của phương Tây đã sớm “bỏ cuộc chơi” và chỉ tập trung vào lĩnh vực thiết kế chip.
Hai công ty Mỹ vẫn còn hoạt động tốt trong lĩnh vực thiết kế chip là Broadcom và Qualcomm. Broadcom chủ yếu thiết kế và phát triển chip cho thiết bị viễn thông, trong khi Qualcomm chuyên về chip cho điện thoại thông minh. Cả hai đều thuê nhà máy sản xuất ở bên ngoài, thay vì vận hành các nhà máy của riêng họ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản cũng đã thất bại trong việc đổi mới công nghệ trong thiết kế và phát triển chip, từ bỏ vai trò là nhà cung cấp cho các nhà thiết kế và phát triển chip của Mỹ và Anh.
Người biểu tình ở Seoul phản đối các hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố vào ngày 12/8 rằng họ sẽ loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Như vậy, thương mại cho phép các quốc gia phát triển lợi thế của mình trong tương quan sánh. Một quốc gia nếu không có sản phẩm cạnh tranh quốc tế chắc chắn sẽ gặp bất lợi và có xu hướng bị thâm hụt trong cán cân thương mại.
Để có được “tiếng nói”, điểm tựa trong các cuộc đàm phán thương mại, một quốc gia cần phải có các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh áp đảo. Ngay cả khi Hàn Quốc cố gắng bắt kịp Nhật Bản trong việc sản xuất các vật liệu công nghê cao ngay thời điểm hiện tại, xứ Kim Chi cũng không có được những lợi thế cạnh tranh như Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực mới, không bị chi phối bới Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào khác. Nhiều công ty Trung Quốc đã thành công trong việc đánh bại những “người khổng lồ” ở các quốc gia khác trong các lĩnh vực như thanh toán di động và trí tuệ nhân tạo.
Về mặt này, Hàn Quốc có thể học tập Trung Quốc, tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp mới sẽ tạo cho Seoul đòn bẩy tốt hơn trên các bàn đàm phán thương mại.
Vào tháng 7, Masayoshi Son, CEO của Softbank Masayoshi Son đã đưa ra một lời khuyên cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi nói đến những gì mà Hàn Quốc nên tập trung vào. "Thứ nhất là AI, thứ hai là AI và thứ ba cũng là AI", ông Son nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Hàn Quốc.
Ngay cả khi phải đảm bảo nguồn cung trong nước cho 20 mặt hàng ưu tiên. Việc có nên tự sản xuất tất cả 100 sản phẩm trong danh sách hay không đối với Hàn Quốc vẫn còn là cả một vấn đề nan giải.
Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc cũng đem lại những bài học quan trọng cho Nhật Bản, nơi có xu hướng “tự mãn” về sự dẫn đầu về công nghệ trong sản xuất vật liệu. Nhật Bản cần kiểm tra vị trí thực tế của mình trong việc thiết kế và phát triển các sản phẩm bán dẫn và sản phẩm AI thế hệ tiếp theo.
Bên cạnh sự tự tôn dân tộc, cả Nhật Bản và Hàn Quốc nên đánh giá lại các chiến lược kinh tế và công nghệ của họ.
Theo Nikkei Asian Review