Cấp nước sạch ở nông thôn: Làm thế nào bảo đảm tiếp cận bình đẳng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việt Nam đang đối mặt với việc bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận nước sạch giữa khu vực thành thị và nông thôn. Số liệu cho thấy hiện có khoảng 84% dân cư đô thị và chỉ 35% dân cư nông thôn tiếp cận được nước máy.
Niềm vui sử dụng nước sạch của người dân khu Hạ Thành, Thanh Sơn (Phú Thọ).
Niềm vui sử dụng nước sạch của người dân khu Hạ Thành, Thanh Sơn (Phú Thọ).

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) vừa tổ chức.

Thị trường cấp nước sạch của Việt Nam hiện nay so với 20 – 30 năm trước đã có những bước tiến đáng kể. Bên cạnh thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân đã tham gia sản xuất và phân phối nước sạch (nước máy). Không chỉ có dân cư ở thành thị mà tỉ lệ người dân ở nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc đã dần được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Tuy nhiên, khoảng cách từ thực tế đến mục tiêu “tỉ lệ tiếp cận nước sạch, nước hợp vệ sinh là 95% - 100% ở đô thị, 93 - 95% ở nông thôn vào năm 2025” đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tại tọa đàm, nhóm nghiên cứu của IPS phân tích số liệu năm 2019 của Tổng cục Thống kê và chỉ ra rằng: tỷ lệ hộ tiếp cận được nước máy trên toàn quốc chỉ đạt 52,2%. Các hộ còn lại chủ yếu tiếp cận nguồn nước giếng khoan (22,8%), và giếng đào được bảo vệ (11,4%).

Đặc biệt, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận nước sạch giữa khu vực thành thị và nông thôn. Số liệu cho thấy chỉ có khoảng 84% dân cư đô thị và khoảng 35% dân cư nông thôn tiếp cận được nước máy - nguồn nước sạch và an toàn theo tiêu chuẩn.

Lý giải nguyên nhân chưa đạt được mục tiêu về sự bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS - cho rằng, một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch chưa thực sự hợp lý, hiệu quả. Cụ thể, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả của đầu tư tư nhân.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - trình bày tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - trình bày tại tọa đàm.

“Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường cả về giá, khối lượng nước được mua; doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước, Nhà nước thì 'thiếu tiền'. Tình trạng 'tranh tối, tranh sáng' trong thị trường khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách cạnh tranh không lành mạnh”, ông Đồng cảnh báo.

Là người trong cuộc, ông Ngô Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty nước sạch số 2 Hà Nội - đưa ra những lý giải khá chi tiết về việc vì sao dân nông thôn không có cơ hội tiếp cận nước sạch như đô thị.

Theo ông, ở nông thôn, mật độ dân số thưa và xa nên đường ống dẫn nước dài, đồng nghĩa với chi phí lớn song lượng nước sử dụng của người dân ở nông thôn thường thấp. Thực tế một số doanh nghiệp đã đầu tư ở nông thôn, sau đó phải dừng vì người dân tiết kiệm, chỉ sử dụng nước sạch để ăn uống; còn phục vụ những mục đích khác thì họ dùng các nguồn khác.

Ví dụ tại Hà Nội, chính sách giá nước là giá lũy tiến. Giá bậc 1 là 5.973 đồng/m3 (nếu sử dụng dưới 10m3 mỗi tháng) và mức giá này là dưới giá thành sản xuất. Như vậy doanh nghiệp chưa bán đã lỗ, (vì người dân nông thôn dùng tiết kiệm, chủ yếu dùng dưới 10m3/tháng – PV).

Ông Ngô Văn Đức - PGĐ Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội - phát biểu.

Ông Ngô Văn Đức - PGĐ Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội - phát biểu.

“Đó là lý do vì sao dân nông thôn không có cơ hội tiếp cận nước bằng đô thị” - ông Đức khẳng định, và nói thêm: “Đầu tư thì phải có lợi nhuận, kể cả tư nhân. Còn doanh nghiệp nhà nước thì lãnh đạo phải có trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước. Nếu đầu tư vào khu vực chưa đầu tư đã biết lỗ thì doanh nghiệp có cách nào để đầu tư”.

Thực tế, theo nhóm nghiên cứu của IPS, tỷ lệ hộ dân tiếp cận được nước máy - nguồn nước sạch của vùng nông thôn Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 35%, tương đương mức trung bình toàn quốc và thấp hơn so với nhiều địa phương khác trên cả nước.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nâng cao tỉ lệ tiếp cận nước sạch ở nông thôn là vấn đề rất cấp thiết. Để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước cho người dân, cần phải thu hút đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Hiện chỉ có Nghị định 117/2007/NĐ-CP điều chỉnh trực tiếp vấn đề quản lý cung cấp, khai thác nguồn nước, như vậy chưa đủ “tầm”.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, cần có một luật riêng để điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả xử lý nước sinh hoạt để tạo khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch vốn chưa hoàn chỉnh hiện nay. Nếu không, rất khó đạt được mục tiêu 95 – 100% dân cư thành thị và 93 - 95% dân cư nông thôn được tiếp cận nước sạch vào năm 2025.

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - cho biết, theo thông lệ quốc tế, đối với dịch vụ “bán công” như cung cấp nước sạch, cơ quan nhà nước phải cam kết mức lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp; đồng thời sử dụng cơ quan kiểm toán hoạt động độc lập để bảo đảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp là chính xác.

Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng đây là lời giải cho bài toán khó của nước ta hiện nay. Đó là nếu không điều chỉnh giá nước thì doanh nghiệp không đủ chi phí và không thể mở rộng đầu tư cũng như cải tiến công nghệ để nâng chất lượng nước, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch.

Trước mắt, theo ông Đồng, cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. “Tiến trình này nên gắn với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng đang triển khai” - ông Đồng đề xuất.