Cách Baemin 'chia phần' thị trường giao đồ ăn với Grab, Gojek và ShopeeFood

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 3 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Baemin từ một ứng dụng 'sinh sau đẻ muộn' đến nay đã có 'chỗ đứng' tương đối vững chắc trong thị trường giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt.
Cách Beamin 'chia phần' thị trường giao đồ ăn với Grab, Gojek và ShopeeFood
Cách Beamin 'chia phần' thị trường giao đồ ăn với Grab, Gojek và ShopeeFood

Dành hàng giờ 'lướt' mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z hẳn đã bắt gặp những clip quảng cáo bắt mắt và sôi động của Baemin .

Chiến dịch quảng cáo thông minh và thân thiện được cho là một phần nguyên nhân giúp ứng dụng giao đồ ăn đến từ xứ sở kim chi – dù 'sinh sau đẻ muộn' – gây dựng vị thế vững chắc bên cạnh những Grab, ShopeeFood, sau 3 năm ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Baemin đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), ngay sau những 'ông lớn' Shopee, LazadaGrab.

Baemin (viết tắt của cụm từ Baedal Minjeok) là ứng dụng hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn được điều hành bởi Tập đoàn Woowa Brothers Corp. (Woowa Brothers) – công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Hàn Quốc.

Năm 2010, Woowa Brothers lần đầu cho ra mắt Baedal Minjeok với tầm nhìn áp dụng công nghệ thông tin để phát triển ngành công nghiệp giao hàng.

Ông Kim Bong-jin - nhà sáng lập Woowa Brothers Corp.

Ông Kim Bong-jin - nhà sáng lập Woowa Brothers Corp.

Kể từ khi vận hành ứng dụng này, Woowa Brothers đã huy động được nhiều khoản đầu tư lớn.

Theo Crunchbase, 'startup' này đã huy động được tổng cộng 482,8 triệu USD trong 11 vòng gọi vốn bắt đầu từ tháng 2/2012. Trong vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 12/2018, công ty đã huy động nguồn vốn tài trợ trị giá 320 triệu USD từ các nhà đầu tư Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC. Thương vụ biến Woowa Brothers lên vị thế ‘kỳ lân’ Hàn Quốc với mức định giá 2,6 tỉ USD.

Đến tháng 12/2019, công ty điều hành ứng dụng Baemin bất ngờ thông báo ‘bán mình’ cho công ty giao hàng thực phẩm của Đức Delivery Hero với giá 4 tỉ USD.

Đây được coi là một thương vụ lớn nhất toàn cầu đối với một công ty ứng dụng giao hàng đồ ăn vốn đang có lợi thế rất lớn về mặt thị trường. Startup này tiết lộ thỏa thuận trên là chiến lược sinh tồn trong một thị trường có sức cạnh tranh khốc liệt như Hàn Quốc.

Theo đó, Delivery Hero đã mua 87% cổ phần của công ty từ các nhà đầu tư như Goldman Sachs, GIC, Hillhouse Capital và Sequoia Capital. 13% còn lại do Kim Bong-jin – người sáng lập Woowa Brothers - chuyển đổi thành cổ phần của Delivery Hero.

Theo The Korea Herald, năm 2020, Woowa Brothers tiết lộ doanh thu của ứng dụng giao đồ ăn tăng gần gấp đôi so với năm trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cụ thể, BAEMIN ghi nhận doanh thu đạt 960 triệu USD, tăng 94,4% so với năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên doanh thu của ứng dụng này vượt mốc 1 nghìn tỉ won kể từ khi ra mắt thị trường vào năm 2010.

Bất chấp ghi nhận doanh thu kỷ lục, công ty vẫn chịu lỗ hoạt động 7,8 triệu USD. Tuy nhiên, mức lỗ này đã giảm 69,2% so với năm trước. Lượng đơn đặt hàng qua Baemin đạt 10,9 tỉ USD, tăng 78,4% so với năm 2019.

Bước sang năm 2021, hoạt động kinh doanh của BAEMIN tiếp tục phát triển tốt, ghi nhận doanh thu đạt 1,62 tỉ USD, tăng trưởng 68,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp khó khăn trong vấn đề sinh lời khi ghi nhận lỗ hoạt động tăng lên 52,6 triệu USD, lỗ ròng cũng tăng mạnh gần gấp 3 lần năm trước lên 98,3 triệu USD.

Cách Baemin vào thị trường Việt Nam

BAEMIN chính thức 'chào sân' thị trường Việt Nam từ tháng 5/2019 (Ảnh: Baemin )

BAEMIN chính thức 'chào sân' thị trường Việt Nam từ tháng 5/2019 (Ảnh: Baemin )

Baemin chính thức ‘chào sân’ thị trường Việt Nam từ tháng 5/2019, sau khi thâu tóm nền tảng giao dịch đồ ăn trực tuyến Vietnammm.com.

Hãng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc ban đầu hoạt động tại thị trường Tp. HCM, sau đó mở rộng ra các đô thị lớn khác tại Việt Nam. Đây là thời điểm thị trường giao đồ ăn gần như chỉ còn là 'cuộc chơi' của Grab và Now.

Một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận thị trường của Baemin khá truyền thống, khi đổ tiền vào khuyến mại và truyền thông quảng cáo. Những ứng dụng giao đồ ăn hoặc giao hàng vào Việt Nam theo cách này từng phải rút lui sau một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo một khảo sát của Q&Me về thị trường giao đồ ăn trực tuyến cuối năm 2020, tỷ lệ người được hỏi sử dụng Grab và Now đạt 73%, trong khi đó Baemin và Gojek đạt 46%. Một kết quả đáng khích lệ với một ứng dụng ‘sinh sau đẻ muộn’ trên thị trường.

Baemin cũng là xếp thứ 3 về độ phổ biến, chỉ sau Grab và Now, thậm chí nhỉnh hơn Gojek về tỷ lệ người dùng thường xuyên. Chỉ sau 1 năm ra mắt thị trường, ứng dụng này được cho là có thị phần không thua kém các công ty hàng đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn ở Việt Nam./.