Gojek: Hành trình từ 'kỳ lân' công nghệ tới tham vọng trở thành ‘WeChat Đông Nam Á’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự thành công của WeChat tại Trung Quốc đã 'truyền cảm hứng' cho nhiều gã khổng lồ công nghệ khác ở Đông Nam Á tìm đến 'siêu ứng dụng', trong đó có Gojek.

Sinh năm 1984, Nadiem Makarim được biết đến người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Gojek. Ông có bằng cử nhân xuất sắc của đại học Brown và bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh của trường đại học Harvard.

Tuy được sinh ra trong gia đình thượng ở thủ đô Jakarta với ông nội là anh hùng dân tộc, bố là luật sư nổi tiếng và mẹ là nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng, Nadiem lại có lối sống khá giản dị cùng với sở thích di chuyển bằng xe ôm.

Ông Nadiem Makarim - nhà sáng lập kiêm CEO Gojek (Ảnh: Bloomberg)

Ông Nadiem Makarim - nhà sáng lập kiêm CEO Gojek (Ảnh: Bloomberg)

Nhưng chính việc gặp khó khăn trong việc gọi xe và chi phí di chuyển mỗi chặng không cố định đã tạo động lực thúc đẩy Nadiem phát triển một hệ thống xe ôm kết nối nhu cầu của khách hàng và tài xế. Từ đó, công ty gọi xe Gojek được ra đời vào năm 2010, bắt đầu chặng đường của mình với một văn phòng như một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đơn giản, đội ngũ vỏn vẹn 20 tài xế xe ôm (ojek).

Với 10 tháng giữ chức Giám đốc điều hành của Zalora Indonesia và 1 năm làm Giám đốc sáng tạo của Kartutu đã giúp Nadiem tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực thanh toán và cách mở rộng quy mô thị trường áp dụng vào việc vận hành công ty startup của mình.

Năm 2014, khi thế giới bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe, người sáng lập Gojek đã huy động vốn thành công từ quỹ đầu tư đến từ Singapore NSI Ventures. Đến tháng 1/2015, với nguồn dữ liệu tích lũy sau 4 năm hoạt động, ứng dụng Gojek chính thức ra mắt tại thị trường Indonesia, cung cấp 3 dịch vụ đặt xe máy (GoRide), dịch vụ giao hàng (GoSend) và dịch vụ mua sắm hộ (GoMart).

Chỉ 1 năm sau, ứng dụng này đã đạt được 7,5 triệu lượt tải về và mở rộng mạng lưới đối tác lên đến 200.000 người, đồng thời Gojek cũng chính thức trở thành ‘kỳ lân’ đầu tiên tại Indonesia khi được CB Insights – công ty nghiên cứu dữ liệu tại Mỹ - định giá 1,8 tỉ USD. Năm 2017, công ty tiếp tục nhận được khoản đầu tư trị giá đến 1,5 tỉ USD từ 2 gã khổng lồ công nghệ là Tencent và Google, nâng mức định giá của Gojek lên 5 tỉ USD.

Với vị thế đang lên, Gojek ra mắt thêm dịch vụ thanh toán GoPay và coi nó như thứ ‘ vũ khí’ mạnh nhất của doanh nghiệp này. Tại Indonesia, GoPay được chấp nhận bởi 300.000 người bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến với tổng giá trị giao dịch hàng năm lên tới 6,3 tỉ USD.

Theo số liệu mới nhất được công bố, tính đến cuối tháng 6/2022, Gojek ghi nhận hơn 190 triệu lượt tải xuống, 2,6 triệu đối tác tài xế và 1 triệu đối tác nhà hàng đăng ký tham gia.

Gia nhập vào thị trường Việt Nam

Ông Phùng Tuấn Đức - CEO Gojek Việt Nam

Ông Phùng Tuấn Đức - CEO Gojek Việt Nam

Tận dụng cơ hội ngay khi một đối thủ lớn là Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á, Gojek đã nhanh chóng thực hiện chiến dịch mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam và Singapore.

Gojek chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet, cạnh tranh với Grab và các hãng taxi truyền thống.

Tuy nhiên trong thời gian hoạt động, bộ máy nhân sự cấp cao của GoViet liên tục có sự biến động, với việc thay liên tục 3 CEO chỉ trong vòng 1 năm. Đến tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ, đổi tên thành Gojek Việt Nam, đồng thời đồng nhất màu trang phục các tài xế với công ty mẹ. Hiện tại Gojek Việt Nam do ông Phùng Tuấn Đức đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành.

Với chiến lược thận trọng, sau 4 năm ra mắt, Gojek Việt Nam hiện chỉ có 4 dịch vụ cơ bản là GoRide, GoCar, GoFood, GoSend; trong khi đó hệ sinh thái Gojek tại thị trường Indonesia đang cung cấp đa dạng đến 20 dịch vụ khác nhau. Tính đến cuối năm 2021, Gojek Việt Nam lỗ luỹ kế 4.000 tỉ đồng.

Hợp nhất Gojek và Tokopedia

Đầu năm 2021, Gojek và Tokopedia - 2 'kỳ lân' hàng đầu Indonesia - đã hợp nhất và thành lập nên tập đoàn tài chính khổng lồ GoTo Group – nơi cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, gọi xe, giao đồ ăn và tài chính.

Theo ước tính của S&P Global Market Intelligence, tập đoàn này được định giá khoảng 20 tỉ USD, được tin tưởng sẽ trở thành ‘Wechat của Đông Nam Á’.

“Sự kết hợp với hoạt động kinh doanh fintech sẽ gia tăng độ cạnh tranh của công ty ở quốc gia ‘triệu đảo’ này với các đối thủ khác cả về thương mại trực tuyến và ngoại tuyến”, nhà phân tích công nghệ tài chính Sampath Sharma tại S&P cho biết.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng, trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022, GoTo đang phải chịu khoản lỗ ròng lên tới 937,6 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu của tập đoàn lại tăng mạnh 73% so với nửa đầu năm 2021 lên 225 triệu USD. Điều này chứng tỏ công ty này đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc kinh doanh sinh lời.

Dẫu vậy, các lãnh đạo của GoTo vẫn lạc quan rằng tình hình kinh doanh sẽ sớm được cải thiện dựa trên dự báo mảng thương mại điện tử và kinh doanh theo yêu cầu sẽ hòa vốn lần lượt vào quý 1 và quý 4 năm 2023. Doanh thu của công ty vẫn tăng mạnh chứng tỏ nhu cầu giao hàng và gọi xe vẫn rất lớn./.

Nguồn tham khảo: Tech Wire Asia, Nikkei, Bloomberg.