'Đại gia' Võ Tấn Thịnh rót trăm tỉ đồng mua trái phiếu Becamex IDC?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số trái phiếu mà ông Võ Tấn Thịnh nắm giữ có giá trị (theo mệnh giá) không thua kém gì các trái chủ tổ chức khác ở Becamex IDC – ‘ông trùm’ bất động sản khu công nghiệp tại Bình Dương.
Becamex IDC là ‘ông trùm’ bất động sản khu công nghiệp tại Bình Dương
Becamex IDC là ‘ông trùm’ bất động sản khu công nghiệp tại Bình Dương

Ở một bài viết trước, VietTimes từng đề cập tới một nhà đầu tư cá nhân đã chi ra tới 300 tỉ đồng để mua vào trái phiếu do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC – Mã CK: BCM) phát hành.

Theo tìm hiểu của VietTimes, nhà đầu tư cá nhân này là ông Võ Tấn Thịnh. Cùng tham gia vào đợt phát hành còn có hai cá nhân khác, là các ông Dương Tấn Trước (120 tỉ đồng) và Dương Thành Công (100 tỉ đồng).

Số trái phiếu này được đảm bảo bằng 3 quyền sử dụng đất của BCM tại phường Hoà Phú, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích 74.185,4 m2, được định giá ở mức 2.278,9 tỉ đồng.

Trước đó, như VietTimes từng đề cập, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán không khỏi xôn xao về sự xuất hiện đầy bất ngờ và quyết đoán của một nhà đầu tư có tên Võ Tấn Thịnh ở CTCP Long Hậu (Mã CK: LHG). Chỉ trong ít tháng, nhà đầu tư bí ẩn này đã chi ra cả trăm tỉ đồng gom mua cả triệu cổ phiếu LHG, trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu lên tới 20,02% vốn điều lệ.

Ông Võ Tấn Thịnh - cổ đông lớn của LHG - chính là vị đại gia đã bán CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) - những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dây, cáp điện - cho đại gia Thái Lan hồi đầu năm 2020. Thương vụ có trị giá lên tới 240 triệu USD.

Được biết, ông Võ Tấn Thịnh đã được bầu vào HĐQT LHG vào tháng 6/2021. Vị đại gia này hiện còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dự án Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát; Chủ tịch hội đồng chiến lược CTCP Cáp điện Thịnh Phát tại Việt Nam; Chủ tịch hội đồng chiến lược CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt tại Việt Nam.

Trở lại với BCM, tính đến ngày 30/6/2021, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam là trái chủ lớn nhất của ‘ông trùm’ bất động sản khu công nghiệp tại Bình Dương khi sở hữu tổng cộng 1.250 tỉ đồng trái phiếu.

Bên cạnh đó, trái phiếu của BCM còn được nắm giữ bởi CTCP Chứng khoán Navibank (1.235 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Bình Dương (1.200 tỉ đồng), CTCP Chứng khoán SmartInvest (1.070 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) – Chi nhánh Bình Dương (600 tỉ đồng), Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Chi nhánh Tp. HCM (400 tỉ đồng), CTCP Chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (430 tỉ đồng).

Ngày 1/9, HĐQT BCM đã thông qua phương án phát hành trái phiếu lần 3 năm 2021 với tổng mệnh giá tối đa 2.500 tỉ đồng. Nếu thực hiện thành công, số dư trái phiếu của BCM có thể lên tới 10.800 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu năm./.