Cách ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp bành trướng thời đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tăng vốn, phát hành trái phiếu, mở rộng hợp tác đầu tư là những giải pháp mà các ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp như KBC hay BCM củng cố nội lực và vị thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cách ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp bành trướng thời đại dịch
Cách ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp bành trướng thời đại dịch

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Mã CK: BCM) vừa công bố kế hoạch tăng gần gấp đôi vốn điều lệ cho CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BWID) từ 8.678,3 tỉ đồng lên 13.774,7 tỉ đồng.

Theo đó, việc việc tăng vốn cho BWID sẽ được chia làm hai đợt.

Trong đợt 1, BCM sẽ góp thêm 844,6 tỉ đồng bằng tiền mặt theo thoả thuận. Việc góp vốn sẽ được chia thành một đợt hoặc nhiều đợt nhưng không chậm hơn ngày 31/12/2021.

Ở đợt 2, BCM sẽ thực hiện mua 68,4 triệu cổ phiếu BWID theo phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cp.

Sau các đợt tăng vốn này, tỉ lệ sở hữu của BCM tại BWID sẽ đạt 30% vốn điều lệ. BWID là pháp nhân được thành lập bởi BCM và Warburg Pincus nhằm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, kho bãi và dây chuyền logistics.

BCM được biết đến là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Nếu tính cả liên doanh VSIP, tổng diện tích đất khu công nghiệp mà doanh nghiệp này sở hữu lên tới gần 15.000ha. Hầu hết các dự án này đều nằm ở tỉnh Bình Dương, tiếp giáp Tp. HCM và cũng là một trong những địa phương thu hút FDI thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Trước khi công bố kế hoạch tăng vốn cho BWID, BCM đã hoàn tất 2 đợt phát hành trái phiếu trong năm 2021, hút về tới 3.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, vào năm 2020, ban lãnh đạo BCM còn trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 10.350 tỉ đồng lên 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ 2021 của BCM đã thống nhất không thực hiện tiếp phương án tăng vốn này. Khi có sự chỉ đạo về lộ trình thoái vốn và tỉ lệ nắm giữ nhà nước tại BCM, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn mới.

Tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản tại ngày 30/6/2021 của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp

Tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản tại ngày 30/6/2021 của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp

Cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn tại Việt Nam, Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã CK: KBC) đang quản lý hơn 4.713ha đất cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.

Kết quả này đến từ quá trình tích luỹ quỹ đất được KBC thực hiện trong nhiều năm, cùng sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn vốn vay.

Theo tính toán của VietTimes, so với thời điểm ngày 31/12/2016, tính đến quý 2/2021, quy mô tổng tài sản của KBC đã tăng gần gấp đôi, từ 14.657 tỉ đồng lên mức 27.485,6 tỉ đồng. Tại ngày 30/6/2021, tổng nợ vay của KBC đạt 7.491,1 tỉ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm.

Dư nợ của KBC có thể tiếp tục gia tăng khi ngày 27/8/2021, công ty này đã hoàn tất đợt phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu, lãi suất 10,5%/năm cho 4 nhà đầu tư tổ chức và 27 cá nhân.

Ngoài ra, KBC cũng đang triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 100 triệu cổ phiếu cho 3 tổ chức và 5 cá nhân. Với mức giá chào bán 34.096 đồng/cp, KBC dự kiến thu về 3.409,6 tỉ đồng từ thương vụ này. Đáng chú ý, một nửa trong số đó sẽ được KBC dùng để tái cơ cấu nợ./.