Cảnh giác với bản cài đặt Windows 11 giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Người dùng được khuyến cáo tránh xa một bản cài đặt Windows 11 giả mạo chứa phần mềm độc hại.

Hiện tại Windows 11 vẫn chưa có sẵn cho công chúng mà chỉ sẵn cho các thành viên Windows Insiders. Đối với những người không tham gia chương trình Windows Insider, họ thường tìm các cách khác nhau có thể như tải về tập tin cài đặt Windows 11 bên ngoài, và đó là cơ hội cho những bản Windows 11 giả mạo xuất hiện.

Công ty bảo mật Kaspersky cảnh báo về các trình cài đặt Windows 11 giả mạo đang tràn lan trên internet lừa người dùng cài đặt chúng bằng cách tấn công những ai muốn có Windows 11 trước khi phát hành công khai. Đáng chú ý, rất có thể những trình cài đặt này không thực sự cài đặt Windows 11.

Kaspersky cung cấp một ví dụ về trình cài đặt giả mạo. Tên tệp là “86307_windows 11 build 21996.1 x64 + activator.exe”. Tuy nhiên khi chạy tệp thực thi, nó thực sự tải xuống tệp thực thi khác nhắc người dùng chấp nhận thỏa thuận cấp phép. Thỏa thuận cấp phép nêu rõ rằng trình cài đặt sẽ tải xuống phần mềm khác, tuyên bố rằng chúng là “đề nghị bổ sung từ các nhà tài trợ của chúng tôi”.

Việc chấp nhận thỏa thuận cấp phép sau đó khiến tệp thực thi tải xuống phần mềm độc hại trên hệ thống. Phần mềm được cài đặt có thể bao gồm một loạt các loại phần mềm độc hại khác, từ phần mềm quảng cáo tương đối vô hại nhưng khó chịu cho đến phần mềm bất chính hơn có thể được thiết kế để lấy cắp mật khẩu, tấn công hoặc nhiều chức năng khác.

Để bảo vệ khỏi những trình cài đặt Windows 11 giả mạo độc hại này, các chuyên gia khuyến cáo người dùng chỉ tải Windows 11 từ các nguồn chính thức của Microsoft. Ở thời điểm hiện tại, người dùng có thể vào Settings trên máy tính Windows 10, chọn Updates & Security, nhấp vào Windows Insider Program và tham gia kênh phát triển này.

Khi tất cả đã được đăng ký, Windows 11 sẽ có sẵn để cài đặt. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý rằng đây là phần mềm đang trong quá trình thử nghiệm và do đó người dùng không nên cài đặt trên máy tính chính của mình trừ khi bản thân nhận thức được rủi ro (chẳng hạn như lỗi) và sẵn sàng chấp nhận. Nếu không, tốt nhất người dùng nên đợi cho đến khi Windows 11 được phát hành chính thức.

Theo VTCNews