Cần giải pháp tổng hợp để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển

Hơn 150 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề 'Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp,' diễn ra ngày 29/11, tại Hà Nội.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp,” diễn ra ngày 29/11, tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên đến từ một số bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn chia sẻ Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa nói chung, hạt vi nhựa nói riêng.

Cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ về tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe con người cũng như các giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Đồng thời, hội thảo góp phần kết nối, khởi động cho các chương trình hợp tác nghiên cứu về giải pháp và chính sách quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa của Việt Nam với các đối tác quốc tế thời gian tới.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sản xuất trung bình khoảng 300 triệu tấn nhựa; trong đó, có hàng tỷ chai nhựa và hơn 5 tỷ túi nylon.

Sau khi sử dụng, chỉ khoảng 27% lượng nhựa này được xử lý, tái chế, lượng còn lại tồn tại trong môi trường và đi vào đại dương, nơi chúng sẽ tồn tại vài trăm năm mới phân hủy hết, trở thành một phần thức ăn đầu độc, giết chết các loài sinh vật biển.

Dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới và là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.

Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa.

Chính phủ cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bà Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết, phần lớn sản phẩm nhựa con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần, sau đó thải bỏ. Vì vậy, số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng.

Những năm gần đây, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng so với 60% chất thải giấy, 90% với chất thải thép được tái chế.

Trong các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam đứng hàng thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.

Đây là một thách thức lớn cho môi trường vì rác thải nhựa có thời gian phân hủy quá chậm, trong khi thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên có thể tác động xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa, giáo dục, tuyên truyền giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Đồng thời, cần có nghị định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và tái chế chất thải nhựa.

Các giải pháp công nghệ-kỹ thuật thân thiện với môi trường, tái sử dụng hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống là rất cần thiết, cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/can-giai-phap-tong-hop-de-giam-thieu-o-nhiem-rac-thai-nhua-tren-bien/610279.vnp